Mẹo nuôi dạy con trai "cực phẩm" của ông bố ở TP.HCM: Từ 0-14 tuổi, mỗi giai đoạn đều được chia sẻ cực kì chi tiết, dễ thực hành

Những phương pháp giáo dục này giúp đứa trẻ tự tin và bản lĩnh, phụ huynh không áp lực, tình cảm cha mẹ - con cái khắng khít hơn.

Nguyễn Nam Long (12 tuổi), con trai anh Nguyễn Bình Nam (Giám đốc một công ty tư vấn giải pháp chuyển đổi số tại TP.HCM) là cái tên từng "gây sốt" khi mới 10 tuổi đã nhận được khoảng 6 lời mời đề nghị thực tập từ các công ty lập trình ở Việt Nam. 

Khi đang học lớp 4, Long đã làm thầy giáo dạy thêm lập trình cho các bạn ở nước ngoài, 1 tuần 3 buổi, 1 buổi 1 tiếng. Ngoài ra, Nam Long cũng từng khiến nhiều người lớn trầm trồ khi chinh phục một thành tích đáng nể. Dù 6 năm học trường công, chưa từng ôn luyện, cậu bé vẫn đạt TOEIC 920/990 với điểm nghe gần như tuyệt đối 485/495. Hiện Long là học sinh trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa.

Đằng sau thành tích đáng ngạc nhiên của Nam Long không thể không kể đến sự đồng hành của anh Nam, bố cậu bé. Anh Nam cho biết, từ nhỏ con trai đã rất ngưỡng mộ ba (coi ba là siêu anh hùng) nên việc dạy dỗ không khó. 

Từ kinh nghiệm dạy con và đúc rút kinh nghiệm từ anh em họ hàng, anh Long đã bật mí những bí quyết dạy con giai đoạn từ 0-14 tuổi. Từng giai đoạn ông bố này có những ưu tiên khác nhau. Anh nương theo độ tuổi, tính cách cùng sở thích của con để có phương pháp phù hợp, thay vì áp đặt và ép buộc con theo định hướng của người lớn.

Mẹo nuôi dạy con trai

1. Độ tuổi 0-3 tuổi, nhà trẻ

Anh Nam cho rằng, giai đoạn này cho trẻ tự do phát triển, vui chơi, học múa, học hát, học vẽ, học đếm tới 10. Nên thường xuyên ra các sân chơi giao lưu với các bạn vào cuối ngày, cuối tuần.

Ông bố này không ủng hộ việc dạy dỗ giáo dục sớm kể cả học chữ bằng flash card hoặc dạy tính nhẩm kiểu Soroban/Finger math để biết đọc, biết tính toán sớm trong độ tuổi này vì như vậy sai nguyên tắc thứ tự tiếp thu ngôn ngữ "nghe nói đọc viết". Còn dạy "hình" bằng flash card thì vẫn có thể chấp nhận, nhưng tốt nhất vẫn là đưa con ra đường chỉ tận tay.

Trong giai đoạn này, nếu con nói ngọng thì ba mẹ nên đưa con đi bác sỹ kiểm tra xem có bị dính thắng lưỡi không để xử lý. Còn lại không có gì lo lắng. Quan trọng nhất tuổi này là làm con cảm thấy mạnh khỏe, vui vẻ, hạnh phúc và được quan tâm. Còn lại ba mẹ không nên có gì áp lực gì về dạy dỗ học hành.

2. Độ tuổi 4-6 tuổi, mẫu giáo

Theo anh Nam, tiếng Anh cực kỳ quan trọng. Đầu tư tối đa trong khả năng cho phép vì độ tuổi này bé hấp thu ngôn ngữ tốt nhất. Hai con nhà anh Nam đều lộ trình như nhau: Biết khoảng 100-200 từ tiếng Anh thì bắt đầu ghép mấy câu cơ bản nói với nhau ở nhà. Có thể cho con học ở trường mẫu giáo có ít nhất 3 tiết tiếng Anh/tuần và học thêm phản xạ bên ngoài. Hoặc học trường mẫu giáo có lớp tăng cường tiếng Anh, các bé được khuyến khích nói tiếng Anh với nhau.

Độ tuổi này nên cho con trải nghiệm thử học vẽ, đàn, nhảy, cờ vua, thể thao… nhưng nếu con không thích thì đừng nên ép buộc. 

"Tôi dành nhiều thời gian chơi với con - như những người bạn, tức là nói chuyện phiếm, chuyện ở lớp với những đứa trẻ mẫu giáo. Chẳng hạn: Tại sao chị Duyên lại cắt tóc ngắn nhỉ? Anh Teppi đi về quê mấy ngày nay phải không? Giờ ngủ trưa hôm nay bạn nào ngủ sớm nhất… Cứ thế, ít nhất 1 tiếng mỗi ngày.

Tôi quan sát con tôi có điểm mạnh hay yếu nào, bao gồm kỹ năng quan sát, tìm phương án, sáng tạo và giải quyết vấn đề. Rõ ràng là có sự chênh lệch. Có đứa tập trung quan sát vấn đề cụ thể (IQ), có đứa quan sát thái độ và lí do của người đưa ra vấn đề (EQ). 

Nam Long học toán cực nhanh, 3-4 tuổi mà cộng trừ nhân chia lũy thừa dạy gì cũng 1-2 lần là nhớ, trong khi Nam Châu thì cộng tới 12 là phải dùng cả ngón chân. Nhưng Nam Châu lại tinh tế hơn. Có lần Châu đem 1 con búp bê mới lên lớp, các bạn xúm lại chơi. Về nhà tôi hỏi thì Châu trả lời: "Thấy đồ chơi là lao vào chơi, vậy mà cứ giận người ta hoài, giận là không cho chơi nữa bây giờ". Tôi hỏi là con nói như thế hả? Con nói: "Không, con chỉ nghĩ như thế thôi vì lúc đó con không chắc các chị hết giận con chưa nên con không dám nói". Rõ ràng việc tiết chế lại câu nói đó là có sự tính toán tinh tế của đứa bé 4 tuổi", anh Nam chia sẻ.

