'Làn sóng' mua lại cổ phiếu trên thị trường tài chính châu Á

Thị trường tài chính châu Á đang chứng kiến một đợt mua lại cổ phiếu của các công ty, và các nhà phân tích trong ngành cho rằng “làn sóng” này sẽ không sớm dừng lại.

Tuần trước, “gã khổng lồ” công nghệ Trung Quốc Alibaba cho biết họ sẽ tăng quy mô chương trình mua lại cổ phiếu từ 15 tỷ USD lên 25 tỷ USD. Sang tuần này, nhà sản xuất điện thoại Xiaomi hôm 29/3 cũng công bố chương trình mua lại lên tới 10 tỷ HKD (1,28 tỷ USD), trong khi JD Health - chi nhánh chăm sóc sức khỏe trực tuyến của công ty thương mại điện tử JD cho biết họ sẽ mua lại số cổ phiếu trị giá lên tới 3 tỷ HKD.

Những tin tức nêu trên đã giúp giá cổ phiếu của những công ty đó tăng vọt.

cdnmedia.baotintuc.vn-upload-dmtgoulhwbo5poihziwr1a-files-2020-10-11-_alibaba-111020(1).jpg
Trụ sở Alibaba tại Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Ông Ben Silverman, Giám đốc bộ phận nghiên cứu của công ty tư vấn đầu tư Verity, cho biết các công ty Trung Quốc đang hành động tương tự các đối tác Mỹ của họ: công bố các chương trình mua lại cổ phiếu lớn nhằm nỗ lực củng cố niềm tin của nhà đầu tư khi tốc độ tăng trưởng kinh doanh của họ chậm lại.

Khi một công ty mua lại cổ phiếu của chính mình, động thái này sẽ làm giảm số lượng cổ phiếu được giao dịch công khai và có thể đẩy giá của mỗi cổ phiếu lên cao hơn. Điều này là vì một thước đo phổ biến được sử dụng để xác định giá cổ phiếu là mức chênh lệch giữa giá mua vào - bán ra các cổ phiếu có số lượng ít. Kết quả là cổ phiếu của các công ty có thể hấp dẫn hơn.

Xu hướng này không chỉ giới hạn ở những “gã khổng lồ” công nghệ Trung Quốc. Ngân hàng Anh HSBC, hãng bảo hiểm AIA và nhà sản xuất ô tô Nhật Bản Toyota cũng đã công bố kế hoạch mua lại cổ phiếu trong vài tuần qua.

Trong một báo cáo ngắn mới đây, ngân hàng Morgan Stanley nhận định xu hướng này sẽ còn kéo dài, khi nó được củng cố bởi việc Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc hồi tuần trước đã khuyến khích các công ty niêm yết tiến hành mua lại cổ phiếu.

Có nhiều suy đoán rằng Tencent có thể là công ty tiếp theo thông báo chương trình mua lại cổ phiếu, mặc dù các thị trường đã thất vọng khi “đại gia” ngành trò chơi điện tử Trung Quốc chưa có vẻ sẽ đưa ra động thái như vậy trong giai đoạn gần đây.

Ông Neil Campling, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu công nghệ, truyền thông và viễn thông tại công ty tư vấn đầu tư Mirabaud Equity Research, cho biết Tencent đã lưu ý rằng giá cổ phiếu của chính họ cũng đã giảm đáng kể - đó có thể là một dấu hiệu cho thấy công ty sẽ cân nhắc chương trình mua lại cổ phiếu. Vì vậy, ông không nghĩ rằng nên loại trừ hoàn toàn khả năng này.

Ngân hàng đầu tư Nhật Bản Nomura cho biết sự kết hợp giữa định giá cổ phiếu khiêm tốn và bảng cân đối kế toán hợp lý sẽ thúc đẩy hoạt động mua lại cổ phiếu. Báo cáo mới nhất của Nomura cho rằng chủ đề này có thể sẽ là trọng tâm của các thị trường tài chính châu Á trong những tuần tới, đặc biệt là sau đợt tăng giá cổ phiếu của Alibaba khi tập đoàn mở rộng chương trình mua lại cổ phiếu thêm 10 tỷ USD.

TTXVN

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương