Những ngày Tết rồi cũng qua, nhưng dư âm của bánh chưng, thịt mỡ thì cứ như còn kéo dài đến hết tháng Giêng qua tháng Hai… đến nỗi mỗi khi ngồi vào mâm cơm, người ta như vẫn còn thấy ngây ngây bởi vị béo ngậy của những món ăn “dư calo” ấy. Thế rồi cùng với khí trời tươi mới, người ta cũng hân hoan mong ngóng một món ngon gắn liền với buổi giao mùa: món sứa đỏ.
Xa Hà Nội ngót chục năm, mỗi khi nghĩ tới đất Kinh kỳ, thương nhớ trong tôi cũng chỉ gói gọn trong mấy chữ: “sứa đỏ ơi!” – món ăn gắn với cả “một bầu trời” ký ức. Ngày đó, bà nội tôi còn trẻ khỏe, bà hay mắc võng lên hai cái cây xà cừ trước cổng ngồi trông hàng sắt vụn. Cứ tầm 2-3 giờ chiều là có gánh sứa đỏ đi qua. Bà bán sứa với bà nội tôi chẳng họ hàng mà cứ như chị em thân thiết, vì cứ hễ thấy bà bán sứa qua cửa là bà nội tôi lại “ngoắc” vào, vừa ăn quà vừa hỉ hả trò chuyện “trên trời dưới biển”.
Ảnh: internet. |
Sứa đỏ hồi ấy được đựng trong cái thau nhôm Hải Phòng sáng bóng, nổi bồng bềnh, núng nính mọng nước như một mâm thạch dâu, trên có điểm mấy chấm xanh xanh của quả quất non thái lát. Bà bán sứa quẩy một đôi quang gánh đã lên nước sáng bóng, một bên là thau sứa to, bên kia là lỉnh kỉnh bát đĩa, một liễn sành màu da lươn đựng mắm tôm và những thức ăn kèm khác. Cả cơ nghiệp của bà bán sứa chỉ gói gọn trong một gánh hàng rong, nặng trĩu nhưng gọn gàng, mộc mạc nhưng lúc nào cũng tươi tắn đầy màu sắc.
Sau khi trịnh trọng đặt gánh hàng trên vai xuống, choán hết nửa phần cửa hàng sắt vụn, bà bán sứa mới từ tốn bày ra một chiếc ghế gỗ con con. Sau khi khách chọn ăn phần mo hay phần chân sứa, bà mới rút một que tre cật sắc lẻm, nom oai phong như tướng quân rút thanh bảo kiếm, nhanh tay cắt “roẹt roẹt” mấy nhát, ngọt như cắt thạch. Thế là “mâm sứa” to được chia thành những miếng nhỏ vuông vắn vừa ăn.
Ăn sứa đỏ “đúng điệu” phải kèm với đậu nghệ nướng sém vàng và cùi dừa trắng phau. Mỗi thứ được cắt con chì to bằng ngón tay, gói ghém cả lại trong một cái lá tía tô to bằng bàn tay, điểm thêm mấy ngọn kinh giới xanh non rồi chấm ngập vào bát mắm tôm bông bọt đỏ hồng. Cả một miếng sứa ghém to như vậy, nhưng không thể cắn nhỏ mà phải mở hết khẩu độ để vừa “một phát ăn ngay”, rồi nhếu nháo nhai, nghe trong miệng những tiếng sừn sựt, rồn rột rất vui tai. Cũng bởi thế nên đây là món ăn cầu kì nhưng không hề cảnh vẻ, đẹp mắt nhưng lại rất dân dã, tuyệt đối không nên ăn cùng thông gia hay bạn trai, bạn gái mới hẹn hò.
Trên đời, có hai thứ bà nội tôi ăn rất ngon miệng, khiến người khác chỉ nhìn thôi mà cũng ứa nước miếng, ấy là trầu và sứa đỏ; đúng cái kiểu bỏm bẻm nhai, nhẩn nha nuốt của mấy bà già ăn quà thành kĩ nghệ. Ăn xong đĩa sứa, bà bèn cầm dọc đôi đũa, quẹt ngang hai cái quanh miệng, ra điều no nê, khoái khẩu. Đấy là dấu hiệu bữa ăn đã kết thúc, bởi hồi ấy chưa có giấy ăn như bây giờ.
Ăn sứa đỏ “đúng điệu” phải kèm đậu nghệ nướng, cùi dừa gói ghém trong lá tía tô, điểm ngọn kinh giới rồi chấm ngập vào bát mắm tôm bông bọt. |
Sứa đỏ ăn đến đâu mát lịm, bùi ngậy đến đấy. Nhưng “hồn cốt” của món ăn này lại nằm ở bát mắm tôm bung bọt kia. Nghe nói đó là mắm “thửa”, được muối bằng tép đỏ trong chum sành, dãi nắng đến au đỏ, thơm lừng. Mùa sứa đỏ bắt đầu từ cuối tháng Giêng đến tháng Năm âm lịch. Sứa biển sau khi sơ chế được ngâm trong nước lá đinh lăng, vỏ sú vẹt, nước lá ổi đến khi “chín”, không còn mùi tanh và dai giòn như thạch rau câu là có thể ăn được.
Sứa đỏ vốn là đặc sản của vùng Thái Bình, Nam Định, nhưng chỉ đến khi lên tới đất Kinh kỳ, món ăn này mới được “nâng tầm” thành thức quà khiến người ta nhung nhớ, vấn vương bởi hương vị ngọt mát, bùi ngậy quyện hòa, có tác dụng “giải ngấy” rất kì diệu sau cả một mùa Tết… Chẳng biết tại sao, mỗi khi đi xa, nỗi nhớ về quê nhà trong tôi lại là một bức tranh được chắp ghép bởi rất nhiều mảnh nhỏ, trong đó chỉ toàn những vụn vặt như là một món ăn, một mùi hương hay một thói quen rất đỗi bình thường của một người thân nào đó. Cứ thế, những lát cắt kí ức ùa về tràn cả một miền thương nhớ.
Mùa thu nhớ món khoai tây xào
Nhà văn Lê Minh Hà gửi từ Berlin một bài viết về khoai tây xào, món ăn của những đứa trẻ một thời mũ rơm sơ tán.