Này chị em ơi, mở "Phố Hoài" ra coi

“Phố Hoài” được nhà văn Trần Thị Trường sử dụng như để định vị một chốn gặp gỡ văn thơ nhạc họa cùng bạn bè.

Này chị em ơi, mở sách này coi.

Coi cuốn sách của sáu nhà văn, nhà thơ nữ chơi với nhau trong tình chị em và tình văn chương lấy nơi gặp gỡ là tư gia và xưởng hoạ mang tên “Phố Hoài” của nhà văn Trần Thị Trường. Cái tên gọi này xuất xứ từ cuốn tiểu thuyết cùng tên ra năm 2020 của nữ nhà văn viết về người và chuyện Hà Nội một thời. Và khi dừng bút viết chuyển sang bút vẽ, Trần Thị Trường đã lấy “Phố Hoài” định vị một chốn gặp gỡ văn thơ nhạc họa cùng bạn bè.

Nữ chủ nhân là người mến khách, nhiều sáng kiến tập hợp mọi người, chu đáo, tinh tế khi làm các sự kiện nghệ thuật “mini” tại nhà mình. Từ đó địa chỉ mang tên “Phố Hoài” nhưng ẩn mình trong một góc kín đáo vườn nhà xưởng ở làng Phùng Khoang (Hà Nội) đã thành như Pho Hoai Club - một câu lạc bộ của các văn nghệ sĩ.

Này chị em ơi, mở

Và nhóm sáu chị em văn thơ nói đây thường xuyên có mặt ở Phố Hoài, bất kể có sự kiện gì hay không. Họ đến vì Phố Hoài, vì chủ nhân nơi đây, và vì chính họ. Đến đây họ được ngắm những bức tranh mới vẽ của Trần Thị Trường, nhất là tranh hoa hồng đã thành như “họa hiệu” của nữ văn sĩ, được trò chuyện đọc thơ cho nhau nghe, và được chụp những bức ảnh đẹp. Phụ nữ tuổi nào cũng là phụ nữ mà! Và vì là nữ, là phái đẹp, nên nữ chủ đã làm đẹp thêm cho cuốn sách của nhóm bằng phụ bản 24 bức sơn dầu vẽ hoa hồng “của nhà trồng được”. Mà tôi không nghĩ đó là phụ bản. Thơ là tự nó. Họa là tự nó. Đặt cạnh nhau Thơ và Hoa, Hồng và Thơ, nghe đã nên thơ, đọc thơ trong sắc hồng chắc lại càng lung linh.

Này chị em ơi, mở sách này coi.

Coi năm trong sáu tác giả ở đây là các nhà thơ, nên trong phạm vi cuốn sách này tôi những muốn gọi đây là “Phố Hoài thi tập”. Bởi vì trừ chủ nhân Phố Hoài ra, năm người còn lại là các nhà thơ. Ta gặp lại ở đây những giọng thơ đã nổi tiếng, những câu thơ đã quen thuộc. Phan Thị Thanh Nhàn hương thầm mà quấn quít dài lâu, những câu thơ yêu không già theo năm tháng mà như còn hồn nhiên hơn, hờn giận, trách móc trẻ trung hơn, thấy mình trong thăm thẳm niềm đau vẫn còn yêu đời quá:

Con đường ta đã dạo chơi

Xin đừng đi với một người khác em;

Ta như hai đứa trẻ nghèo

quả ngon chỉ dám nâng niu ngắm nhìn

Đừng bao giờ nhé, chín thêm

sợ tan mất giấc mơ em - một thời. 

Đoàn Thị Lam Luyến người đàn bà nhận mình dại yêu, khát khao hạnh phúc, bươn bả tìm hạnh phúc, hụt hẫng hạnh phúc trong tầm tay. Những câu thơ xa xót không chỉ xát lòng người viết mà cả lòng người đọc:

Không hoang cây, chỉ hoang đồi

Em hoang con bởi có người đi hoang;

Chị thản nhiên mối tình đầu

Thản nhiên em nhặt bã trầu về têm;

Que diêm mảnh cứ châm bờ rạ ướt

Khói lửa nào đắng đót trái tim côi.

Nguyễn Thị Hồng Ngát “người đàn bà đang yêu” thương những phận nữ như Nguyệt Cô hóa cáo, đắm say dữ dội như biển:

Biển yêu đất điên cuồng rộng lượng

Muốn xô bờ nhưng lại sợ bờ đau;

Em đã qua nửa cuộc đời bão tố

Bỗng gặp anh - vùng biển lặng của mình;

Năm qua đi tháng qua đi 

Lòng ta đã lặng biển thì bão giông.

Nguyễn Thị Kim Nhũ nhẹ nhàng trăn trở, tìm thấy bình yên hạnh phúc trong những cảnh đời thường, những số phận người thường, như người đàn bà Mông xuống chợ Trên đường trở về nhà / Lu cở chất đầy những giấc mơ có thật; như người đàn ông Mông ở phiên chợ tình “Cái” vợ lầm lũi / Dắt ngựa về nhà / Chẳng lời oán thán / Lại còn xuýt xoa.