Ông bố này lưu ý, ba mẹ khi chơi với con ở tuổi này là phải chơi sâu, chơi thật. Chứ không phải ngồi gần rồi con làm việc này mình làm việc khác. Quan trọng nhất nhất lúc này chính là xây dựng sự tự tin vào năng lực bản thân của đứa trẻ. Con tin rằng nó nổi trội hơn đứa trẻ khác ở một sự khác biệt nào đó: Bơi giỏi hơn, biết nhiều bài hát hơn, vẽ đẹp hơn, nói tiếng Anh hay hơn, biết đánh cờ tướng, hay kể chuyện hay hơn… đều là những thứ đáng tự hào. Sự tự tin này sẽ giúp bé bắt đầu môi trường cấp 1 mạnh mẽ và sẵn sàng hơn.

3. Độ tuổi 6-10, tiểu học

Giai đoạn này, quan điểm của ông bố này là tiếp tục duy trì tiếng Anh theo phương án tự học bằng nghe, tìm hiểu trên YouTube nếu bé đã "cứng". Nếu chưa thành thạo lắm thì tiếp tục bổ sung sớm, và tập trung giao tiếp phản xạ. Về việc học ở lớp, nên đảm bảo con không bị dưới trung bình môn nào.

Theo anh Nam, việc bắt buộc đứa trẻ giỏi đều các môn là sai lầm rất lớn. Một là việc giỏi đều như bao đứa trẻ khác không đem lại lợi ích đáng kể mà lại vô tình đưa ra định hướng nó trở thành 1 phiên bản công nghiệp chung chung na ná giống nhau. Hai là việc giỏi đều làm mất đi cơ hội phát huy những thứ đứa trẻ thật sự giỏi và có tiềm năng.

Hãy tập trung cực nhiều vào những thứ đứa trẻ có năng khiếu hoặc thích thú. Điều này tạo nên sự tự tin, sự khác biệt và định hình ý thức giá trị thật sự của bản thân. 

"Nam Long rất rõ ràng: Được phép có 3 môn dưới 9 phẩy và con chọn sẵn luôn, không hề áp lực nếu điểm thấp. Các môn còn lại thì hầu như không phải học hành gì vẫn nhẹ nhàng đạt mục tiêu. Nam Long nói một câu, tôi thấy có lý: "Ba mẹ thường lầm tưởng môn nào tụi con học nhiều là con giỏi môn đó, thật ra là ngược lại. Môn nào giỏi là con chỉ cần học rất ít vẫn giỏi, các môn học nhiều mới giỏi thì phải học nhưng chán lắm", anh Nam chia sẻ.

Mẹo nuôi dạy con trai

4. Độ tuổi 10-14, cấp 2

Định hướng cho con dành thời gian cho những thứ sau này có ích hơn là học giỏi các môn học ở trường. Anh Nam cho biết, những gì Nam Long biết về khoa học, lịch sử địa lý nhờ coi Youtube bây giờ đã có phần nhỉnh hơn cả anh. Dù điểm lịch sử ở lớp Nam Long vẫn thuộc top cuối, nhưng anh không hề phiền lòng.

Anh không định hướng cho con về nghề nghiệp, để con tự khám phá. Có lúc Long thích lập trình, có lúc xem về kinh doanh, thỉnh thoảng là kinh tế vĩ mô, đôi lúc thì viết phim, có khi thì nghiên cứu khảo cổ học… Cách đây không lâu, Long nói lớn lên sẽ học Computer science vì nghề này có tỉ lệ thất vọng khi lựa chọn thấp nhất. Có thể Long còn sẽ thay đổi, nhưng chắc chắn khi tự xác định sẽ tốt hơn cha mẹ chọn giùm.

Ông bố gợi ý thêm: "Hãy trò chuyện với con. Ngày nào con cũng kể chuyện ở lớp, chuyện bạn bè thầy cô. Tôi thì thường xuyên bàn bạc, debate chiến lược kinh doanh, ý tưởng mới của Opla CRM với Long và nhận nhiều lời khuyên, nhận định hay của con. Tôi nghĩ lấy mốc tối thiểu 1 tiếng/ngày cho các hoạt động này làm chuẩn".

Nhận định về quá trình giáo dục con, anh Nam cho rằng, thành công của anh chính là xây dựng hình ảnh một ông bố, một người bạn đáng tin cậy của con. Để làm được điều đó chính là sự quan tâm và kiên nhẫn. Bất kỳ ông bố, bà mẹ nào thật sự dành 3-4 tiếng một ngày để cùng trò chuyện, vui chơi, tâm sự cùng đứa trẻ 4-5 tuổi cho tới khi nó lớn đều sẽ có sức ảnh hưởng cực lớn với nó. Khi đó, mọi việc nuôi dạy đều trở nên dễ dàng.

Hiểu Đan

Từng ấm ức ôm con rời khỏi nhà chồng ngày 27 Tết, sao Việt này giờ dạy con kiểu gì mà ai cũng khen văn minh?

Từng ấm ức ôm con rời khỏi nhà chồng ngày 27 Tết, sao Việt này giờ dạy con kiểu gì mà ai cũng khen văn minh?

Lúc đó, nữ diễn viên uất ức, căm phẫn, tủi thân và tuyệt vọng, chẳng bao giờ nghĩ sẽ có ngày cuộc đời mình diễn ra như thế.