Làm thế nào để nâng cao ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học trong thực tiễn?

Để các kết quả nghiên cứu khoa học được ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn cần rà soát, điều chỉnh thống nhất các quy định, văn bản pháp lý.

Cùng với sự phát triển của xã hội, phụ nữ ngày càng thể hiện rõ vai trò quan trọng của mình trong các hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế-xã hội, trong đó có hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ".

Những năm gần đây ghi nhận sự chuyển biến tích cực trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng của phụ nữ khi họ đã tham gia và thực hiện nhiều đề tài và lĩnh vực hơn. Theo thống kê, khoảng 46% số nhà nghiên cứu ở Việt Nam là phụ nữ, con số này cao hơn đáng kể so với tỷ lệ trung bình của thế giới (30%).

Từ năm 2012 đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Định có tổng số 171 nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia và cấp tỉnh được phê duyệt triển khai thực hiện từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học; trong đó có 39 nhiệm vụ KH&CN (12 nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia và 27 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh) do chị em phụ nữ tham gia làm chủ nhiệm, đồng chủ nhiệm.

ThS.Võ Cao Mộng Hoài, Phó Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bình Định phát biểu tại Hội thảo
ThS.Võ Cao Mộng Hoài, Phó Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bình Định phát biểu tại Hội thảo " Nâng cao hiệu quả  nghiên cứu và ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học của Nữ trí thức để phát triển đất nước: Thực trạng và Giải pháp" do Hội Nữ trí thức Việt Nam phối hợp cùng  Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức. Ảnh: Hoàng Toàn

 Trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ: Đề tài: “Nghiên cứu ứng dụng chế phẩm vi sinh AT- YTB trong việc xử lý ô nhiễm rác thải sinh hoạt và chăn nuôi tại xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn”. Kết quả nghiên cứu góp phần xử lý ô nhiễm môi trường; nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường của người dân làng nghề truyền thống, hỗ trợ xã Nhơn Lộc xây dựng thành công xã nông thôn mới.

Trong lĩnh vực khoa học nông nghiệp: Dự án: “Ứng dụng khoa học kỹ thuật phát triển công nghệ sản xuất cây giống lâm nghiệp mới, chất lượng cao phục vụ trồng rừng cây gỗ lớn tại một số vùng miền núi tỉnh Bình Định”. Tiếp nhận chuyển giao công nghệ nuôi cây mô các giống keo và bạch đàn ; Xây dựng mô hình nuôi cấy mô sản xuất được 250.000 cây/2 triệu; Mô hình trồng rừng thâm canh: đã thực hiện được 40 ha thực hiện trồng tại 04 xã, mỗi xã trồng 10 ha. Qua đó, tạo công ăn việc làm cho một bộ phận người dân địa phương vùng nông thôn, miền núi và cung cấp đến tận tay người trồng rừng một số giống tốt, phù hợp và đã được công nhận, phục vụ chủ trương trồng rừng cung cấp cây gỗ lớn mang hiệu quả kinh tế cao, nâng cao đời sống cho người dân ở những vùng trồng rừng.

Trong lĩnh vực khoa học y dược: Đề tài: “Xây dựng mô hình can thiệp dự phòng, sàng lọc và kiểm soát ung thư cổ tử cung của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15 - 49 tuổi) dựa vào y tế xã tỉnh Bình Định”. Kết quả của đề tài đã Xây dựng và triển khai mô hình phòng chống ung thư cổ tử cung dựa vào y tế xã cho phụ nữ (15 - 49 tuổi) tại xã Canh Hòa, huyện Vân Canh.

