“Thời đại ngày nay, nhiều người trẻ chỉ nói về mua sắm cho sở thích cá nhân, như là thoải mái tiêu hơn 500 ngàn đồng cho một bữa lẩu, 3 triệu đồng mua chiếc tai nghe… Thì thời đại cô, không ai dạy mình về đầu tư và kinh doanh nên cách cô chú xây nhà, mua đất, nuôi 3 con ăn học chỉ có thể thông qua làm việc chăm chỉ và tiền tiết kiệm.
Mình kiếm được 10 đồng nhưng mình cố gắng cất lại 7-8 đồng. Để khi mình hoàn thành được các mục tiêu lớn lao, tuổi già ập đến thì không cần sống phụ thuộc quá nhiều vào con cái", cô Trà (47 tuổi, ngoại thành Hà Nội) bắt đầu câu chuyện với chúng tôi.
Cô Trà và chồng đến với nhau khi cả hai chỉ có hai bàn tay trắng. Cả hai vợ chồng đều sinh ra trong gia đình khó khăn nên thói quen tiết kiệm tiền đã “ăn sâu" vào suy nghĩ của họ. Hành trình xây nhà, nuôi dạy con cái ăn học thành tài của cô chú được bồi đắp từ chỉ duy nhất 1 con đường tài chính: Kiếm được tiền, sau đó chi tiêu tiết kiệm để có khoản để dành.
Theo cô Trà, nhiều người trẻ ngày nay không biết đến sức mạnh của tiết kiệm - một cách quản lý tiền bạc đã giúp biết bao người cùng thế hệ với cô mua được nhà và xe giữa thời điểm kinh tế còn nhiều khó khăn.
Gia đình 5 người chỉ tiêu 3 triệu/tháng
Năm 2007, gia đình cô Trà hoàn thành xây nhà và mua mới nội thất với tổng chi phí 500 triệu đồng. Để xây nhà, vợ chồng cô còn phải vay nợ từ ngân hàng thêm 150 triệu đồng. Ba năm kế tiếp, họ bắt đầu cho hành trình trả nợ và nuôi dạy 3 con với tổng thu nhập ít ỏi 8 triệu đồng/tháng. Được biết, thời điểm đó, mỗi tháng vợ chồng cô chỉ tiêu 3 triệu đồng, số tiền còn lại họ gửi tài khoản tiết kiệm để trả nợ ngân hàng.
Dưới đây là cách gia đình cô Trà đã tiết kiệm cho cuộc sống gia đình
1. Giảm chi phí sinh hoạt xuống mức tối đa
Cô Trà tâm sự: “Mọi khoản chi phí đều được gia đình giữ ở mức tối thiểu. Bên cạnh mua hàng hoá giá rẻ, vợ chồng cô còn thực hiện chính sách tiết kiệm với tất cả khoản tiêu dùng hàng tháng. Cụ thể hơn, cô chú luôn nhắc nhở con cái không được vứt giấy ăn, giấy vệ sinh bừa bãi, không để nước chảy lênh láng và đèn điện bật sáng khi trong phòng không có ai ngồi.
Hàng ngày, cô luôn đi chợ quê để tiết kiệm nấu ăn. Món rau củ chỉ có cách nhau vài ngàn đồng cũng khiến cô đắn đo, cân nhắc có nên chuyển qua hàng khác hay không. Chỉ những dịp đặc biệt lắm như cuối năm hay chú có việc cần ra Hà Nội thì hai vợ chồng mới mua hàng hóa trong siêu thị, cửa hàng lớn. Khoản ăn uống hàng ngày của cô cũng rất đơn giản, đôi khi chỉ có 2 món mặn và 1 món rau là xong rồi.
Về các khoản mua hàng hoá khác như đồ gia dụng, đồ chơi cho con… cô chú thường mua đồ ở chợ quê, hoặc mình hỏi người này người kia chỗ bán rẻ để mua. Nói chung thời bấy giờ, cô chú quan điểm: Tiết kiệm được vài ngàn đồng thì cũng đáng quý rồi".
2. Không đi du lịch và mua quần áo mới
Thời điểm những năm còn nợ mua nhà, đi du lịch với gia đình cô Trà là chuyện xa vời. Trong 3 năm trả nợ mua nhà và kể cả vài năm sau đó, họ cũng không bao giờ dành tiền cho khoản mục này.
Trong chuyện mua trang phục, gia đình cô Trà quan điểm chỉ mua đồ mới cho con cái, vợ chồng hạn chế mua quần áo mới xuống tối đa. Đối với cô Trà chuyện làm tóc và làm móng là nhu cầu xa xỉ mà họ không bao giờ nghĩ đến.
3. Không bao giờ tiết kiệm tiền cho việc học của con cái
Tuy nhiên, có 1 hạng mục chi tiêu mà vợ chồng cô Trà không bao giờ tiết kiệm là khoản đầu tư dành cho chuyện học hành của con cái, từ mua quần áo, đồ dùng học tập cho đến nhu cầu học thêm.
