Hội nghị trực tuyến toàn quốc để quán triệt chỉ thị của Bộ Chính trị, triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 (sau đây gọi là cuộc bầu cử) diễn ra sáng 21/1, tại Nhà Quốc hội. Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Tổng bí thư khẳng định: "Cuộc bầu cử diễn ra vào thời điểm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, cả nước ra sức thi đua lập thành tích chào mừng thành công của Đại hội thứ XIII của Đảng, một sự kiện chính trị trọng đại của Đảng ta, Đất nước ta và Dân tộc ta, có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp tiếp tục đổi mới toàn diện và đồng bộ, phát triển nhanh và bền vững đất nước".
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại một phiên họp của Quốc hội khóa XIV - Ảnh: Quochoi.vn |
Ông cho rằng, các hoạt động kỷ niệm 75 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên vừa qua đã để lại những ấn tượng tốt đẹp, đánh giá sâu sắc những thành tựu, kết quả nổi bật của Quốc hội VN trong suốt 14 nhiệm kỳ vừa qua, rút ra nhiều bài học quý báu để tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân.
Cuộc bầu cử toàn quốc sẽ diễn ra trong ngày 23-5 tới đây sẽ "là cuộc vận động chính trị quan trọng và là đợt sinh hoạt dân chủ sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân. Đây là cơ hội để chúng ta thực hiện quyền làm chủ của nhân dân thông qua việc lựa chọn, bầu ra những đại biểu thực sự có đức, có tài, xứng đáng đại diện cho nhân dân vào Quốc hội, HĐND các cấp".
Tổng bí thư yêu cầu phải xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2021, cả hệ thống chính trị phải đoàn kết, thống nhất, tập trung gấp rút chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức thắng lợi cuộc bầu cử, bảo đảm cho cuộc bầu cử được tiến hành một cách thật sự dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn và tiết kiệm.
Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Bầu cử quốc gia, MTTQ VN, các ngành, các cấp, các địa phương đã ban hành các chỉ thị, nghị quyết, quyết định, kế hoạch, hướng dẫn, tổ chức triển khai các công việc theo đúng yêu cầu quy định và tiến độ đã đề ra.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước lưu ý: "Ngay sau hội nghị này, các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thật tốt phương hướng, nhiệm vụ của cuộc bầu cử để cuộc bầu cử đạt kết quả cao nhất và thật sự trở thành ngày hội của toàn dân".
Ông Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnhg các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trong công tác bầu cử "cần quán triệt nội dung tư tưởng chỉ đạo của Đại hội Đảng XIII đã đề ra về tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, trong đó có Quốc hội và HĐND các cấp trong sạch, vững mạnh và nhất là chọn được những người thật sự xứng đáng, có đủ đức, đủ tài, đủ trình độ, phẩm chất, năng lực để thực hiện nhiệm vụ".
Theo Tổng bí thư, phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tới có ý nghĩa rất quan trọng, hướng tới 50 năm thống nhất đất nước, kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng và tầm nhìn 2045 kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước.
"Nói như vậy để thấy rằng cuộc bầu cử lần này có ý nghĩa rất quan trọng, chúng ta phải tập trung chỉ đạo làm sao cho thật sự dân chủ, đoàn kết, chọn được những đại biểu xứng đáng với yêu cầu nhiệm vụ chính trị" - Tổng bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Tại Hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhấn mạnh các chỉ thị của Bộ Chính trị, trong đó bao gồm nội dung không giới thiệu người xu nịnh, kiêu ngạo, quan liêu... vào Quốc hội, HĐND.
"Kiên quyết không giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người sa sút về phẩm chất đạo đức, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, xu nịnh, kiêu ngạo, quan liêu, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước" - ông Vượng nói.
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng - Ảnh: THIÊN ĐIỂU |
Chỉ thị của Bộ Chính trị cũng yêu cầu "phấn đấu giới thiệu, lựa chọn bầu được những đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND thật sự tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân; bảo đảm đủ tiêu chuẩn, đủ số lượng, có cơ cấu hợp lý, trong đó lấy tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu làm trọng tâm, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn. Phấn đấu bầu đủ 500 đại biểu Quốc hội và đạt tỉ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách".
Phó thủ tướng Trương Hòa Bình giao cho Bộ Thông tin và truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan có kế hoạch triển khai, chỉ đạo và hướng dẫn các cơ quan thông tin, báo chí ở trung ương và địa phương tổ chức tuyên truyền kịp thời, sâu rộng trong cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và các tầng lớp Nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử.
Thủ tướng cũng yêu cầu: "Bộ Quốc phòng, Bộ Công an xây dựng kế hoạch, phương án triển khai lực lượng bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội; chủ động sẵn sàng lực lượng phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, cứu hộ, cứu nạn trong suốt quá trình chuẩn bị, tổ chức cuộc bầu cử, đặc biệt chú trọng bảo đảm an ninh, trật tự tại những địa bàn trọng điểm, khu vực trọng yếu về quốc phòng, an ninh; chỉ đạo và hướng dẫn các lực lượng quân đội, công an tham gia cuộc bầu cử".
"Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên theo dõi tình hình, tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phòng chống đại dịch COVID-19; chủ động xây dựng các phương án nhằm kịp thời ứng phó với những tình huống dịch bệnh có thể xảy ra ở một số khu vực trong thời gian chuẩn bị và tổ chức bầu cử".
Chất lượng không khí ở Hà Nội ngày 14/1 ở mức xấu thứ 5 thế giới
Theo website cổng thông tin quan trắc môi trường của UBND TP Hà Nội, nhiều điểm quan trắc chất lượng không khí 6h ngày 14/1 ở ngưỡng đỏ.