Khánh Hòa cần bảo tồn nguồn tài nguyên mang tên xứ sở

Công cụộc bảo tồn, phát triển nguồn tài nguyên mang thương hiệu Xứ Trầm Hương không phải là chuyện của cá nhân hay tổ chức hội.
Thao tác cấy tạo trầm tại mô hình huyện Cam Lâm
Thao tác cấy tạo trầm tại mô hình huyện Cam Lâm

“Khánh Hòa là xứ Trầm Hương
Non cao biển rộng người thương đi về.
Yến sào thơm ngọt tình quê
Sông sâu đá tạc lời thề nước non”....

Chẳng phải ngẫu nhiên mà nhà văn Quách Tấn cho ra đời tác phẩm Xứ Trầm Hương viết về vùng đất địa linh nhân kiệt Khánh Hòa, với 4 câu thơ khai bút trên. Từ rất xa xưa, Khánh Hòa đã được mệnh danh Xứ Trầm Hương, bởi nơi đây nổi tiếng với sản vật quý hiếm của núi rừng là trầm hương và kỳ nam, cả về số lượng lẫn chất lượng. Tuy nhiên, qua nhiều thế kỷ, con người chỉ biết tự hào để khai thác. Xưa thì khai thác để cống nạp, nay thì khai thác để tư lợi; Và cũng chưa từng có một đế chế nào chú trọng đầu tư bảo tồn và phát triển. Vì vậy, nguồn tài nguyên thiên nhiên quý hiếm trầm hương, kỳ nam nổi tiếng của Việt Nam, đặc biệt từng có nhiều nhất, chất lượng cao nhất trên vùng đất mệnh danh Xứ Trầm Hương- Khánh Hòa chẳng những gần như cạn kiệt, tuyệt chủng, mà còn đã và đang bị lạm dụng thương hiệu để thương mại trục lợi...

Thực trạng báo động- Danh đã chính, nhưng ngôn bất thuận.

Những thập niên gần đây, khi báo chí viết nhiều, ca ngợi nhiều về trầm hương Khánh Hòa, trầm hương Việt Nam, đặc biệt là giá trị thương phẩm, giá trị vi diệu, đa năng của nó với đời sống con người,...  Thì cũng chính là lúc nguồn tài nguyên này bị truy cùng, vét tận và có nguy cơ tuyệt chủng. Đã có hàng trăm gia đình giàu lên qua 4- 5 thế hệ với nghề đi điệu (nghề vô rừng tìm trầm hương, kỳ nam). Khi có cơ hội bộc bạch, họ rất tự hào về nghề đi điệu của mình, với nhiều lần trúng quả đổi đời khi khai thác được trầm, kỳ,.. Song, nghiệt ngã thay, chẳng những hơn 10 năm qua, nghề đi điệu thất truyền vì không còn nguồn, mà chính tại nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh lâu năm các sản phẩm trầm hương, kỳ nam, từ những sản phẩm trưng bày, trang sức, đến các sản phẩm phục vụ tâm linh,.. hầu hết là hàng nhập hoặc hàng trôi nổi không rõ nguồn góc xuất xứ... Một câu hỏi trớ trêu đã được rất rất nhiều người quan tâm: “Liệu Xứ Trầm Hương có còn hương trầm đúng nghĩa?!”...

Mặc dù, nước ta có Hội Trầm Hương Việt Nam và Xứ Trầm Hương có Hội Trầm hương Khánh Hòa, thế nhưng những năm qua, các tổ chức này đã làm gì để bảo vệ, tôn tạo nguồn tài nguyên thiên nhiên quý hiếm của địa phương, của quốc gia?! Phải chăng, họ đã rơi vào tình trạng “bất khả kháng”, bất lực trước thực trạng 350ha cây dó bầu (1.000 cây/ha) được trồng trước năm 2015, bị tàn phá không chỉ do thiên tai, mà bởi chính người nông dân trồng nó. Hiện diện tích ấy chỉ còn gần 50ha. Thực trạng đau lòng trên đã diễn ra với một lý do đơn giản: người nông dân vay mượn, đầu tư trồng cây dó bầu khi nghe báo, đài và Hội Trầm hương Khánh Hòa tôn vinh nó sẽ là cây “tỷ phú”... Thế nhưng, khi họ đã đầu tư trồng dó bầu với số lượng rất lớn, qua nhiều năm, mà chờ hoài không thấy ai hỗ trợ để giải bài toán cấy tạo trầm, trong khi họ không còn đủ sức, nên đành phải chấp nhận bán rẻ hoặc đốn làm củi cho dù cây đã hàng chục tuổi, để tự cứu chính mình...

