Liệu học tập có thể thay đổi vận mệnh? Dự án của 1 giáo sư và 1 tỷ phú vào 12 năm trước sẽ cho bạn biết câu trả lời!

Hàng chục trẻ em trong độ tuổi đi học từ các gia đình lao động nhập cư tại Bắc Kinh đã được chọn tham gia dự án.

12 năm trước, trường tiểu học Phương Thảo Địa tại khu Vạn Hòa Thành, Bắc Kinh đã đón nhận một lứa học sinh tiểu học đặc biệt. Những học sinh này khác với các bạn cùng trang lứa, các em hầu như không có hộ khẩu Bắc Kinh, thậm chí không có nơi ở ổn định tại đây.

Cha mẹ của các em phần lớn là công nhân nhập cư đến Bắc Kinh từ khắp nơi trên cả nước, và lớp học của các em cũng khác với các lớp khác, được đặt một cái tên đặc biệt là "Lớp Thanh Vân".

Đây là một kế hoạch có vẻ "vĩ đại", với ý định thay đổi tâm lý của một nhóm trẻ em, thay đổi nhận thức của các em về cuộc sống, giúp những đứa trẻ có hoàn cảnh không mấy "ưu đãi" này, trong tương lai không xa, có thể trở thành những người có ích cho xã hội, thậm chí là những người thành công và tạo dựng sự nghiệp.

Hàng chục trẻ em trong độ tuổi đi học từ các gia đình lao động nhập cư tại Bắc Kinh được chọn tham gia dự án. 
Hàng chục trẻ em trong độ tuổi đi học từ các gia đình lao động nhập cư tại Bắc Kinh được chọn tham gia dự án. 

Người thiết kế kế hoạch này chính là Chủ tịch Tập đoàn Tam Thần, ông Tôn Văn Hoa, và Giáo sư Lưu Chính Quỳ đến từ Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc.

Vào năm 2007, trong một bữa ăn tối, Tôn Văn Hoa và Lưu Chính Quỳ gặp nhau. Hai người trò chuyện rất ăn ý và cuối cùng chuyển chủ đề sang giáo dục.

Lúc đó, Bắc Kinh có khoảng 600.000 lao động nhập cư, nhiều người trong số họ có hoàn cảnh gia đình phức tạp, hoặc bị hạn chế về cuộc sống, khiến con cái của họ khó có cơ hội nhận được giáo dục chính quy. Những đứa trẻ bị "thả rông" này thiếu nhận thức về xã hội và cảm giác an toàn, và thậm chí không quan tâm đến câu "kiến thức có thể thay đổi số phận."

Lưu Chính Quỳ khi ấy đang nghiên cứu về tâm lý thanh thiếu niên, hy vọng có thể can thiệp vào tâm lý của các em một cách có chủ đích, để giúp các em nhận được một nền giáo dục không có áp lực cuộc sống, từ đó hy vọng các em có thể thay đổi số phận và trở thành người mà mình mong muốn.

Khi Lưu Chính Quỳ đề xuất kế hoạch này, Tôn Văn Hoa ngay lập tức đồng ý. Hai người nhanh chóng thống nhất và bắt đầu thực hiện kế hoạch.

Thầy giáo Triệu Đại Hằng, người từng phụ trách lớp thiếu nhi của trường Trung học số 8 Bắc Kinh, cũng đã đến tuổi nghỉ hưu vào thời điểm này. Sau khi biết về kế hoạch, ông đã từ chối lời mời tái tuyển dụng của trường và gia nhập kế hoạch, trở thành một phần của thế giới lý tưởng này. Sau hơn hai năm chuẩn bị, với sự hỗ trợ tài chính của Tôn Văn Hoa, dự án đã được khởi động thuận lợi.

Họ đã chọn lọc hàng chục trẻ em trong độ tuổi đi học từ các gia đình lao động nhập cư tại Bắc Kinh. Môi trường sống của những đứa trẻ này không giống nhau, có em sống trong gia đình tái hợp, có em gặp khó khăn về kinh tế, và cũng có em đến từ gia đình đơn thân.

Lý do những đứa trẻ này được đưa đến đây rất đơn giản: Các em được hứa không phải trả học phí.

Thực tế, bước đầu tiên của kế hoạch đã đi chệch hướng so với ban đầu. Tôn Văn Hoa và Lưu Chính Quỳ ban đầu định tuyển chọn những đứa trẻ có IQ cao, đặc biệt thông minh, nhưng thực tế họ đã phải hạ thấp tiêu chuẩn, và các học sinh tiểu học này chỉ có IQ cao hơn mức trung bình một chút.

