Lửa lò rèn vẫn hồng

Học rèn từ sớm, nhiều thanh niên được gia đình động viên giữ nghề và phát triển kinh tế gia đình từ nghề truyền thống.

Dẫu không phải là thợ chính, nhưng bằng việc ngày đêm phụ rèn bên bễ lửa hồng hay đem sản phẩm ra chợ phiên bán… bà Bình cũng như bao người phụ nữ Nùng khác tại Phúc Sen đã góp phần không nhỏ trong việc gìn giữ và phát triển nghề truyền thống của cha ông.

4 giờ chiều, tiếng quai búa nhịp nhàng từ xưởng rèn ven đường quốc lộ của ông Quân vang dội khắp núi rừng. Bóng dáng người phụ nữ Nùng An trong chiếc áo chàm cổ truyền với tay búa chắc nịch, uyển chuyển khiến nhiều người có dịp đi ngang qua đây không khỏi ngỡ ngàng. Tưởng chừng những công việc nặng nhọc này chỉ các đấng mày râu mới theo được, vậy mà tại những lò rèn nhỏ ở Phúc Sen (Quảng Hòa, Cao Bằng) hình ảnh người phụ nữ phụ chồng rèn dao như bà Lương Thị Bình - vợ ông Quân đã trở nên vô cùng quen thuộc.

Bà Lương Thị Bình giới thiệu về các sản phẩm dao kéo tại lò rèn.
Bà Lương Thị Bình giới thiệu về các sản phẩm dao kéo tại lò rèn.

Dọc theo cung đường từ thành phố Cao Bằng lên các huyện vùng cao Quảng Hòa, Trùng Khánh, Hạ Lang, vượt qua đèo Mã Phục quanh co 7 tầng dốc, sẽ bắt gặp những quầy bán dao san sát ven đường. Từ xa đã nghe thấy tiếng đe, tiếng búa, tiếng máy mài rin rít từ những xưởng rèn thủ công nhỏ vọng lại. Nơi đây là xã Phúc Sen (Quảng Hòa, Cao Bằng), nổi tiếng với nghề rèn dao, nông cụ. Khác với các nghề truyền thống đang dần bị mai một như nghề nhuộm vải chàm, nghề làm giấy bản, làm ngói máng... trải qua hàng trăm năm nghề rèn của đồng bào Nùng An (Phúc Sen) vẫn phát triển, vang danh khắp mọi miền Tổ quốc.

Có lẽ, ít nơi mà người phụ nữ dẻo dai và khỏe mạnh như ở Phúc Sen. Không chỉ chăm lo việc đồng áng, việc nhà cửa, bếp núc, các bà, các chị còn ra lò rèn tay búa, tay kéo phụ chồng vào lửa, quai búa, mài dao để kịp trả hàng cho khách. Dù vất vả, nặng nhọc, nhưng chưa bao giờ các bà, các chị than vãn hay có ý định bỏ nghề. Không chỉ đơn giản là vì “không biết làm nghề gì khác” như những lời chia sẻ mộc mạc của họ mà còn bởi họ đã tìm được niềm vui, niềm hạnh phúc khi được phụ chồng giúp con, được giữ gìn nghề truyền thống của ông cha.

“Trước khi về làm dâu ở làng, mẹ em chưa từng học làm rèn. Nhưng từ khi lấy bố, mẹ cũng theo bố ra lò rèn để phụ. Dù không là thợ chính, nhưng khi cắt, định hình, tôi thép hay ram thép mẹ cũng thành thạo hết tất cả các công đoạn”, cô gái Nông Thị Hồng Chiêm (Dao Minh Tuấn Phúc Sen) chia sẻ.

Tôi thép
Tôi thép
Thử dao.
Thử dao.

