Biết Giáng Vân đã lâu - từ hồi chị rời chân phóng viên/biên tập viên, sau 7 năm phụ trách Đài Phát thanh Sông Đà trên Công trình Thủy điện Hòa Bình, về Hà Nội đầu quân cho Báo Phụ nữ Thủ đô và cần mẫn làm việc tại đây những 25 năm.
Nghề báo vốn dĩ khá vất vả, ngay cả với cánh nam giới, nhưng Giáng Vân với vóc dáng nhỏ nhắn, lại rất chịu khó đi, để khám phá các đề tài. Nhưng đâu chỉ có vậy, Giáng Vân còn âm thầm sáng tác thơ, nổi tiếng với loạt tác phẩm thơ được đông đảo công chúng đón nhận, nổi bật nhất là “Yên tĩnh” và “Mơ xưa” - đã được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc. Rồi, vèo một cái, sự quyến rũ của sắc - hình trong lĩnh vực hội họa đã cuốn hút chị.
Nữ thi sĩ/họa sĩ Giáng Vân bên các tác phẩm trong triển lãm “Đi”: Bên phải là “Chân dung nhà thơ Trần Dần”, bên trái là “Tự họa” của tác giả. Ảnh: L.Q.V |
Tuy đến với hội họa khá muộn, nhưng Giáng Vân lại có cơ hội tiếp xúc với nghệ thuật thị giác từ sớm - từ việc yêu thích và kết bạn với nhiều nghệ sĩ tạo hình, làm biên tập viên và viết cho trang mỹ thuật của vài tờ báo, rồi sau đó, lập một art gallery và điều hành kiêm giám tuyển, kiêm truyền thông cho Trung tâm Nghệ thuật đương đại Heritage Space. Sự bén duyên với cây cọ thực sự chỉ từ năm 2017, sau khi Giáng Vân cùng bạn bè mở một lớp vẽ tại nhà, mà thầy dạy là nghệ sĩ đương đại Nguyễn Văn Phúc. “Vì thế, việc cầm cọ với tôi dù muộn, nhưng giống như trở về ngôi nhà của chính mình vậy” - Giáng Vân cho hay.
Chị đã thận trọng đi từng bước một - từ việc bày mẫu để vẽ, đi thực địa, vẽ phong cảnh… cho đến thoát khỏi mẫu để vẽ cái mình thấy, từ thử nghiệm mọi chất liệu cho đến phát hiện chất liệu phù hợp với mình. Đó là một hành trình thú vị, nhưng không dễ dàng. Và rồi, sự mẫn cảm trong trực giác, cảm quan về màu, hình, bố cục đã dẫn dắt Vân đi tới việc hình thành những bức tranh.
“Chân dung nhà văn Đỗ Hoàng Diệu” - tranh của Giáng Vân. Ảnh: L.Q.V |
Cứ như thế, Vân say sưa vẽ, và tới đầu năm 2018, đã mạnh dạn mở triển lãm cá nhân đầu tiên, khiến bạn bè không khỏi ngỡ ngàng. Với “Đi”, là triển lãm cá nhân lần thứ 6 của chị, tại V-Art Space - một không gian nghệ thuật kết hợp với mô hình giáo dục dưới hình thức sinh hoạt câu lạc bộ, nhằm kết nối cộng đồng yêu nghệ thuật, với tôn chỉ “Nghệ thuật là trên hết”, ở tầng 1, Ciputra Club, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội).
Hẳn nhiều người sẽ ngạc nhiên vì sự dày đặc của số lần triển lãm ở một người có độ tuổi không còn trẻ như Vân, và đặt câu hỏi: “Đi”, tựa đề cho triển lãm này là gì?”.
Hãy nghe Giáng Vân chia sẻ: “Là TÔI, đang trong hành trình, hành trình của riêng tôi trong hội họa. Đang “Đi” nghĩa là đang vẽ, đang sống, đang trải nghiệm đời sống, với những cung bậc buồn vui của đời người được biểu đạt bằng màu, bằng hình, bằng bố cục.
Một góc triển lãm “Đi”. Ảnh: L.Q.V |
“Đi” không hướng đến một cái đích cụ thể nào. Bản thân “Đi” mới chính là mục đích trong nghệ thuật của tôi. Bằng sự “Đi” để tôi tìm ra tôi. Cái "tôi" đó cũng biến đổi theo thời gian, theo trải nghiệm, theo sự thay đổi của tư duy, của mỹ cảm của riêng.
Tôi không nhắm cho mình một đích đến cụ thể nào. Màu sắc, tư duy, mỹ cảm…đều được biểu hiện bằng tác phẩm. Vì thế, tác phẩm chính là tâm hồn tôi, là cái quãng sống, là nội tâm của tôi mà bạn có thể nhìn thấy…”.
