Người ta chửi tục tĩu ở khắp nơi, từ nhà ra phố, từ ga xe bus cho đến phi trường, từ hàng quán cho đến ngập tràn mạng xã hội… Người ta chửi tục tĩu bất kể tuổi tác và nghề nghiệp, bất kể địa vị và không gian…
Vui người ta chửi, buồn người ta cũng chửi, bức xúc người ta chửi, chưa thỏa mãn người ta cũng chửi, ghét người ta chửi, yêu người ta cũng chửi, thậm chí có những nơi người ta còn trả tiền để vừa ăn vừa nghe chửi mới kinh, người dốt chửi mà người tự cho mình thông minh hơn người lại chửi càng kinh…
(Ảnh minh họa: kindpng). |
Cách chửi thì thiên biến vạn hóa. Mát mẻ thì chửi thề vài câu cho xôm tụ, chửi xiên chửi xéo, chửi đổng cho sướng miệng… Nóng quá thì chửi tục tĩu, chửi nguyền rủa, chửi bạo liệt, chửi độc địa, chửi cay nghiệt, chửi xỉ nhục cho người bị chửi cảm thấy nhục nhã, ê chề, khốn khổ mà chết thì họ hả hê, vui mừng, sung sướng… chửi theo đám đông như bão táp sa mạc, chửi theo bầy đàn như ruồi nhặng thấy mắm tôm, chửi cho hợp thời, chửi để thể hiện đẳng cấp và trí tuệ… Chửi một mình không sướng, chửi nạn nhân chưa đủ, họ còn chửi cả những người không hùa vào chửi chung với họ, họ chửi bất cứ người nào lỡ có một lời tử tế xót thương…
Khi có một sự kiện xã hội xảy ra, thay vì dùng kiến thức, tư duy và nếp ứng xử văn hóa để phân tích đúng – sai, để thấu trước – hiểu sau, để thông tình đạt lý rồi mới thể hiện ý kiến bản thân thì đám đông như cơn sóng cuồng nộ dùng những lời lẽ tục tĩu nhất, gây đau đớn tổn thương nhất để rủa xả, mạt sát mà không cần biết đúng hay sai, không cần biết nạn nhân sẽ tổn thương, đau đớn đến mức nào, họ không quan tâm đến hậu quả phải chăng vì cái tôi quá lớn trong những cái đầu rỗng mê muội.
Họ chửi để thể hiện quan điểm cá nhân đầy phiến diện và ích kỷ của mình chỉ đơn giản bởi họ không có khả năng tư duy văn hóa hơn thế, không có khả năng viết ra những câu chữ tử tế hơn thế. Nếu được hỏi người Việt làm cái gì giỏi nhất, tôi sẽ trả lời, họ chỉ trích, họ phê phán, họ chửi giỏi nhất. Với sự hỗ trợ của mạng xã hội, khi ai cũng có thể đưa ra chính kiến của mình chỉ cần sau vài cái gõ phím, họ chửi nhanh như chớp, thậm chí không cần đọc nội dung, chỉ cần đọc tiêu đề là nhảy vào chửi.
Trong cuốn “Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam” của Trần Ngọc Thêm có đoạn: “Với lối chửi có vần điệu, có cấu trúc chặt chẽ, người Việt Nam có thể chửi từ giờ này qua giờ khác, ngày này qua ngày khác mà không hề nhàm chán. Đó là một nghệ thuật độc nhất vô nhị mà không một dân tộc nào trên thế giới có được”.
Riêng tôi, tôi không thể tin cũng không thể chấp nhận cái sự chửi được coi là nghệ thuật hay “văn hóa chửi”. Nếu chửi mà được coi là văn hóa dân tộc thì không thể dùng từ gì khác dễ nghe hơn rằng đó là một dân tộc không có khái niệm về văn hóa và văn minh.
Lời nói con người có sức sát thương không kém gươm đao súng đạn, mà có phần còn day dứt đau đớn hơn nên nếu bạn là người chửi, xin đừng nghĩ rằng “lời chửi gió bay”, đúng là lời chửi thì gió bay mà nó như mũi tên tẩm độc bay đi và ghim thẳng vào thân tâm nhiều người trong nỗi hả hê đến vô tâm bạc nghĩa.
Chúng ta vốn vẫn tự hào về dân tộc Việt với lịch sử 4000 năm văn hiến, vậy xin đừng để lịch sử nền văn hiến ấy chết chìm trong sự tục tĩu và sự khinh bỉ của nhân loại văn minh. Đừng để con dân Việt khi nhắc đến nguồn gốc mình mà phải cúi đầu xấu hổ. Nếu bạn không thể nói được điều gì tử tế thì xin hãy im lặng!
Học Đất để làm Người: sức mạnh của sự khiêm nhường
Tất cả mọi thứ trên thế gian này liệu có gì khiêm nhường hơn đất. Vậy sao ta không học Đất để làm Người ?