Sau khi trải qua các bài kiểm tra và chọn lọc đơn giản, những đứa trẻ này đã được nhập học, và kế hoạch chính thức bắt đầu.

Với tư cách là chuyên gia nghiên cứu tâm lý thanh thiếu niên, Lưu Chính Quỳ đã nỗ lực thay đổi tư duy của mình để giúp các em dần dần nhận thức được tầm quan trọng của việc học, đồng thời xây dựng cho các em quan điểm sống và giá trị đúng đắn, cũng như giúp các em buông bỏ những gánh nặng tâm lý.

Một học sinh trong lớp, con của cặp vợ chồng lao động từ Liên Vân Cảng đến Bắc Kinh mưu sinh, ban đầu không có bất kỳ khái niệm nào về tiền tiêu vặt, cũng như không có quyền lựa chọn. Cha mẹ cho gì thì em nhận cái đó. Tuy nhiên, dưới sự hướng dẫn của Lưu Chính Quỳ, em dần nhận ra rằng hạnh phúc cần được tự mình theo đuổi. Một ngày nào đó, em có thể dùng đôi tay của mình để đạt được mọi thứ mình mong muốn. Đó chính là Tôn Tiểu Khê, lớp trưởng của lớp.

Thầy Triệu Đại Hằng, với kinh nghiệm giảng dạy phong phú, biết rõ học sinh muốn gì và cần được dạy điều gì. Ông không nhốt các em trong lớp học mà thường dẫn các em đi khắp các địa điểm lớn nhỏ ở Bắc Kinh, giúp các em nhìn thấy thế giới bên ngoài.

Từ vườn bách thú đến vườn thực vật, từ bảo tàng đến viện khoa học, tất cả đều in dấu chân của các em. Tầm nhìn của các em được mở rộng, tâm lý cũng được giải tỏa, và các em trở nên cởi mở, hoạt bát hơn.

Tuy nhiên, khi mọi thứ đang tiến triển suôn sẻ, một thách thức chưa từng có bắt đầu lặng lẽ ập đến. Các em đến tuổi học trung học, nhưng do không có hộ khẩu Bắc Kinh, các em không thể đăng ký nhập học chính quy. Cuối cùng, các em được sắp xếp vào một trường tư thục để tạm thời giải quyết vấn đề này.

Khi kỳ thi đại học đến gần, thách thức lớn nhất xuất hiện: Những đứa trẻ này không thể thi đại học ở Bắc Kinh. Kế hoạch rơi vào bế tắc hoàn toàn. Chỉ có hai em có hộ khẩu Bắc Kinh được ở lại để thi đại học, và kết quả thật đáng mừng: Một em đỗ vào Đại học Bắc Kinh, em còn lại cũng vào một trường đại học danh tiếng.

Những học sinh khác được sắp xếp du học tại Tây Úc, coi như một giải pháp thay thế.

Tuy nhiên, chi phí quá đắt đỏ. Dù các em được miễn học phí, chi phí sinh hoạt vẫn là gánh nặng không nhỏ. Một số học sinh buộc phải dừng việc học, trong khi số khác trở về quê để dự thi đại học. Kế hoạch vĩ đại này cuối cùng đã thất bại trước thực tế khắc nghiệt, không thể đạt được mục tiêu ban đầu.

Tuy nhiên, ở một góc độ nào đó, kế hoạch này vẫn thành công, vì các em đã có những cải thiện đáng kể. Mỗi em đều đi theo con đường mình mong muốn: Có những em đã vào được các trường đại học 211.

Đối với những người đề xuất dự án kế hoạch Thanh Vân, dự án này không đạt được những kỳ vọng ban đầu. Họ không thể đưa tất cả các em đến những trường đại học tốt nhất trong nước hay thế giới, cũng không thể thay đổi được tầng lớp xã hội của các em.

Tuy nhiên, kế hoạch Thanh Vân đã thực sự thay đổi tầm nhìn và số phận của một số trẻ em. Con đường đời của các em, có lẽ ban đầu chỉ dừng lại ở việc học đến cấp hai rồi bỏ học, hoặc sớm kết hôn và sinh con, hoặc dành cả đời ở tầng lớp thấp, không có cơ hội học tập và đọc sách, càng không cần nói đến việc du học nước ngoài...

Tuy nhiên, dù có em không học được lên đại học hay cao đẳng, nhưng trên con đường đời sau này, các em sẽ không dễ dàng từ bỏ bản thân. Chắc chắn rằng các em sẽ tìm thấy con đường của riêng mình.

Thanh Hương