Nằm trên một mảnh đất nông nghiệp rộng gần 61 ngàn m2 tại Gujarat (Ấn Độ), bên con sông Narmada, trung tâm hỗ trợ cộng đồng LGBTQA+Community Campus Rajpipla gồm những căn nhà nông thôn mộc mạc chen chúc gần cánh đồng kê, những cây xoài và chú bò trắng với chiếc sừng khá lớn.
Từ khi mở cửa đón khách vào năm 2017, đã có gần 500 người qua đây. Nhiều người trong số đó đều đang tìm một nơi trú ẩn an toàn, nơi mà họ có thể trò chuyện về những vấn đề liên quan đến LGBTQ, tránh xa khỏi những cộng đồng mà ở đó, sự kì thị đồng tính được coi là một chuẩn mực.
Trung tâm LGBTA+ Community Campus Rajpipla nằm trên gần 61 ngàn m2 đất nông nghiệp tại Gujarat, Ấn Độ (Ảnh: Atlas Obscura) |
Bên trong khu nhà, những chiếc đầu báo và hươu nhìn thẳng xuống những chiếc giường, bên cạnh là những bức ảnh cũ của gia đình hoàng gia. Trên chính mảnh đất tại Rajpipla này trước kia từng là cung điện hoàng gia, nhưng sau đó buộc phải tháo dỡ vào năm 1960 do cơ sở hạ tầng không đủ vững vàng trước trận lụt.
Giống như bao đế chế hoàng gia khác tại Ấn Độ, gia đình hoàng gia mất đi quyền lực và sự hỗ trợ từ nhà nước vào năm 1971, tuy nhiên vẫn giữ được những tước vị cao trong xã hội. Và trong những bức ảnh đó là hình ảnh một người đàn ông đứng sau khuôn viên này, ông Manvendra Singh Gohil, 54 tuổi, được biết đến là vị hoàng tử công khai đồng tính duy nhất trên thế giới. Và ông có những kế hoạch lớn lao cho tương lai nơi đây.
Gia đình từ mặt vì công khai đồng tính
Hoàng tử Manvendra là con trai của vua Maharana của Rajpipla cùng người vợ, công chúa Rukmini Devi của Rajasthan. Từ nhỏ, ông sống với bảo mẫu, chỉ về nhà khi không đến trường nội trú ở Mumbai. Ông là người thân thiện và nồng ấm, với nụ cười rộng bên dưới chòm râu đen rậm rạp.
Hoàng tử Manvendra Singh Gohil dành thời gian giữa Mumbai và trung tâm của ông ở Gujarat, cách thành phố khoảng 400km về phía Bắc (Ảnh: Atlas Obscura). |
Năm 1991, ở tuổi 25, Manvendra bị sắp đặt trong một cuộc hôn nhân với công chúa Chandrika Kumari của Jhabua. Dù luôn bị hấp dẫn bởi con trai từ khi còn nhỏ, nhưng khi đó ông chưa thực sự nhận thức được khái niệm đồng tính.
“Giáo dục giới tính ở trường chỉ về sư tử, ngựa vằn và hươu cao cổ. Tôi đã tự hỏi rằng: “Tôi không bao giờ quan hệ với một con ngựa vằn, vậy tại sao họ lại dạy những điều đó mà không dạy về con người?”, ông chia sẻ.
Năm 1992, “cặp đôi” được chấp thuận ly hôn bởi hôn nhân ngay từ đầu đã không được thỏa hiệp. Bố mẹ của ông khi đó đã nhờ nhiều bác sĩ kiểm tra “bệnh” của Manvendra, trong khi bản thân ông thì tìm đến thư viện, đọc những cuốn sách mà ở đó, khái niệm “đồng tính” được coi như một loại của sự lệch lạc tình dục.