Người Nùng An ở Phúc Sen có câu: “Mầy lếch sạu mầy than/Rạu tú ràn má tăng” (Có sắt và có than/Mình mới cùng nhau rèn). Chiêm kể: “Sắt được đồng bào Nùng An dùng để rèn dao, nông cụ là thép từ những miếng nhíp xe U Oát từ Vĩnh Phúc lên, có bãi xe nhập lại bán cho em”. Còn than thì đồng bào sử dụng than củi là chính, đôi khi cần thêm than đá để giữ nhiệt tốt hơn.

Ở miền xuôi, thông thường dao sẽ được hình thành từ phần chuôi trước rồi mới đến phần lưỡi. Nhưng người Nùng An thì ngược lại. Khi nào rèn được phần lưỡi ưng ý, người thợ mới trau chuốt đến phần chuôi.

Bà Bình vung cao chiếc búa lớn đập xuống một thanh thép đỏ hồng. Còn ông Quân một tay cầm kìm, một tay lấy chiếc búa nhỏ đánh dấu vào những chỗ cần phải đập búa tạ xuống. Sau hàng loạt những tiếng “koong keng” nhịp nhàng hình hài một con dao đang dần thành hình trên đe.

Ông bà bảo để làm được một con dao phải đập khoảng 200 búa suốt 12 công đoạn đúc rèn. “Một ngày nhiều lắm thì hai vợ chồng tôi làm được 10 con dao. Nếu rèn dao chặt xương ống hay dao có tay cầm bằng sắt thì mất nhiều thời gian hơn, chỉ được 5-8 con dao/ngày” - bà Bình vừa thở vừa nói. Khi đã bắt đầu rèn, phải làm cho xong, nếu không miếng thép đó cứng lại, giòn dễ vỡ khi nguội lạnh.

Bà Lương Thị Bình quai búa phụ chồng.
Bà Lương Thị Bình quai búa phụ chồng.

Khi ông Quân dừng tay và đưa lưỡi dao vào nước tro tôi, bà Bình cũng mới dừng tay chốc lát để lau những giọt mồ hôi trên trán. Tôi thép và ram thép là hai công đoạn chính tạo nên thương hiệu dao Phúc Sen nổi tiếng. Tôi thép là quá trình nung nóng, giữ nhiệt và làm nguội nhanh thép nhằm mục đích nâng cao độ cứng và tính mài mòn cho dao, nâng cao độ bền cho dao. Ram thép là phương pháp nung nóng thép đã qua tôi dưới nhiệt độ giới hạn, chỉ có những người thợ giỏi và lành nghề mới có thể nhận biết được nhiệt độ giới hạn bằng cách nhìn vào màu đỏ của thép trong lò, sau đó giữ nhiệt độ một thời gian rồi làm nguội.

Lưỡi dao khi tôi chỗ vòng phải không già, không non, tôi đều lưỡi dao mới bén. Người có kỹ thuật cao mới làm được công đoạn này. Sau khi mài thô bằng máy để làm mỏng đều phần lưỡi, dao được hoàn thiện bằng công đoạn mài tay với đá mài và nước cho tới khi người thợ để tay vào, cảm nhận độ bám của lưỡi dao là được.

Hiện Phúc Sen có khoảng 150 lò rèn quy mô gia đình, tập trung chủ yếu ở Pắc Rằng và 5 xóm: Phia Chang trên, Phia Chang dưới, Ðầu Cọ, Tình Ðông và Lũng Vài. Dao Phúc Sen không được bắt mắt, sáng bóng như những sản phẩm ngoại nhập, nhưng về độ sắc bén và độ bền thì vượt trội hơn hẳn.

