Ngành giáo dục khó với tình trạng thiếu giáo viên, giáo viên bỏ việc sát ngày khai giảng năm học mới

Theo Bộ Giáo dục và đào tạo, cả nước còn thiếu 95.000 giáo viên các cấp, đồng thời thừa giáo viên cục bộ ở nhiều địa phương, cấp học.

Ngày 12/8, Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ năm học mới tổ chức tại Hà Nội kết nối với 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố, với sự tham dự của lãnh đạo UBND tỉnh, thành, giám đốc các sở giáo dục và đào tạo, đại diện các cơ sở đào tạo đại học. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chủ trì hội nghị.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Nhật Hằng, giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo Bình Dương cho biết  từ tháng 1/2021 đến tháng 4/2022, Bình Dương có tới 527 giáo viên nghỉ việc chủ yếu do lương thấp và áp lực công việc lớn. Trong khi đó, Bình Dương lại tăng thêm 29.000 học sinh các cấp.

Hiện toàn tỉnh Bình Dương thiếu trên 3.000 giáo viên. Điều này khiến tỷ lệ học ở bậc tiểu học giảm, có trường chỉ dạy được 1 buổi/ngày. Việc này rất khó khăn khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Bà Hằng cho biết vai trò của trường ngoài công lập, nhất là ở khối mầm non, rất lớn (có 392/731 trường ngoài công lập ở các cấp, trong đó nhiều nhất ở cấp mầm non). 

Ông Thái Văn Thành - giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo Nghệ An cho biết tỉnh đang thiếu gần 8.000 giáo viên các cấp. Dù năm vừa qua đã  được bổ sung 2.800 giáo viên, nhưng hiện vẫn còn thiếu khoảng 6.000 giáo viên, khiến việc triển khai các môn học mới theo  Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có thể gặp nhiều khó khăn. 

Trong báo cáo tổng kết năm học trước, Bộ Giáo dục và đào tạo cũng thừa nhận tỉ lệ giáo viên/lớp chưa đáp ứng yêu cầu theo quy định của Chương trình giáo dục 2018, thiếu nhiều nhất là giáo viên tiếng Anh, tin học (ở cấp tiểu học) và thiếu giáo viên âm nhạc, mỹ thuật (bậc THPT).

Theo Bộ Giáo dục và đào tạo, cả nước còn thiếu 95.000 giáo viên các cấp, đồng thời thừa giáo viên cục bộ ở nhiều địa phương, cấp học. Trong năm học trước, Bộ cũng có nhiều nỗ lực, tham mưu để khắc phục tình trạng này.

Vừa qua, Bộ Chính trị quyết định bổ sung trên 65.900 biên chế giáo viên cho các địa phương trong giai đoạn 2022 - 2026. Bộ Giáo dục và đào tạo cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương thực hiện việc tuyển dụng 27.850 giáo viên trong năm học tới.

Tuy nhiên, ông Thái Văn Thành cho biết để khắc phục triệt để vấn đề này không đơn giản, vì quy trình tuyển dụng hiện nay phải qua nhiều khâu, thủ tục, nguồn tuyển khó khăn... 

GS Nguyễn Văn Minh, hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Hà Nội, cho rằng Bộ Giáo dục và đào tạo cần cụ thể hóa hơn trong các giải pháp thực hiện nhiệm vụ năm học mới, cũng như khắc phục hạn chế.

Thanh Mai

Bộ Y tế đề xuất vẫn giữ COVID-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A, chưa công bố hết dịch

Bộ Y tế đề xuất vẫn giữ COVID-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A, chưa công bố hết dịch

Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, Bộ Y tế đề xuất Chính phủ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.