![]() |
Bùi Mai Hạnh |
Bùi Mai Hạnh, tốt nghiệp Trường Viết văn Nguyễn Du khóa 5, là một cây bút đã quen thuộc với độc giả văn chương Việt Nam. Chị từng gây tiếng vang với tác phẩm Lê Vân – Yêu và Sống (chắp bút tự truyện, NXB Hội Nhà Văn, 2006) và tập thơ Hồn và Xác (NXB Hội Nhà Văn, 2012). Nay, chị trở lại thi đàn với tập thơ đặc sắc Người Hát.
Tập thơ gồm hai phần chính: Phần 1 – Người Hát và Phần 2 – Người Huýt Sáo. Với bút pháp vừa hiện thực vừa siêu thực, Người Hát là hành trình “lột xác” để tìm lại chính mình của tác giả và thế hệ của chị. Tác phẩm tôn vinh vẻ đẹp bình dị và những giá trị tinh thần cốt lõi trong cuộc sống đời thường.
Nếu Người Hát là những bài thơ như tiếng hát mò mẫm trong bóng tối của khổ đau, thì Người Huýt Sáo lại mở ra một thế giới rộn ràng niềm vui và tự do, hòa quyện giữa hạnh phúc gia đình, tình yêu con người và thiên nhiên.
Sau đây, xin giới thiệu một số bài thơ trích từ tập Người Hát (NXB Hội Nhà Văn,
![]() |
HỒN VÀ XÁC
Bài thơ ra đời khi tôi chưa đầy 18 tuổi. Trên căn gác xép nhà bố mẹ ở ngõ Thổ Quan, Khâm Thiên. Nửa đêm tỉnh dậy, viết. Kết bằng câu hỏi. Bốn chục năm sau, tôi mới tìm được câu trả lời.
xác đây rồi
hồn lang bạt tận đâu?
hồn nhăn nhó
xác cười ngặt nghẽo
hồn thủy chung xác thì bạc bẽo
thượng đế ơi,
người quá bất công?
xác lìa hồn
xác có cũng như không?
hồn lìa xác
hồn chơi vơi phiêu lãng!
hồn mặc xác phơi mình dầy dạn
xác mặc hồn trăn trở đớn đau
xác với hồn
ta vẫn phải có nhau
mà cô độc
hai tầng đời riêng biệt
hồn đắm chìm ban mai tinh khiết
xác lê la ngập ngụa dòng đời
hồn là tôi, xác cũng là tôi
dẫu linh hồn chối từ thân xác
có ai yêu tôi
cả xác với hồn?
có tôi
có tôi
có tôi…
ĐÁY MỘNG
Rất nhiều giấc mơ, tỉnh dậy là quên. Nhưng giấc mơ này thì găm vào tôi mãi mãi…
cơn ác mộng đã qua
bóng tối đã bị đẩy lùi vào khu vườn ánh sáng
lắng nghe hơi thở anh mong manh
tất cả những ngọn đèn sẽ được thắp hết đêm
trên những chuyến tàu chờ đầy tội phạm
qua những trại giam những hố chôn những lò thiêu hoàn vũ
con tàu hối hả nghiến xuống đường ray tóe máu
em cũng hối hả đi đỡ đẻ cho đàn bướm mới sinh
em chìa cho anh lưỡi gươm tuốt trần
kẻ thù chìm trong biển người thân thiết
cánh bướm nở ra gương mặt tử thần
anh kiêu hãnh khoét sâu vết thương trên ngực
tình yêu ư? đừng hoài công kiếm tìm!