Trước kia người Nùng Phúc Sen chỉ làm dao rèn nguyên khối thép từ lưỡi dao đến phần chuôi, vài năm gần đây Phúc Sen đã có thêm dao chuôi gỗ nhìn đẹp mắt hơn. Ngoài sản xuất dao bếp, dao đi rừng ra thì còn rất nhiều nông cụ khác như (búa, liềm, cuốc, thuổng...). Có người ví von rằng dao Phúc Sen chặt cây lim, cây nghiến… ngọt như chém xuống nước, thậm chí có thể chặt thép mà không mẻ. Những ngày chợ phiên, nhiều bà nhiều chị gác lại việc đồng áng để đưa sản phẩm tới chợ bày bán. Dù giá thành không rẻ, dao động từ 80.000 - 500.000 đồng, nhưng các sản phẩm của làng rèn Phúc Sen vẫn được bà con quanh vùng ưa chuộng.

Người phụ nữ Nùng vừa trông con vừa phụ mài dao.
Người phụ nữ Nùng vừa trông con vừa phụ mài dao.

Chẳng cần mời chào khách bằng những lời hoa mỹ, chỉ cần hỏi khách cần mua dao, kéo hay nông cụ để làm gì, rồi cứ thế chọn trên giá một sản phẩm rồi thử cho khách xem. “Dao sắc thì cắt gì cũng được”, nói đoạn chị Nghĩa xé một tờ lịch ra và cầm dao rạch một đường bén ngọt, tờ lịch bị cắt làm đôi.

“Chị em phụ nữ làng rèn Phúc Sen không chỉ phụ giúp chồng làm rèn mà cũng góp phần bảo tồn nghề truyền thống; quảng bá sản phẩm và truyền dạy cho con cháu làm theo” - chị Nông Thị Thu Trang, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Phúc Sen cho biết.

Chị Trang cho biết thanh niên ở đây phần lớn học xong THPT là xuống miền xuôi làm công nhân, nhiều làng nghề thủ công ở Phúc Sen như làng làm giấy bản, làm ngói máng, làm nhuộm chỉ còn các bà, các bác trung và cao niên là giữ nghề. Nhưng với làng rèn thì khác. Do tính chất cha truyền con nối, nhiều thanh niên được học rèn từ sớm lại được gia đình động viên giữ nghề và nhận thấy cơ hội phát triển kinh tế gia đình từ nghề truyền thống nên số lượng thanh niên trẻ theo nghề rèn cũng đông đảo hơn.

“Cũng động viên các cháu là không đi công ty nhiều đâu, ở đây làm nghề rèn thôi. Nếu mà ai cũng đi công ty hết thì cha không thể truyền nghề cho con được. Sau này con cháu lại không biết cầm búa, không biết nổi lửa rèn dao”, chị Nghĩa – Chủ tịch Hội LHPN xóm Pắc Rằng chia sẻ.

Năm 2019, kể từ khi được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận nghề rèn của người Nùng An, xã Phúc Sen là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, chính quyền địa phương cũng có nhiều hoạt động hỗ trợ đưa sản phẩm dao Phúc Sen tới các hội chợ của các tỉnh khác và giới thiệu rộng rãi trên cả nước; đưa vào quảng bá trong kế hoạch làng du lịch cộng đồng để khách du lịch có thể được trải nghiệm và để khách biết tới nghề rèn truyền thống của Phúc Sen.

Vừa gói dao, kéo cho đoàn khách du lịch từ Ninh Bình ghé qua xưởng rèn tham quan, Chiêm vừa kể về kế hoạch phát triển thương hiệu dao của gia đình trên mạng xã hội. Cô gái trẻ mắt ánh lên niềm vui khi thấy những video ngắn quay cảnh bố mẹ cô rèn dao, kéo tại xưởng nhận được cộng đồng quan tâm, yêu thích. Khi tình yêu và lòng nhiệt huyết ở lớp trẻ vẫn còn, thì lửa ở lò rèn vẫn hồng, vẫn sáng…

Diệu Thuần

Nghề cũ của phố

Nghề cũ của phố

Phố cổ Hà Nội, những con phố Hàng giờ chẳng còn mấy phố giữ được nghề cũ nhưng đâu đó vẫn gặp những "nét xưa" trong dòng chảy thời đại.