Nền kinh tế dần mở cửa, giá thủy sản các tỉnh miền Tây đang phục hồi

Giá thủy sản nguyên liệu tại hầu hết các tỉnh/thành Đồng bằng sông Cửu Long nửa cuối tháng 9/2021 có xu hướng tăng khi các tỉnh/thành nới lỏng giãn cách xã hội.

Cụ thể, giá cá tra nguyên liệu tại tỉnh An Giang ngày những ngày qua ổn định ở mức 21.500 – 22.000 đồng/kg đối với cá tra cỡ 0,8 - 1,1 kg.

Tại Cà Mau, giá tôm sú nguyên liệu tuần qua tăng 1.000 – 2.000 đồng/kg so với một tuần trước đó; tuy nhiên giá tôm thẻ chân trắng cỡ 20 con/kg lại giảm 2.000 đồng/kg.

Giá cua biển tại các tỉnh như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng và Bến Tre phục hồi từ mức thấp khi các tỉnh nới lỏng giãn cách xã hội. Sau thời gian giá cua biển và một số loại thủy sản đều giảm mạnh do bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID–19 trong đợt giãn cách xã hội, hiện nay một số tỉnh bắt đầu cho nới lỏng giãn cách và tạo điều kiện cho thương lái và nông dân thu hoạch nông sản. Vì vậy, nhiều loại thủy sản đã bắt đầu tăng giá trở lại.

thuy-san.png
Thủy sản xuất khẩu tháng 8 giảm và theo dự đoán của các nhà chế biến, xuất khẩu ngành hàng này, đà giảm có thể kéo dài hết tháng 9.

Tháng 8/2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam chứng kiến tháng giảm đầu tiên trong 3 năm qua. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu thủy sản của cả nước tháng 8/2021 đạt 853,77 triệu USD, giảm 30,3% so với tháng 7/2021 và giảm 26,6% so với tháng 8/2020.

Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tháng 8/2021 giảm mạnh do dịch COVID - 19 khiến nhiều doanh nghiệp thủy sản ở phía Nam giảm công suất hoặc ngừng chế biến và xuất khẩu thủy sản. Tính chung 8 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 5,569 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2020.

Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tới tất cả các thị trường lớn trong tháng 8/2021 đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, tính chung 8 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang nhiều thị trường lớn vẫn tăng so với cùng kỳ năm 2020.

Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2021, đạt 1,296 tỷ USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2020; xuất khẩu sang Úc, Nga và nhiều thị trường trong khối EU cũng tăng trưởng tốt. Trong khi đó, xuất khẩu thủy sản sang các thị trường lớn trong khu vực châu Á như: Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc giảm hoặc tương đương so với năm 2020.

Dự báo, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong tháng 9/2021 vẫn tiếp tục gặp khó khăn do tác động của dịch COVID – 19 tại khu vực phía Nam.

Theo khảo sát của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP), tính đến cuối tháng 8/2021, chỉ có khoảng 30-40% doanh nghiệp thủy sản tại các tỉnh, thành phố phía Nam hoạt động được với mô hình “ba tại chỗ”; Khoảng 30-40% đơn vị không đủ điều kiện thực hiện “ba tại chỗ” đã phải ngừng sản xuất, số còn lại đã tạm dừng sản xuất để tổ chức lại nhà máy thực hiện “ba tại chỗ”.

Ước tính, công suất sản xuất thủy sản chung của các doanh nghiệp vùng Đồng bằng Sông Cửu Long đã giảm 60-70%.

Tới thời điểm này, tình hình dịch bệnh tại nhiều tỉnh phía Nam đang có những tín hiệu tích cực, các địa phương cũng đã sẵn sàng để bước vào giai đoạn phục hồi kinh tế theo kế hoạch, giải pháp đã được xây dựng.

Trong lộ trình mở cửa trở lại, các tỉnh, thành phố phía Nam đã có những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp gồm: hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ tổ chức sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí và chăm lo đời sống người lao động; hỗ trợ mở rộng thị trường, hỗ trợ về thông tin, đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ từ ngân sách nhà nước…

Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19, cùng với sự hỗ trợ nhằm tháo gỡ khó khăn trong hoạt động xuất khẩu của các Bộ, ngành, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sẽ dần phục hồi kể từ cuối tháng 9/2021 và tăng trở lại trong 3 tháng cuối năm, thời điểm nhu cầu và đơn hàng thường tăng cao.

Đ.KHẢI