Bởi gia đình cô quan niệm: Chỉ có học hành mới tạo cơ hội để thoát nghèo!
Đi qua quãng thời gian tiết kiệm từng đồng một để vất vả trả nợ làm nhà, cô Trà tổng kết: “Nếu có tiền thì nên cân nhắc làm nhà và mua nhà ngay. Bởi cô để ý, giá nhà đất chỉ có tăng lên chứ không bao giờ dám xuống. Đó cũng là lý do mà vợ chồng cô chấp nhận làm nhà trong khi hai vợ chồng cần vay đến 50% giá trị, còn đang nuôi 3 con nhỏ. Bởi chỉ sau đó 7-8 năm, cô khảo sát thì biết tiền xây căn nhà tương tự với nhà cô đã lên đến 1 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tiết kiệm tiền, sau đó gửi vào ngân hàng có sức mạnh tài chính rất lớn. Tuy nhiên người trẻ thời nay thường dễ bỏ qua. Ngày xưa, cô chú kiếm chưa đến 10 triệu đồng nhưng vẫn làm được nhà. Vậy mà mấy chục năm sau, tại sao những người trẻ lương tháng vài chục triệu mà không để ra được khoản nào?”.
Hành trình mua hai mảnh đất và có khoản tiết kiệm 600 triệu đồng
Sau khi hoàn thành mục tiêu trả hết nợ xây nhà vào năm 2010, vợ chồng cô Trà vẫn không bao giờ xem nhẹ nguyên tắc tiết kiệm chi tiêu. Trong 12 năm sau, dù còn nuôi 3 con ăn học nhưng cả hai vẫn có khoản dành dụm 600 triệu đồng, cũng như tranh thủ mua được hai mảnh đất gần nhà.
Trong suốt nhiều năm, vợ chồng cô chú giữ một nguyên tắc: Tiền vợ kiếm dùng để trả tất cả chi phí cuộc sống, còn thu nhập của chồng thì để gửi tiết kiệm. Được biết, thời điểm đó, cô Trà kiếm được 7-10 triệu đồng/tháng từ công việc giáo viên, trong khi chồng cô làm tự do nhận thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng.
Ở thời điểm hiện tại, cô Trà và chồng vẫn đang nỗ lực làm việc để khi về già, cả hai không cần sống phụ thuộc tài chính vào con cái. Cụ thể, cô Trà dự tính nguồn thu của hai vợ chồng khi nghỉ hưu như sau: Cô có tiền lương hưu từ công việc giáo viên, trong khi chồng cô có thu nhập từ cửa hàng nhỏ mà chú đã mở từ cách đây 1 năm.
Cô Trà tâm sự: “Cô biết những người trẻ như con mình lập nghiệp không hề dễ dàng, đó còn chưa tính bài toán tài chính càng khó khăn sau khi lập gia đình. Do đó, cô muốn khi về già, bản thân không bị phụ thuộc vào con mà còn có tiền lo cho chúng nó mua chung cư ở Hà Nội".
Đối với những nguyên tắc quản lý tài chính của mình, cô Trà có thêm một vài gạch đầu dòng:
- Tiết kiệm hết mức có thể, ít nhất là 50% số tiền kiếm được:
Ở mỗi giai đoạn nào của cuộc sống, cô Trà đều cố gắng dành dụm, hạn chế tiêu xài phung phí. Với vợ chồng cô chú, việc có tiền trong túi quan trọng hơn là vẻ đẹp bên ngoài.
- Nếu dự định kinh doanh riêng thì hãy tính sớm trước khi lập gia đình:
Cô Trà giải thích, sau khi có gia đình, chúng ta không thể đánh đổi quá nhiều rủi ro mà việc kinh doanh và đầu tư mang lại. Cô chia sẻ: “Vợ chồng cô chú không có chỗ dựa tài chính từ bố mẹ hai bên. Nếu mình kinh doanh thất bại, lại còn đang nuôi con thì biết lấy tiền từ đâu? Cũng vì thế, nếu có tiền thừa, cô chú chỉ chọn các hình thức gửi tiền an toàn như gửi tiết kiệm và mua vàng thôi".
Sau cùng, cô Trà nhấn mạnh những lời khuyên và cách quản lý tài chính của cô có lẽ không còn đúng 100% với thế hệ trẻ, đặc biệt là Gen Z. Tuy nhiên, những thói quen này lại phù hợp với thế hệ của cô - những người chứng kiến nhiều đợt kinh tế suy thoái, giai đoạn mà người ta cho rằng, “chỉ cần để yên tiền một chỗ là ổn nhất".
3 thói quen chi tiêu trói người trẻ vào cái nghèo, khiến tiết kiệm trở thành chuyện xa vời
Nếu bạn vẫn còn duy trì 3 thói quen chi tiêu này, cảm thấy “mình nghèo” là điều hiển nhiên, không có gì lạ.