Dự án KH&CN cấp quốc gia: “Nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ để sản xuất một số thuốc dùng điều trị ung thư tại Công ty Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định” gồm có 6 đề tài nhánh với 4/6 đề tài do nữ là chủ nhiệm đề tài. Dự án đã hoàn thành 05/06 đề tài thuộc Dự án KH&CN. Kết quả của dự án: Hoàn thành việc nghiên cứu công nghệ và đã thiết kế mặt bằng dây chuyền sản xuất, kho và phòng kiểm nghiệm theo tiêu chuẩn GMP làm cơ sở để tổ chức đấu thầu xây dựng lắp đặt thiết bị cho nhà máy sản xuất thuốc điều trị ung thư theo tiêu chuẩn GMP; Nghiên cứu chế tạo và xây dựng tiêu chuẩn thiết bị phân lập isolator tương đương thiết bị ngoại nhập;Triển khai sản xuất được 05 thiết bị isolator chuẩn bị xuất cho các bệnh viện phục vụ công tác pha chế thuốc ung thư trước khi hóa trị cho bệnh nhân nhằm bảo vệ chống phơi nhiễm cho nhân viên y tế và bảo vệ môi trường. Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất 6 hoạt chất thuốc tiêm – 10 sản phẩm thuốc tiêm đông khô điều trị ung thư quy mô công nghiệp bao gồm Fluorouracil (250mg, 500mg) thuốc tiêm Docetaxel (20mg, 80mg), Paclitaxel (30mg,100mg), Etoposid (100mg), thuốc tiêm đông khô Oxaliplatin (50mg), thuốc tiêm đông khô Gemcitabin (200mg, 1000mg); Hoàn thiện quy trình nghiên cứu, đánh giá độ ổn định và nộp hồ sơ xin đăng ký theo chuẩn ACTD cho các sản phẩm thuốc điều trị ung thư với tiêu chuẩn chất lượng tương đương thuốc ngoại nhập.

Hiện nay, Công ty đã đưa sản phẩm của dự án ra thị trường, tạo được doanh thu cho đơn vị, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh hơn 20 tỷ đồng, tiết kiệm cho bệnh nhân hơn 20 tỷ đồng tiền thuốc điều trị (do giá bán thấp hơn thuốc ngoại nhập 20-30%), tăng thu nhập cho người lao động. Góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn: Đề tài: “Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp để nâng cao tỷ lệ cán bộ nữ lãnh đạo của tỉnh Bình Định đến năm 2020” do Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Định là cơ quan chủ trì. Kết quả của đề tài là luận cứ khoa học để các cấp, các ngành tham khảo ban hành quy định tiêu chuẩn, chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, trong đó cần lưu ý yếu tố về giới; hoặc khi xem xét giới thiệu nhân sự nếu có cùng tiêu chuẩn điều kiện thì nhất thiết phải ưu tiên cán bộ nữ tham gia lãnh đạo; Và một số chế độ, chính sách liên quan đến công tác cán bộ nữ.

Qua các số liệu thông kê trên cho thấy: Tuy tỷ lệ phụ nữ tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học trên địa bàn tỉnh Bình Định chưa cao nhưng những kết quả đã đạt được góp phần đáng kể trong việc chuyển giao, ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ vào thực tiễn đời sống và sản xuất của người dân, đồng thời tạo động lực góp phần phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ sức khỏe người dân trong tỉnh. Tuy nhiên, kết quả này vẫn chưa phát huy hết thế mạnh trong công tác ứng dụng và thương mại hóa tài sản trí tuệ. Bởi,  sự kết hợp giữa các nhà nghiên cứu khoa học và các doanh nghiệp chưa thật sự chặc chẽ với nhau, hay nói đúng hơn là thiếu một tổ chức trung gian có thể giới thiệu sản phẩm hàng hóa với nơi cần ứng dụng, các thông tin giới thiệu về các sản phẩm công nghệ của các nhà khoa học và cơ quan nghiên cứu trong nước với doanh nghiệp còn hạn chế do cơ sở dữ liệu khá rời rạc và chưa đồng bộ. Các tổ chức trung gian làm cầu nối cho các nhà khoa học và doanh nghiệp còn yếu về năng lực, thiếu sự hỗ trợ về cơ chế chính sách nên khả năng hỗ trợ thương mại hoá còn hạn chế.