anh ở đâu? anh ở đâu? tiếng em hú hoang đêm
anh vẫn ngủ nguyên lành bên em run rẩy
lá màn trắng rung rinh chạm vào em thật gần
kinh hoàng nhìn những sự thật đáy mộng
cái sự thật sẽ phơi trần chúng ta khi mặt trời lên
![]() |
NGƯỜI HÁT
thức dậy rượu đêm thắp nến,
uống - tiếng - hát - em…
bài thánh ca…
giọng nữ đồng trinh
em hát, cho loài người còn mãi khát vọng
em hát, cho trái đất mong manh còn mãi đức tin không bằng cớ
em hát, cho bừng nở nỗi buồn cái đẹp – con nợ…
cho tình yêu vô vị lợi
những tia nắng hào phóng
những giọt mưa thanh tẩy
những luồng gió tinh khôi
cho mỗi sương mai tái sinh một nhành hoa một cọng cỏ một con kiến
cho tháng ngày hấp hối tuyệt vọng kiếm tìm
cho gội rửa nghi ngờ cay đắng nhờn tởm vấy bẩn kiếp người
cho sự sống thét gào trên nấm oan mồ
cho cái chết cứng khô đóng đanh mặt mày chiến tranh
cho rực rỡ rừng, cho hoan ca đất, cho hả hê sóng
cho sụt – lở, cho réo – sôi, cho tung – hê, cho nổi – loạn…
bầm môi giọng đẹp
hát đi em,
thiên thần đến muộn
tia nắng sót lại giấc mộng ban chiều
và âm nhạc lời thánh
ngân rung ngọn nến
bất tử
NHÀ MÌNH
ánh lửa hồng má người nhóm lửa, xao xuyến ngày Đông thứ nhất,
người chồng trở về nhà, mang theo hơi lạnh thung lũng núi thiêng.
căn nhà gỗ sực nức mùi thơm trà gừng, ong rừng cho mật,
người vợ ngẩng lên, chìa má đỏ nóng bỏng, đòi hôn...
hạnh phúc nhỏ nhoi đến từ bóng tối hỗn mang, nỗi đau chôn kín của anh và em, của bố mẹ tổ tiên...
niềm vui giản đơn bên bếp lửa gia đình, thắp lên từ triệu triệu kiếp trước,
bữa tối, và những câu chuyện cổ, khép lại một ngày ngọt ngào thấm mệt,
bay vào giấc mơ chúng mình, lời ca dao buồn vui mưa nắng tái sinh...
này anh,
chẳng nơi đâu ấm bằng NHÀ MÌNH...
MẸ DẠY ANH CẦM KIM KHÂU
em bắt gặp anh ngồi khâu gấu quần,
mũi chỉ to cồ cộ.
chiếc kim nhỏ trượt khỏi hai ngón tay đàn ông vụng về may vá
anh ngẩng lên cười: “mẹ dạy anh cầm kim khâu, ngày bé
mẹ dạy anh đắp những miếng vá…”
(hihi… Có thể em là “miếng vá”... đời anh?)
em bắt gặp anh ngồi đơm lại cúc áo
chiếc áo len mẹ đan cho anh thời trẻ
len lông cừu chưa bao giờ rẻ
mẹ tiết kiệm lương cha hàng tuần
anh tự hào: “Mẹ dạy anh biết tự chăm sóc mình”.
mẹ dạy anh nâng niu giữ gìn đồ đạc
mẹ dạy anh dùng giầy đến khi rách
mẹ dạy anh chỉ cần sắm dăm ba bộ quần áo thật tốt
thoải mái phù hợp trong từng sự kiện.
mẹ dạy anh không lãng phí
không để lại thức ăn thừa trong đĩa.
không chờ đợi ai rửa bát dĩa của mình.
mẹ còn dạy anh nghiền khoai tây, làm nước sốt, dọn bếp sau nấu ăn
và uống rượu nhảy múa say sưa hết mình dịp lễ hội…
mẹ dạy anh yêu lao động từ sáng đến tối
mẹ dạy anh luôn có lòng xót thương
mẹ dạy anh không gian dối tham lam
đặc biệt, mẹ dạy anh biết tôn trọng người khác ý kiến
mẹ dạy anh nắn nót ký tên lên giấy
thủa anh bi bô tập viết tên mình
trải bao lầm lỗi thăng trầm
chữ ký của anh chưa bao giờ thay đổi
quanh em luôn tươi nguyên “chữ ký” của mẹ.
trong ánh mắt anh, chú bé con tinh nghịch dịu hiền
trong cách anh khiến em khóc em cười,
trong cách anh đáp lời cuộc sống…
em, nàng dâu may mắn.
mẹ dạy em như dạy con gái:
“các con hãy lo cho mình, mẹ lo cho mẹ”
“đời không cho hoa thì ta ngắm lá “
“never mind”
ơn Mẹ của chúng mình
yêu Mẹ trong Anh
NGƯỜI ĐÀN ÔNG HUÝT SÁO
anh, người đàn ông tóc bắt đầu ngả bạc
tay trong tay em, mắt ngước nhìn hoa lá vào thu
anh tìm thơm hương rừng?
