Cứ khoảng tháng 6 âm lịch hàng năm trở đi, không gian của một làng nghề làm khuôn bánh nướng, bánh dẻo cổ truyền lại trở nên sôi động.
Về làng Thượng Cung (xã Tiền Phong, huyện Thường Tín, Hà Nội) mỗi dịp gần Tết Trung thu mới cảm nhận được không gian sôi động của một làng nghề làm khuôn bánh nướng, bánh dẻo cổ truyền.
Làng tuy chỉ còn vài gia đình theo nghề, nhưng tiếng đục, chát vẫn còn râm ran lắm. Mỗi năm, cứ khoảng tháng 6 âm lịch trở đi các gia đình bắt đầu có đơn hàng, bởi hàng Thượng Cung vốn đã nổi tiếng với các khuôn bánh gỗ tinh xảo, mẫu mã đa dạng, chất lượng tốt đáp ứng tốt nhu cầu của khách khắp nơi trên cả nước.
Để làm ra một khuôn bánh trung thu phải qua khá nhiều công đoạn cần tới sự khéo léo, tỉ mỉ của người thợ. Các sản phẩm đều được làm từ gỗ thị hoặc xà cừ vì độ dẻo dai dễ đục và không bị cong vênh. Khuôn bánh theo nhiều kích thước yêu cầu được xẻ nguyên khối, cắt theo hình dáng rồi được bào và đánh phẳng bề mặt.
Tiếp theo là đục họa tiết, công đoạn này quan trọng và khó nhất, đòi hỏi sự khéo léo cũng như kinh nghiệm của người thợ. Sau đó khuôn sẽ được mài bóng, mịn cho người dùng dễ sử dụng. Thợ lành nghề thường mất vài giờ để ra một khuôn bánh hoàn chỉnh và có giá từ vài trăm nghìn cho đến vài triệu đồng tùy theo kích thước và độ cầu kỳ.
Những năm gần đây, thị trường xuất hiện khuôn nhựa đúc công nghiệp được bán tràn lan với giá rẻ đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới nghề truyền thống của làng. Tuy vậy, với chất lượng tốt, độ bền cao, đặc biệt là sự an toàn với người tiêu dùng, khuôn bánh Thượng Cung vẫn được ưa chuộng.
Nhiều khách hàng lặn lội từ miền Nam ra đặt khuôn bánh của làng bởi độ sắc nét của hoa văn mà không nơi nào có được. Cứ thế, từ lòng yêu nghề, yêu quê hương của các nghệ nhân và người dân mỗi mùa Trung thu tiếng đục Thượng Cung vẫn cứ đều nhịp vang xa.
Độc lạ bánh trung thu trái cây
Thương hiệu bánh Ái Huê vừa tung ra thị trường loạt bánh trung thu trái cây gồm thanh long, xoài, chanh dây… cho mùa trung thu 2020.