Cho đến giữa những năm 90, mọi thứ đối với ông mới dần sáng tỏ khi ông đọc được cuốn “Bombay Dost”, cuốn tạp chí về cộng đồng LGBTQ đầu tiên của Ấn Độ. Ông tìm đến tác giả cuốn tạp chí, một phóng viên và cũng là một nhà hoạt động Ashok Row Kavi
“Ông ấy hướng dẫn tôi, “khai sáng” tôi đến với những phần khác của cộng đồng. Từ đó, tôi đã chấp nhận bản thân là một người đồng tính”, ông tâm sự.
Bức chân dung người dì của hoàng tử Manvendra, nữ hoàng và là mẹ của đức vua Jaisalmer (trái) và cô em gái của ông, công chúa Minaxi Devi (phải) tại cung điện Vijay ở Rajpipla (Ảnh: Atlas Obscura). |
Năm 2000, ông lặng lẽ thành lập Lakshya Trust, một tổ chức tập trung vào việc tư vấn và cung cấp dịch vụ y tế cho cộng đồng LGBTQ tại Gujarat. Năm 2002, khi ông nhập viện vì một số vấn đề về tâm lý, ông đã cho phép bác sĩ kể với bố mẹ mình về giới tính của bản thân. Không chấp nhận sự thật, bố mẹ ông đã thử đưa nhiều lãnh đạo tôn giáo tới nhằm “rũ bỏ” sự đồng tính ra khỏi con trai mình.
“Hãy để họ thử, tôi đã nghĩ vậy. Họ “biến” tôi thành một người ăn chay, cho rằng điều đó sẽ giúp “chữa lành” tôi. Và tôi còn trở nên đồng tính hơn trước”.
Tháng 3/2006, hoàng tử Manvendra công khai giới tính, khiến mẹ ông đã từ mặt ông công khai trong một quảng cáo trên báo. Người dân trong cộng đồng đốt hình nộm của ông, nhưng nó chỉ khích lệ ông để trở thành một nhà hoạt động
“Tôi đã tuyên bố trước truyền thông rằng: “Tôi không trách cứ bố mẹ mình, mà tôi trách cho sự thiếu hiểu biết. Và đó là nghĩa vụ của tôi, đối với những người vẫn đang kì thị người đồng tính, là giáo dục họ”.
Cuối năm 2006, một cuộc chiến pháp lý khiến nỗ lực loại hoàng tử khỏi danh sách thừa kế bị dừng lại, và ông được giao cho mảnh đất của hoàng gia, một mảnh đất không có nước và điện, nhưng có tiềm năng.
Gây dựng lãnh địa cho cộng đồng LGBTQA
Trong phòng ngủ, những chiếc đầu báo treo trên tường, bên cạnh những bức hình về tòa nhà gia đình hoàng gia, kiến trúc từng nằm trên chính mảnh đất tại Gujarat này (Ảnh: Atlas Obscura). |
Năm 2011, hoàng tử Manvendra gặp Deandre Richardson, một người đàn ông Mỹ trên ứng dụng hẹn hò ở Ấn Độ. Cặp đôi kết hôn 2 năm sau đó tại Seattle (Mỹ). Sau đó, Richardson được tiếp nhận danh hiệu “công tước” cho dù hôn nhân đồng giới không được công nhận hợp pháp tại Ấn Độ.
Với cương vị đứng đầu của tổ chức Lakshya Trust, hoàng tử Manvendra thỉnh thoảng lại khuyên các bậc phụ huynh mở lòng chấp nhận con cái mình, và thường xuyên nhắn nhủ những người đồng tính Ẩn Độ phải luôn sẵn sàng cho cuộc sống tự lập.
Cho đến tháng 9/2018, quan hệ đồng giới tại Ấn Độ được coi là bất hợp pháp. Nhiều người trẻ tại quốc gia này phải đối mặt với áp lực có con, đặc biệt tại các vùng nông thôn, và điều đó thường làm gia tăng thêm những thành kiến đối với người đồng tính.
Năm 2017, hoàng tử cùng hôn phu của ông bắt đầu bố trí hai tòa nhà với đồ dùng tiện nghi. Mặc dù vẫn còn hoang sơ nhưng ý tưởng của ông dần trở thành hiện thực: Biến nơi đây thành một địa điểm cách biệt mà những người đồng tính có thể trở về, cùng trò chuyện, ăn bữa cơm và thoát khỏi áp lực xã hội.