Trên thực tế, các doanh nghiệp trong nước thường chỉ quan tâm đến những công nghệ đã hoàn thiện và đã sẵn sàng đưa vào sản xuất mà ít quan tâm mua công nghệ quy mô phòng thí nghiệm, quy mô pilot để tiếp tục đầu tư phát triển vì có nhiều rủi ro. Chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư kinh phí chủ động đặt hàng các nhà khoa học, cơ quan nghiên cứu trong nước giải quyết vấn đề cụ thể của doanh nghiệp vì e ngại rủi ro. Một số doanh nghiệp chưa thực sự tin tưởng vào các công nghệ được tạo ra từ các nhà khoa học và các cơ quan nghiên cứu trong nước mà vẫn lựa chọn mua công nghệ nước ngoài.

Các nhà khoa học chỉ có 2 lựa chọn để thương mại hóa được kết quả nghiên cứu KHCN của mình. Một là chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp. Hai là tự mình khởi nghiệp. Đa số các nhà khoa học lựa chọn phương án chuyển giao công nghệ hoặc giao lại cho tổ chức chủ trì để chuyển giao mà không chọn phương án tự mình khởi nghiệp do bản chất của các nhà khoa học là đam mê nghiên cứu khám phá các vấn đề mới và không có đủ năng lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh nên không đủ tự tin để thực hiện.

Một thách thức khác là các quy định về xử lý kết quả nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước còn chưa thống nhất dẫn đến khó triển khai áp dụng trong thực tế (kết quả của nhiệm vụ KH&CN nếu không đăng ký sở hữu trí tuệ thì theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017, trường hợp nhiệm vụ sử dụng 100% ngân sách thì lợi nhuận toàn bộ sẽ thuộc nhà nước. Đối với kết quả được bảo hộ SHTT thì thực hiện theo Luật Sở hữu trí tuệ 2022, trong đó quy định nhà khoa học được hưởng từ 15% đến 20% lợi nhuận khi thương mại hóa kết quả nghiên cứu, trong khi đó Luật KH&CN 2013lạiquy định nhàkhoa học đượchưởng tối thiểu 30%lợi nhuận khi thương mại hóa kết quả nghiên cứu).

Thêm vào đó phương pháp xác định giá dựa trên việc tổng hợp các chi phí khi triển khai nhiệm vụ chưa phù hợp do ngoài các chi phí thực tế nhìn thấy được còn có đóng góp quan trọng của “chất xám” là chi phí khó định lượng. Vì thế, hiện nay khó tìm được cơ quan có khả năng thẩm định giá tài sản hình thành từ việc triển khai nhiệm vụ KH&CN, điều này gây khó khăn trong việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu, thậm chí dẫn đến “nghịch cảnh” “sợ” sản phẩm thương mại hóa thành công thì có thể bị quy trách nhiệm trong công tác định giá làm thất thoát tài sản nhà nước. Đây là rào cản lớn để đưa các sản phẩm là kết quả của nhiệm vụ KH&CN vào thị trường và giảm khả năng phát huy tác dụng của các công trình nghiên cứu KH&CN.

Giải pháp để nâng cao hiệu quả ứng dụng, nhân rộng và thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn và đời sống là phải rà soát, điều chỉnh thống nhất các quy định, văn bản pháp lý liên quan thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ như: Luật Khoa học và Công nghệ; Luật Chuyển giao công nghệ; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Sở hữu trí tuệ... ; quy định cụ thể về loại tài sản thuộc phạm vi quản lý theo Nghị định số 70/2018/NĐ-CP; Quy định xử lý đối với kết quả từ hoạt động nghiên cứu khoa học chưa đủ điều kiện hình thành tài sản cố định; Trình tự, thủ tục, quy định Nhà nước thu hồi tài. sản là kết quả từ nhiệm vụ KH&CN mà đối tượng được giao không sử dụng để ứng dụng, thương mại bị thu hồi lại thì sẽ xử lý như thế nào?...

ThS. Võ Cao Thị Mộng Hoài

PGS.TS Trần Thị Định: 'Nghiên cứu khoa học mang đến cho tôi nhiều cảm xúc thăng hoa'

PGS.TS Trần Thị Định: 'Nghiên cứu khoa học mang đến cho tôi nhiều cảm xúc thăng hoa'

PGS.TS Trần Thị Định: "tôi tự tin trên con đường đã chọn và mong muốn góp phần nhỏ bé của mình vào sự phát triển của nền khoa học nước nhà”.