Nếu có ai đó nhận định: Xứ Trầm Hương có tiếng nhưng không còn có miếng, thì Khánh Hòa lại thêm một lần nữa đánh mất cái miếng vốn có của mìng, khi không hỗ trợ kịp thời để giữ 350ha cây dó bầu ấy, thay vì phải đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, cấy tạo trầm hương, bảo tồn và phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên vô giá này,...

...Rất cần sự bảo tồn đúng nghĩa

Mới đây (ngày 11/11/2021), với tình yêu và niềm tự hào của người con xứ sở về danh xưng Xứ Trầm Hương, sau nhiều năm trăn trở, nghiên cứu, Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Khánh Hòa (gần 20 nhà nghiên cứu là người bản địa) vừa tổ chức hội thảo “Thử nghiệm phương pháp cấy trầm sinh học trên cây dó bầu ở Khánh Hòa”, tại xã Cầu Bà, huyện Khánh Vĩnh.

Ông Trần Giỏi- Chủ tịch Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường- chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học
Ông Trần Giỏi- Chủ tịch Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường- chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học "Thử nghiệm phương pháp cấy trầm sinh học trên cây dó bầu"

Có thể nói, sự có mặt của trên 20 thành viên tham dự hội thảo trong một điều kiện thời tiết mưa to, gió lớn, vị trí địa lý cách trung tâm TP.Nha Trang trên 50km đã phần nào khẳng định tâm huyết, tình yêu với công cuộc bảo vệ hương trầm Xứ Trầm Hương. Ngoài những phân tích khẳng định về giá trị trầm hương là phần gỗ thơm ở cây dó làm hương liệu và dược liệu, được coi là lâm sản có giá trị thương mại quốc tế nhất hiện nay, hội thảo đã chia sẻ những nghiên cứu phát triển, các biện pháp tạo trầm trên cây dó, nâng cao năng suất, chất lượng trầm nhân tạo trên cây dó vườn nhà, tư vấn chuyển giao công nghệ tạo trầm tốt, hiệu quả kinh tế cao, đến ứng dụng, triển khai sản xuất và kinh doanh các mặt hàng liên quan đến trầm hương và các sản phẩm chế biến từ cây dó tạo trầm tại Việt Nam. 

                Bà Lê Thị Kim Thanh- Nông dân trong mô hình  thử nghiệm hỗ trợ cấy trầm sinh học  phát biểu tại hội thảo
Bà Lê Thị Kim Thanh- Nông dân trong mô hình  thử nghiệm hỗ trợ cấy trầm sinh học  phát biểu tại hội thảo

Hầu hết các đại biểu từ Liên hiệp các hội KHKT, Sở TN&MT, sở GĐ&DT, Viện công nghệ Sinh học- Trường Đại học Nha Trang, Trung tâm khuyến nông, khuyến ngư huyện Khánh Vĩnh; các ban ngành, HTX của huyện và đặc biệt là những người nông dân đang sở hữu số ít cây dó bầu còn sót lại, đã được Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường hỗ trợ cấy trầm, đều có những phát biểu rất tâm huyết, thiết thực.

Thao tác kiểm tra cấy tạo trầm trên thân cây đường kính 15cm
Thao tác kiểm tra cấy tạo trầm trên thân cây đường kính 15cm