Ban đầu, một số người kéo đến đây, coi đây là nơi tìm kiếm tình dục hay là địa chỉ ăn chơi khiến Manvendra buộc phải thắt chặt kiểm tra nhằm đảm bảo nơi đây là địa chỉ cho riêng những người thực sự cần một nơi ở và có thể đóng góp cho cộng đồng.
Một trong số đó là Patel, một phụ nữ chuyển giới, tìm đến đây từ tháng 2 năm 2017 và nhanh chóng thành một thành viên không thể thiếu của trung tâm. Cô giúp quản lý và tổ chức các cuộc họp của người chuyển giới. Trong khi đó, Shailesh Raval, một người đồng tính nam 40 tuổi ở khu làng lân cận, mô tả bản thân là một “bottom tìm kiếm một top tốt bụng” nhưng vẫn chưa thể công khai giới tính của mình cho gia đình.
Shailesh Raval (trái) tìm đến trung tâm xin tư vấn từ hoàng tử Manvendra và đã ở lại và làm việc tại trung tâm. Riya Patel (phải) là người chuyển giới hiện đang làm quản lý tại trung tâm (Ảnh: Atlas Obscura). |
Liên lạc với Manvendra, Raval đã được hoàng tử chi trả chi phí để đến ở trung tâm với người bà mà ông vẫn đang còn chăm sóc.
“Cuộc sống bên ngoài thật căng thẳng. Tôi luôn sợ bị người khác phát hiện. Chỉ tồn tại trên đời cũng khiến tôi lo lắng. Nhưng ở đây, tôi có thể yên tâm để là chính mình”, Raval tâm sự.
Một buổi sáng, khi một người đàn ông tầm 30 tuổi bước vào trung tâm khi đọc được thông tin trên mạng, tìm đến đây để tâm sự về thú vui thầm kín về mặc đồ phụ nữ, anh dỡ đồ đưa cho Patel trong khi Raval mang snack và trà đến. Gần đó, những chú chó của hoàng tử lang thang ngửi hít ngoài sân.
Vẫn còn nhiều việc cần làm tại trung tâm LGBTQA+Community Campus Rajpipla này. Có một “phòng thiền” vẫn còn ngổn ngang các hộp carton, và Manvendra cũng lên kế hoạch cho phòng âm nhạc, thư viện và cả những căn nhà thân thiện môi trường được xây bằng những chai nhựa. Giữa tháng 2, nhiều tuần trước khi phong tỏa vì Covid-19, cuộc sống nơi đây đơn giản và yên bình.
Một trong những khu nhà hiện đại tại trung tâm ở Gujarat. Manvendra cho biết bố ông đã tới dự ngày khai mạc sau khi họ hàn gắn mối quan hệ (Ảnh: Atlas Obscura). |
Sau nhiều năm khi biết giới tính của con trai mình, thái độ của cha ông dần dịu lại, duy trì mối quan hệ tốt đẹp, nhưng mẹ ông thì vẫn không thể quên đi. Những trải nghiệm ấy càng khiến ông tin tưởng hơn vào tầm quan trọng của trung tâm này.
“Nếu một người như tôi có thể rơi vào những khó khăn ấy thì những người khác cũng vậy. Tôi không tin vào sự lảng tránh. Dù cho có ở trong một nền văn hóa kỳ thị người đồng giới thì tôi vẫn sẽ sống và giáo dục mọi người. Tôi thuộc về một gia tộc chiến binh, vì vậy tôi sẽ dành cả cuộc đời để chiến đấu”.
Tâm sự của hoa hậu đồng tính đầu tiên tại Miss Universe
Hoa hậu Myanmar công khai giới tính chỉ vài ngày trước khi sải bước trên sân khấu tại Atlanta, Georgia hôm 8/12 vừa qua.