anh lắng tiếng chim gù?
bỗng vút cao tiếng sáo…
bài thánh ca…
mẹ ru…
anh, người nông dân vừa làm vườn vừa huýt sáo
đất tơi ra từ ngón tay ấm nắng sứt sẹo
từng đàn chim sà xuống mổ sâu
hót lên giai điệu tự nhiên
anh, người thợ mộc vừa đóng bàn ghế vừa huýt sáo
những phoi bào reo vui nhảy múa…
anh, người kỹ sư vừa dựng nhà, sơn tường, vừa huýt sáo
hai trái tim yêu một túp lều…
anh, người viết thơ tình, vừa rửa bát vừa huýt sáo
giật mình cười với vòng ôm sau lưng
anh, người chồng vừa tắm tiên vừa huýt sáo
gọi người vợ tắm cùng…
anh vừa gieo hạt vừa huýt sáo…
anh vừa đổ rác vừa huýt sáo…
anh vừa tìm kính lão vừa huýt sáo…
anh vừa giặt đồ lót của vợ vừa huýt sáo…
ơi người đàn ông cùng em phượt qua trùng trùng gập ghềnh bão tố,
mẹ bảo anh giống bố.
“con đừng lo, vợ chồng con sẽ ổn”
“sao mẹ biết?”
“vì mẹ được nghe tiếng bố huýt sáo suốt đời”
PHƯỢT CÙNG EM
phượt đi anh,
phượt cùng em!
trên chiếc xe ba bánh màu hoàng thổ
đam mê khám phá dại khờ
đại lộ thẳng băng đường rừng quanh co
gập ghềnh đá mù mịt bụi đỏ
vực sâu cheo leo bùn lầy nghẽn tắc
và nước toé lên từ những dòng sông nhỏ
phượt đi anh,
phượt cùng em!
chào những chú cừu lọt lòng mẹ kêu váng cánh đồng
chào những ruộng nho đỏ, lúa mỳ nâu, hướng dương vàng,
chào biển xanh, núi xanh, làng quê xanh xanh
và nụ cười người nông dân thiện lành…
phượt đi anh
phượt cùng em!
đón cái nóng cháy da cái lạnh thấu xương
đón cạm bẫy đường trường…
chúng ta lắng nghe thiên nhiên
chúng ta lướt gào cùng gió
chúng ta say khướt bạn bè
chúng ta khóc cười mê ngộ
phượt đi anh,
trái tim dũng cảm
phượt đi anh,
lòng đất mẹ nâng
lướt trên những khổ nhục đau buồn
nắm chặt tay dò đường hầm tối
chiến thắng cơn giận dữ bất lường
dìu nhau qua ngã rẽ tuyệt vọng…
phượt đi anh,
phía trước là tự do
phượt đi anh,
trên đầu mặt trời đỏ
phượt đi anh,
khoảnh khắc này bất tử.
phượt đi anh,
đừng sợ!
phượt cùng em…
DƯỚI TRỜI HEALESVILLE SÁNG TRẮNG
bước đi dưới ánh mặt trời
thẳng lưng hứng nắng sáng chói
hàng cây sương giá ấm dần
tay nhỏ ủ trong tay lớn
mặt trời hào phóng chiếu nắng
lên môi ngọn cỏ ngậm sương
dưới trời Healesville sáng trắng
rỡ ràng thảm cỏ kim cương
anh bỗng cất lên tiếng hát
“walking in the sunshine
feeling the heart smile” (*)
trái tim nói lời linh thiện
em bỗng thấy một đôi vịt
há mỏ hớp tia nắng vàng
vợ chồng vịt thấy chúng mình
giật mình cùng nhau vỗ cánh
cùng hưởng chung nguồn nắng sáng
hoan lạc buồn đau cõi đời
trái tim truyền dòng máu ấm
Mặt Trời yêu vạn vật rong chơi.
Nghĩa tiếng Việt: "Bước đi trong ánh mặt trời/ Cảm thấy trái tim mỉm cười"
Những nữ nhà văn, nhà thơ nổi bật của Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh
Họ là những người phụ nữ sẵn sàng hy sinh thầm lặng, đặt hạnh phúc của mình sang một bên để ra chiến tuyến.