Theo IHS Markit, hoạt động chế tạo của Mỹ hầu như không tăng, trong khi lĩnh vực dịch vụ tăng chậm lại cho thấy cuộc chiến thương mại với Trung Quốc có thể đang tác động đến nền kinh tế. Hoạt động chế tạo của Mỹ hầu như không tăng vào đầu tháng Sáu, trong khi lĩnh vực dịch vụ tăng chậm lại.
Giới phân tích cho rằng đây có thể là những dấu hiệu cho thấy cuộc chiến thương mại với Trung Quốc có thể đang tác động đến nền kinh tế. IHS Markit cho biết, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực chế tạo của Mỹ đầu tháng Sáu đứng ở mức thấp nhất kể từ tháng 9/2009 là 50,1 điểm.
PMI trên 50 điểm có nghĩa lĩnh vực chế tạo chiếm 12% kinh tế Mỹ này có sự tăng trưởng. Trong khi đó, chỉ số PMI trong lĩnh vực dịch vụ ở mức thấp kể từ tháng 2/2016 là 50,7 điểm. Số liệu PMI của cả hai lĩnh vực này trong tháng Sáu đều thấp hơn so với dự báo của các nhà phân tích tham gia khảo sát của hãng tin Reuters.
Nhà kinh tế của IHS Markit, Chris Williamson, cho biết, vào đầu tháng này, 2/3 số nhà chế tạo tham gia khảo sát của IHS Markit cho rằng việc chi phí của một số hoặc toàn bộ nguyên liệu thô tăng lên là do tác động của việc Mỹ tăng thuế.
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung bắt đầu vào năm ngoái và leo thang trong tháng trước sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tăng thuế lên 200 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc.
Hoạt động chế tạo của Mỹ hầu như không tăng vào đầu tháng Sáu, trong khi lĩnh vực dịch vụ tăng chậm lại. |
Trung Quốc đã phản ứng lại bằng việc tăng thuế đối với 60 tỷ USD hàng hóa của Mỹ. Ông Trump dọa sẽ có động thái tương tự đối với 300 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc, nếu Trung Quốc không sớm nhất trí một thỏa thuận thương mại.
Ông có kế hoạch gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Nhật Bản vào ngày 28-29/6 tới.
Đây là hội nghị quốc tế quan trọng với hai loạt sự kiện là hội nghị nhóm G20 và các cuộc họp song phương bên lề. Đặc biệt cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump - giả sử điều đó xảy ra- đang và sẽ thu hút sự chú ý của thế giới.
Có rất nhiều vấn đề thảo luận trong sự kiện chính. Đầu tiên và quan trọng nhất là những rủi ro đối với mục tiêu trung tâm của G20 là "tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững, cân bằng và toàn diện”. Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde, đã gọi triển vọng toàn cầu hiện tại là “mỏng manh và sự phục hồi bấp bênh”, đặc biệt quan tâm đến căng thẳng thương mại.
IMF ước tính rằng thuế quan trả đũa do Mỹ và Trung Quốc áp đặt lên hàng hóa của nhau có thể làm chậm tăng trưởng toàn cầu tới 0,5% (tương đương khoảng 455 tỷ USD, lớn hơn cả nền kinh tế Nam Phi). Vì nhiều lý do, đây không phải là một chủ đề dễ dàng cho G20.
Thứ nhất, ý nghĩa về mục tiêu chung đưa các nhà lãnh đạo lại gần với nhau giữa cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009 phần lớn đã tan biến. Thứ hai, không gian mà các nước lớn dành cho chính sách tài khóa hoặc tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng bị hạn chế nghiêm trọng bởi tình trạng nợ nần và lãi suất thấp.
Cùng với các nội dung này là phản ứng từ việc chính quyền Mỹ áp thuế quan hoặc đe dọa áp thuế đối với đa số thành viên G20 và quan điểm của Mỹ đã đưa WTO đến bờ vực nguy hiểm, sự bất đồng về tác động của các hành động này đối với tăng trưởng.
Tại cuộc họp Bộ trưởng Tài chính G20 ở Fukuoka hồi đầu tháng 6, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho rằng không có bằng chứng nào cho thấy tranh chấp với Trung Quốc đang làm chậm nền kinh tế Mỹ. Trong khi hội nghị thượng đỉnh tại Osaka không có khả năng giải quyết vấn đề thương mại, nhiều người cho rằng có thể hy vọng vào kết quả như của hội nghị thượng đỉnh G20 hồi tháng 12/2018 tại Argentina.
Còn số liệu kinh tế khác được công bố ngày 21/6 cho thấy doanh số bán nhà tăng trong tháng Năm, có thể là kết quả từ những nỗ lực của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong việc tránh nguy cơ suy thoái cho nền kinh tế với việc duy trì lãi suất thấp.
Trong khi nhiều chỉ số vẫn biểu thị sự vững vàng của nền kinh tế, các nhà hoạch định chính sách của Fed ngày càng quan ngại rằng đà tăng trưởng kinh tế trong 10 năm có thể đang đứng trước rủi ro.
Nhiều ý kiến cho rằng căng thẳng thương mại là một yếu tố dẫn đến sự thay đổi lập trường chính sách của Fed trong tuần này. Thông báo chính sách mới nhất ngày 19/6 cho thấy gần một nửa số nhà hoạch định chính sách của Fed nhận định về khả năng hạ lãi suất trong năm nay.
Bài viết không tồn tại hoặc đã xóa