Hơn 30.000 du khách đổ về Đền Hùng

Hơn 30.000 du khách kéo về đền Hùng dâng hương giỗ Tổ. Người dân nên tuân thủ hướng dẫn của lực lượng chức năng để việc đi lại thuận lợi

Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay rơi đúng vào cuối tuần, nhiều người dân sắp xếp thời gian để hành hương về bái Tổ. Vào chiều 9/4, các tuyến đường từ trung tâm TP Việt Trì dẫn về khu di tích đền Hùng chật ních xe cộ. Lối lên núi Nghĩa Lĩnh, dòng người đông nghịt.

Theo chia sẻ của ông Lê Trường Giang, Giám đốc Khu di tích lịch sử đền Hùng, lượng du khách đổ về dâng hương ngày 9/4 tăng đột biến, khoảng 30.000 người, tăng hơn 10.000 người so với hôm qua và gấp đôi năm 2021.

Tại chân núi Nghĩa Lĩnh, hai bên bãi cỏ người dân trải chiếu ngồi chật kín, nhiều người nằm ngủ tại chỗ. Một biển điện tử lớn cập nhật liên tục mật độ người tại đền Hạ, Trung, Thượng để người dân chủ động thời gian lên, tránh ùn tắc. Lực lượng cảnh sát, nhân viên khu di tích cầm loa liên tục đi nhắc nhở người dân đeo khẩu trang, đi theo nhóm nhỏ, không tập trung đông người.

 Dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
 Dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

 Tuy nhiên, do đường từ chân núi Nghĩa Lĩnh lên đền Thượng hẹp, nhiều đoạn chỉ gần 3 m nên người dân phải nhích từng bước. Trẻ nhỏ được bố mẹ kiệu lên đầu để tránh nguy hiểm. Loa của Ban tổ chức liên tục thông báo tìm trẻ lạc.

Dự kiến ngày 10/4 (ngày lễ chính) lượng khách đổ về hành lễ sẽ đông hơn. Ông Giang khuyến cáo người dân tuân thủ hướng dẫn của lực lượng chức năng ngay từ điểm vào tỉnh để việc đi lại thuận lợi. Vào bên trong khu di tích trước 9h, người dân có thể tới các không gian nghệ thuật để vui chơi, tránh tập trung ở điểm dâng hương.

Anh Hoàng Văn Trung ở Hạ Hòa, Phú Thọ, dẫn đầu nhóm gần 20 người đi xe máy hơn 60 km, mang theo chiếu đến đền Hùng. Tối 9/4 cả nhóm sẽ xuống quảng trường công viên hồ Văn Lang xem bắn pháo hoa, sau đó trở lại khu di tích để ngủ qua đêm, tới ngày 10/4 sẽ vào đền hành lễ sớm.

"Ngủ một đêm ở chân núi Nghĩa Lĩnh, sáng hôm sau leo núi hành lễ đã thành tục lệ của tôi nhiều năm qua nhằm thể hiện sự thành kính với các vua Hùng", anh Trung chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Thủy, 45 tuổi đến từ Quảng Ninh cho biết, từ khi Covid-19 bùng phát đây là lễ hội đầu tiên bà tham dự vì cảm thấy đã an toàn. Sáng 9/4, đoàn của bà với gần 30 người đến Phú Thọ, xem bơi chải tại công viên hồ Văn Lang. Chiều cùng ngày, đoàn của bà Thủy đến tham quan triển lãm, xem múa rối nước trong khu di tích, tối quay lại trung tâm thành phố xem bắn pháo hoa và sẽ dâng hương hành lễ vào sáng ngày 10/4.

Lễ Giỗ Tổ năm ngoái, do Covid-19, Tỉnh Phú Thọ chỉ tổ chức phần lễ. Năm nay, Lễ giỗ Tổ được tổ chức theo quy mô cấp tỉnh bao gồm cả phần lễ và hội.

Những hoạt động nổi bật trong phần hội gồm: Thi gói bánh chưng, bánh giầy (ngày 8/4), bơi thuyền chải (sáng 9/4), bắn pháo hoa tầm cao 15 phút, chương trình nghệ thuật Linh thiêng nguồn cội, Đất Tổ Hùng Vương (tối 9/4).

Phần Lễ gồm: Lễ dâng hương tưởng niệm các vua Hùng và danh nhân, danh tướng tại di tích đền thờ Hùng Vương trên núi Nghĩa Lĩnh diễn ra sáng 10/4 (10/3 âm lịch).

Nhà chức trách tỉnh Phú Thọ cũng các gia đình sắm sửa mâm cơm để làm lễ tưởng nhớ, tri ân công đức những người có công dựng nước, giữ nước trong ngày 10/3.

Thanh Bình (t/h)

Người lao động được nghỉ mấy ngày dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, Lễ 30/4 và 1/5?

Người lao động được nghỉ mấy ngày dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, Lễ 30/4 và 1/5?

Năm nay, do các ngày nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, Chiến thắng 30/4, ngày Quốc tế lao động 1/5 đều trùng vào ngày nghỉ hàng tuần nên người lao động sẽ được nghỉ bù và có kỳ nghỉ lễ dài hơn.