Hơn 6.000 tỷ đồng để triển khai chương trình 'Sóng và máy tính cho em'

Mục tiêu của chương trình là 100% trường học, giáo viên, học sinh, sinh viên sẽ được trang bị đầy đủ về hạ tầng, nền tảng, máy tín.

Tối 12/9, chương trình "Sóng và máy tính cho em" chính thức được Bộ Thông tin và Truyền thông phát động với sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Được bắt đầu từ đề xuất của người đứng đầu Chính phủ với mục tiêu hỗ trợ phương tiện và điều kiện hạ tầng để giáo viên, học sinh sinh viên trong cả nước học trực tuyến trong điều kiện nhiều tỉnh thành áp dụng giãn cách xã hội, chỉ trong vòng chưa đến một tuần, chương trình "Sóng và máy tính cho em" đã được công bố với kinh phí dự kiến ban đầu lên tới hơn 6.000 tỷ đồng.

Hơn 6.000 tỷ đồng để triển khai chương trình 'Sóng và máy tính cho em'

Để triển khai chương trình này, Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thống nhất xây dựng phương án hỗ trợ các nhà trường, giáo viên, học sinh, sinh viên tiếp cận hạ tầng số, dịch vụ truy nhập Internet tốc độ cao an toàn, dễ sử dụng để đảm bảo đáp ứng nhu cầu dạy và học trực tuyến; vận động cung cấp, hỗ trợ máy tính, các thiết bị công nghệ, nền tảng công nghệ, dịch vụ viễn thông cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo tại các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16 triển khai học trực tuyến.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết chương trình này cũng hướng tới mục tiêu triển khai trong toàn quốc, với sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai, vận động, kêu gọi mọi nguồn lực trong xã hội để ủng hộ, góp phần hướng tới mục tiêu 100% trường học, giáo viên, học sinh, sinh viên được trang bị đầy đủ về hạ tầng, nền tảng, máy tính và các phương tiện khác phục vụ cho việc dạy và học trực tuyến, qua đó thúc đẩy phát triển xã hội số.

Mục tiêu của chương trình nhằm "Bảo đảm không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau, không hoàn thành chương trình học tập do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19."

Bộ Thông tin và truyền thông cũng cam kết bảo đảm việc phủ sóng di động. Cụ thể là với kinh phí dự kiến chi 3.000 tỷ đồng để ngay trong tháng 9/2021 hoàn thành việc phủ sóng toàn bộ 283 điểm chưa có kết nối Internet di động tại các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16.

Mặt khác, từ nay đến cuối năm 2021 sẽ thực hiện phủ sóng toàn bộ 1.910 điểm chưa kết nối Internet di động trên toàn quốc.

Cùng với đó, Bộ Thông tin và truyền thông cam kết hỗ trợ máy tính phục vụ học trực tuyến.

Cụ thể, giai đoạn 1 (trong năm 2021) sẽ huy động một triệu máy tính cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo trên toàn quốc, trước mắt ưu tiên cho các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 đang thực hiện học trực tuyến. Theo Bộ Thông tin và truyền thông, kính phí dự kiến cho giai đoạn một là 2.500 tỷ đồng.

Đến giai đoạn 2 (từ năm 2022 - 2023), chương trình sẽ tiếp tục phát động để huy động mọi nguồn lực trong xã hội, hướng tới mục tiêu 100% học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo trên toàn quốc được trang bị máy tính để có thể thực hiện học trực tuyến.

Bên cạnh đó, trong khuôn khổ chương trình này, Bộ Thông tin và truyền thông cũng cam kết sẽ có những chính sách hỗ trợ cho các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 tổ chức dạy, học trực tuyến trong ba tháng với tổng kinh phí dự kiến 650 tỷ đồng. Các nội dung hỗ trợ bao gồm:

- Miễn phí 100% việc sử dụng các nền tảng dạy, học trực tuyến Việt Nam đã được công bố.

- Miễn phí 4GB/ngày cho 1 triệu học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo khi được tặng máy tính trong thời gian 3 tháng để học tập trực tuyến;

- Hỗ trợ các gói cước, hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ việc dạy và học trực tuyến bao gồm: máy chủ, chỗ đặt máy chủ, đường truyền Internet bảo đảm việc dạy, học trực tuyến./.

Minh Sơn

theo Việt Nam plus

Tăng 2.000% trong năm 2021, Terra coin liệu có đáng mua?

Tăng 2.000% trong năm 2021, Terra coin liệu có đáng mua?

Terra được phát triển nhằm cung cấp các hệ thống thanh toán toàn cầu. Và tiền điện tử này đã ghi nhận mức tăng hơn 2.000% kể từ đầu năm.