Nữ thi sĩ/họa sĩ Giáng Vân cũng tâm sự: “Thời trẻ, tôi viết thơ theo lối truyền thống, nhịp điệu vần vèo chuẩn chỉ, nhưng ngay lúc ấy, tôi như đã cảm thấy đó không phải là mình. Và tôi đã bứt ra để viết thơ tự do. Nhưng, việc bứt phá bằng ngôn ngữ với tôi có vẻ dễ dàng hơn nhiều so với việc vẽ thoát khỏi mẫu.
Chùm 4 tranh của Giáng Vân về thiên nhiên, cây, hoa. Ảnh: L.Q.V |
Thử nghiệm với chất liệu, trong kinh nghiệm ít ỏi của tôi, là một điều quan trọng. Ví dụ, tôi vẽ cả sơn dầu, màu nước và acrylic và cuối cùng phát hiện mình hợp acrylic. Chất liệu này hợp lối vẽ nhanh và nhiều cảm xúc của tôi. Trong thời gian dịch COVID bùng nổ, do không thể đến xưởng vẽ, mà ở nhà chỉ có mực tàu và giấy dó cùng vài hộp màu acrylic, nên tôi đã làm việc với các chất liệu này.
Và điều tuyệt vời đã đến tình cờ: Tôi đã vượt thoát khỏi mọi mẫu thực một cách ngoạn mục. Tôi đã vẽ cảm giác của mình về thành phố, về những giấc mơ và các dự cảm, về bóng của những bông hoa, về những khoảng mờ của cảm xúc, bằng mực tàu trên giấy dó. Trên chất liệu giấy dó cổ xưa đó, tôi đã vẽ những bức siêu thực đầu tiên của mình. Các bức tranh này đã chiếm 50% trong triển lãm “VÂN-2021” ở Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền (HN)”.
Triển lãm “Đi” thu hút người yêu mỹ thuật. Ảnh: L.Q.V |
Như một người say tình, Giáng Vân đã liên tục triển lãm cá nhân, trong đó có một triển lãm xinh xắn: “Đời gốm” tại Chau & CO Art gallery năm 2022, với các tác phẩm vẽ màu trên gốm - rất tự do, và vẽ gốm trên toan - rất nghiêm ngắn. Ở “Đời gốm”, dường như Vân đã kết hợp được giữa diễn tả vẻ đẹp của mẫu thực và đặt nó vào không gian siêu thực của tranh, như nhiều người đã nhận xét, là “khí quyển của gốm”. Còn trong triển lãm "VÂN-2023", lại là sự trình làng loạt tranh trừu tượng khổ lớn, vẽ thế giới phức điệu, bí ẩn, thông qua những cây, những rừng, những mùa quả và mặt trời.
Triển lãm “Đi” trưng bày 40 tác phẩm mới nhất của họa sĩ, thể hiện trên những chất liệu: Acrylic trên toan, mực Tàu và acrylic trên giấy dó. Dòng chủ đạo là mảng tranh trừu tượng và trừu tượng biểu hiện. Phần nhiều sử dụng chất liệu mực tàu và Acrylic trên giấy dó, và đây cũng là cuộc trình làng loạt tranh vẽ theo style hoàn toàn mới của họa sĩ.
Mảng thứ hai là tranh chân dung các người bạn, những nghệ sĩ và những người thân - những người chị hằng yêu mến và thấu hiểu. Trong cách biểu đạt, Giáng Vân không thiên tả thực, mà chú trọng thể hiện thần thái, cá tính nhân vật, nên các chân dung rất sống động. Hầu hết các chân dung đều được vẽ trên dó. Nhưng, theo Vân “vẽ trên dó thì không có cơ hội sửa, nên cũng là một thách thức không nhỏ. Vẽ trên dó vừa phóng khoáng, nhưng cũng đòi hỏi sự tiết chế và chính xác của các nét vẽ”.
Mảng thứ ba trong “Đi” là tĩnh vật, cũng không ở dạng tả thực, mà đậm đặc những vẩy màu và các điểm nhấn được vẽ để tạo nhịp điệu, tạo ra sự dằng dịt và các chiều của năng lượng và cảm xúc. Dễ thấy nét đặc trưng trong những bức tĩnh vật của Vân là chất cảm đậm đặc, tính nữ và sự duyên dáng cùng nhiều sự ngẫu hứng.
Triển lãm “Đi” đã được khai mạc vào chiều 20.5 và kéo dài tới ngày 20.6.2024. Cùng với hoạt động triển lãm, khán giả còn có cơ hội giao lưu với họa sĩ Giáng Vân và các nhà phê bình hội họa để hiểu hơn về phong cách hội họa của nữ nghệ sĩ. Khách tham quan còn có thể trải nghiệm và khám phá hội họa qua những workshop được tổ chức thường xuyên tại V-Art Space.
Màn "lột xác" gói gọn trong 4 ngày của Lương Bích Hữu
Lương Bích Hữu vẫn đang nỗ lực để giảm cân.