Trước nguy cơ tuyệt chủng và thực trạng trên 90% nguyên liệu nhập tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm trầm tại Khánh Hòa, hội thảo “Thử nghiệm phương pháp cấy trầm sinh học trên cây dó bầu” do ông Trần Giỏi- Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Khánh Hòa,  chủ nhiệm đề tài đã đạt những kết quả bước đầu, căn bản và khả thi. Không đao to, búa lớn, không mang tính thương mại, ông Giỏi trình bày: “Hiện nay, chúng tôi đã thử nghiệm phương pháp cấy tạo trầm sinh học trên cây dó bầu khoảng 10 tuổi, đường kinh 15cm, sinh trưởng tốt ở 3 điểm (huyện Vạn Ninh, huyện Khánh Vĩnh và huyện Cam Lâm), với 3 mô hình, dự tính mỗi mô hình 30 cây, nhưng thực tế đã cấy trên 120 cây. Chúng tôi bắt đầu từ tháng 05/2020, đến nay đã đạt kết quả bước đầu như: sau 4 tháng có dấu hiệu kích ứng, nhiễm nấm, xuất hiện các lớp mỏng màu nâu, hơi đen xung quanh lỗ khoan; sau 8 tháng các vệt chuyển màu nâu đen sậm và lan rộng hơn xung quanh lỗ khoan; đến 12 tháng các vệt nâu đen phát triển theo chiều dọc, có cây trên 3m, khi đốt có mùi trầm, thơm nhẹ... Các cây thử nghiệm đều sinh trưởng bình thường, không cây nào bị chết... Hiện cây có vệt trầm đạt tỷ lệ trung bình rất cao gần 90%. Để khôi phục nguồn tài nguyên trầm hương Khánh Hòa, chúng tôi thiết nghĩ phải chú trọng thực nghiệm thành công phương pháp cấy trầm sinh học này. Đồng thời, khích lệ, hỗ trợ, vận động người dân tiếp tục trồng và phát triển vùng nguyên liệu dó bầu...”

Chị Lê Thị Kim Thanh- Một nông dân trong mô hình thử nghiệm, chia sẻ: “Chúng tôi có 16ha dự định phát triển du lịch sinh thái với vườn cây sạch, khách có thể vào hái ăn luôn tại vườn mà không ngần ngại gì. Trước khi được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường hỗ trợ cấy trầm, trên đất có hàng ngàn cây dó bầu, nhưng chủ cũ đã đốn bỏ, chỉ còn trên 100 cây. Và thú thật, nếu các anh không kịp thời tiếp cận, hỗ trợ, chúng tôi cũng không biết nó có giá trị gì. Giờ thì chúng tôi yên tâm, tin tưởng, có thể sẽ trồng thêm...”

 Sở KH & CN kiểm tra, sau 6 tháng cấy tạo trầm trên thân cây dó bầu.
 Sở KH & CN kiểm tra, sau 6 tháng cấy tạo trầm trên thân cây dó bầu.

Bạn Nguyễn Phi Trường- Chủ Farm Phượng Hoàng, ở xã Ninh Tây, huyện Ninh Hòa cho biết: “Hiện 18 ha của tôi đang có 1.000 cây dừa Vạn Thiện, 5.000 cây sim rừng, 300 cây hoa Mua, 500 cây hoa Phượng, 200 cây Đào Đỗ Mai,... Hôm nay, tôi có mặt ở hội thảo này với mong muốn tiếp cận thực nghiệm cấy trầm trên cây dó bầu, để phát triển thêm vườn dó bầu trên Farm của mình. Tôi đã quan tâm và chờ đợi khá lâu, vì bên cạnh giá trị thương phẩm có thể mang đến, dó bầu còn là loài cây bảo tồn nguồn tài nguyên trầm, kỳ mang thương hiệu quê hương mà tôi đã rất tự hào. Tôi mong muốn sau này, Farm sẽ trở thành nơi không chỉ đón tiếp du khách gần xa, mà còn ưu tiên đón tiếp học sinh, sinh viên nhiều trường tham quan, vui chơi, học tập,...”  

Để Khánh Hòa thật sự thật xứng đáng với tên gọi Xứ Trầm Hương, thành quả thử nghiệm thành công phương pháp cấy tạo trầm sinh học trên cây dó bầu chỉ mới là yếu tố tiên quyết, cần thiết. Song, yếu tố đủ để tôn tạo và phát triển, cần nhiều hơn sự quan tâm hỗ trợ đầu tư đúng mức của các nhà quản lý Chính quyền địa phương. Công cuộc bảo tồn, phát triển nguồn tài nguyên mang thương hiệu Xứ Trầm Hương không phải là chuyện của cá nhân hay tổ chức hội. Nó phải là tiếng nói chung của cả cộng đồng và cần được đưa vào chiến lược phát triển kinh tế- chính trị- xã hội của địa phương./.

Quỳnh Mỹ

20 giờ ngày 19/11 cầu siêu cho các vong linh tử vong do COVID-19

20 giờ ngày 19/11 cầu siêu cho các vong linh tử vong do COVID-19

Hoạt động này nhằm xoa dịu nỗi đau của các gia đình có người thân tử vong do COVID-19, cầu nguyện cho các vong linh tử vong được siêu thoát.