Khẩu trang y tế được làm chủ yếu từ vải không dệt (chiếm khoảng 70 - 80% nguyên liệu). Lớp vải không dệt từ polypropylene thường được đặt ở ngoài cùng và trong cùng của khẩu trang, do đặc tính mềm, thoáng khí và không gây dị ứng, tuy nhiên lại rất khó phân hủy.
Với tính chất chỉ dùng một lần rồi bỏ nên trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, vấn nạn về rác thải khẩu trang đang trở thành vấn đề nan giải đối với môi trường.
Theo một bài báo của Liên Hợp Quốc, doanh số bán khẩu trang dùng một lần trên toàn thế giới trong năm nay dự kiến tăng hơn 200 lần, đạt 166 tỉ USD. Bình quân trọng lượng của một chiếc khẩu trang y tế 3 lớp nặng khoảng 30g, nếu dựa trên ước tính mỗi ngày có 100 triệu chiếc khẩu trang y tế 3 lớp loại bỏ, thì mỗi ngày sẽ có khoảng 300 tấn (tương đương 9.000 tấn/tháng) rác thải từ khẩu trang y tế bị thải ra môi trường.
Tại Philippines, người ta đã nghĩ đến giải pháp thay thế các sợi tổng hợp bằng loại sợi có nguồn gốc từ cây Abaca - một họ của cây chuối ở Philippines.
Oro Handmade - nhà sản xuất bao bì bền vững, văn phòng phẩm với thương hiệu INDIGENOUS.PH hiện sản xuất 100% khẩu trang Origami (loại không dành cho phẫu thuật) có thể phân hủy sinh học để giúp hạn chế chất thải nhựa từ khẩu trang dùng một lần.
Đại diện Oro Handmade cho biết, nguyên liệu thô mà công ty sử dụng là sợi abaca, lá dứa và chất kết dính tự nhiên như bắp hoặc tinh bột sắn, không có hóa chất, mủ cao su, chất làm cứng hay sợi tổng hợp, vòng đeo tai bằng giấy thay vì dây thun rất phổ biến, đảm bảo lọc tốt. Do đó, khẩu trang Origami phân hủy nhanh, đặc biệt không gây tổn thương cho môi trường.
Khẩu trang từ sợi Abaca được kỳ vọng là sẽ giúp giảm thiểu rác thải nhựa từ khẩu trang y tế. |
Sợi Abaca có độ bền tương đương với polyester nhưng chỉ mất hai tháng để phân hủy, ông Kennedy Costales - Giám đốc Cơ quan Phát triển Công nghiệp Sợi Philippines (PhilFIDA) thuộc Bộ Nông nghiệp Philippines cho biết. Và theo ông, sợi abaca đang trở thành một vật liệu lý tưởng để sản xuất vải y tế.
Abaca, còn có tên là Musa textilis, là một loại cây chuối bản địa có giá trị kinh tế cao ở Philippines. Cây có độ cao trung bình khoảng 3,7m, được trồng chỉ để lấy sợi từ vỏ bọc xung quanh thân cây.
Một người dân đang tách vỏ cây Abaca |
Từ thế kỷ 19, sợi Abaca đã được sử dụng để làm dây thừng trên các con tàu biển. Hiện nay, sợi Abaca thường được dùng để làm túi trà, tiền giấy, quần áo, rèm cửa hoặc đồ nội thất... Thậm chí, sợi Abaca còn được dùng trong sản xuất ô tô. Mercedes Benz đã sử dụng sợi abaca để gia cố nhựa cho các bộ phận thân xe ô tô của mình. Điều này làm cho chiếc xe mạnh mẽ hơn nhưng nhẹ hơn.
Theo nghiên cứu sơ bộ của Bộ KH&CN Philippines, vải từ sợi Abaca có khả năng chống nước tốt hơn so với khẩu trang N-95, đồng thời kích thước các lỗ rỗng của nó hoàn toàn nằm trong phạm vi được khuyến nghị của Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh Hoa Kỳ để lọc các hạt nguy hại.
Mặc dù có chi phí sản xuất cao hơn so với các sản phẩm thay thế nhựa khác, các nhà sản xuất thiết bị bảo vệ sức khỏe của Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam vẫn đặt hàng sợi Abaca trong những tháng vừa qua, nâng sản lượng của các nhà máy sản xuất sợi tại Philippines lên gấp đôi, ông Firat Kabasakalli, Tổng giám đốc Dragon Vision Trading, một đơn vị xuất khẩu sợi Abaca, cho biết.
Quá trình phơi sợi Abaca |
Pratik Gurnani, cố vấn cấp cao của công ty nghiên cứu thị trường Future Market Insights cho biết: “Sợi abaca đang nhanh chóng trở nên phổ biến khi các chính phủ và nhà sản xuất trên toàn thế giới tìm cách sản xuất các sản phẩm may mặc y tế có thể tái sử dụng và an toàn hơn cho các chuyên gia”.
Theo ông Costales, nhu cầu sử dụng sợi Abaca trong năm nay có thể tăng theo cấp số nhân, trong đó 10% được sử dụng cho mục đích y tê. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất sợi Abaca ở Philippines chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế, một phần nguyên nhân là do nông dân thiếu những chính sách hỗ trợ từ chính Phủ để nâng cao sản lượng.
Tử vi Mùng 1 Tết ngày 1/2/2022 của 12 con giáp chi tiết nhất
Tử vi Mùng 1 Tết ngày 1/2/2022 của 12 con giáp : Sửu tình cảm thăng hoa, Ngọ tài lộc vững mạnh.