Phạm Thu Yến có tâm hồn Nga trong tâm hồn Việt sâu lắng những cảm xúc văn chương và đời thực:

Tuổi thiếu nữ của tôi thấm đẫm những câu thơ:

Ê-Xê-Nhin đã dịu dàng

gieo trên cánh đồng kiều mạch

Lũ chúng tôi vẫn thường ao ước

Giá một lần được hát với bạch dương

Tôi gặp ở nước Nga sợi tóc bạc đầu tiên

Khi lặn lội thân cò nơi tuyết trắng

Nghĩa vụ thì dầy, vai tôi thì mỏng

Bài ca bạch dương ngủ quên dưới đáy

những lô hàng

Khi tôi trở về xứ sở của mình

Những ước vọng đã thành hiện thực

Chỉ bài hát bạch dương đôi khi thầm khóc

Khi tôi ngồi nhớ tuyết…

Thơ của mỗi người mang dấu ấn tâm trạng, cảm xúc riêng. Nhưng khi chọn lọc tập hợp chung trong sách này cho ta thấy một khuôn mặt chung của năm người. Họ đều là những nhà thơ nữ nồng nàn, đắm đuối, đa đoan, và cả đa sự, đa tình nữa. Không biết có phải thế mà họ hợp nhau, chơi được với nhau, và bây giờ ra chung sách cùng nhau hay không. Điều này thì phải để chủ nhân Phố Hoài cho biết ở phần văn xuôi duy nhất trong sách.

Này chị em ơi, mở

Này chị em ơi, mở cuốn sách này coi.

Coi họa sĩ Trần Thị Trường bày phòng tranh chân dung năm chị em trong nhóm không phải bằng họa mà bằng văn ra sao. Đọc như xem mỗi chân dung dạng ký dưới ngòi bút của nữ văn sĩ người đọc biết được cuộc sống và số phận của từng nhà thơ, biết được đường đời đường thơ của mỗi người. Và cố nhiên, tất nhiên, biết được từ đó những gì ẩn trong thơ, ẩn sau thơ. Trong mắt nữ chủ Phố Hoài, năm chị em đồng nghiệp mỗi người hiện lên một vẻ. Phan Thị Thanh Nhàn người chị cả của nhóm hương thầm thơm mãi, thơ chị “chân thật, thành tâm có gì nói nấy mà vẫn đạt được sự tinh tế”. Nguyễn Thị Hồng Ngát là một “con hổ” trầm tĩnh, “đọc thơ chị mà thấy rưng rưng, thương yêu và trân trọng những con chữ chứa đầy những xúc cảm chân thật của người viết”. Đoàn Thị Lam Luyến là người đàn bà suốt đời “dại yêu”, là người “vui đấy mà buồn đấy, cười đấy mà khóc đấy, thông minh, tỉnh trí đấy mà… mê muội đấy” để rồi có những bài thơ “nhường nhịn đến điều, giành giật đến nơi, rất quyết liệt, mà cũng rất nhân hậu”. Phạm Thu Yến là một người thơ nhân ái, “thơ của chị không triết lý xa xôi, câu chữ không cầu kỳ, màu mè nhưng tinh tế, có sức truyền cảm trong lòng người đọc”. Nguyễn Thị Kim Nhũ làm thơ “không cầu kỳ chữ nghĩa, giản dị, cảm xúc được dẫn dắt bởi sự trong sáng tự nhiên, chân thành đúng như con người chị”. Mỗi bức ký chân dung như vậy của nhất nữ văn sĩ làm đầy đặn thêm sự hiểu, sự cảm cho người đọc thơ khi tiếp cận các bài thơ của ngũ nữ thi sĩ trong sách này. Nhưng thế chưa hết.

Này chị em ơi, mở sách này coi.

Coi nữ chủ Phố Hoài hiện ra trong mắt bạn mình thế nào. Lại là trong mắt một bạn cùng cầm tinh Hổ, cùng có những cảnh đời giống nhau phải trải qua. Nguyễn Thị Hồng Ngát viết về Trần Thị Trường trong những sự cùng ấy. Phải thấu hiểu nhau, đồng cảm nhau, thật lòng với nhau lắm thì người thơ mới có lời gan ruột thế này về nhà văn: “Nhưng Trần Thị Trường viết văn xuôi, (may là không làm thơ) nên cuộc sống riêng của chị có gập ghềnh như thế nào thì chỉ những người thân của chị mới biết. Còn tôi thì có bao nhiêu yêu thương hờn giận hợp tan đều “phơi ” ra cùng thơ thiên hạ nhin thấy rõ mồn một. Phải công nhận chị là người kín tiếng. Bao nhiêu năm quen nhau tôi hầu như không nghe thấy điều tiếng gì về chị trong chuyện tình cảm. Vui buồn lo lắng hay đau khổ gì chị đều giấu rất kỹ. Điều này khiến tôi rất thán phục”.

Và thế là cuốn sách liền một mạch chảy của nhóm Phố Hoài. Nó gắn kết sáu chị em trong văn chương. Nó tạo lập một khuôn mặt nhóm. Nó mời gọi mọi người vui cùng nhóm. Cuốn sách mang tên “Những người gánh sông Trăng” có thể hiểu những người đàn bà trên đời này dù có vất vả khổ cực bao nhiêu thì họ vẫn luôn hướng về cái cao đẹp, mơ mộng. Cuộc đời họ có thể khác nhau, mà cụ thể ở đây sáu chị em Phố Hoài đã mỗi người sống một đời riêng của mình, nhưng khát vọng về tình yêu, hạnh phúc, nhân văn đã là cái chung cho họ tìm đến nhau, chung tình cùng nhau.

Này chị em ơi, mở sách này coi…

(Nhưng tôi gọi chị em không phải là không có anh em).

Hà Nội, 20/11/2024

Phạm Xuân Nguyên

Nhà văn Trần Thị Trường: Tôi vẽ như lên cơn nghiện

Nhà văn Trần Thị Trường: Tôi vẽ như lên cơn nghiện

Là một nhà văn, nhưng giờ chị vẽ như lên cơn nghiện và tranh của chị được khá nhiều người yêu thích và tìm mua.