Muốn biết cuộc sống đắt đỏ như thế nào, hãy hỏi người có gia đình. Bởi suy cho cùng, nếu chưa kết hôn và sinh con thì áp lực tài chính của bạn sẽ nhẹ nhàng hơn nhiều. Chứ đã bước vào công cuộc nuôi dạy con cái, bạn sẽ cần cân đo đong đếm từng đồng tiền lương, để vừa đủ chi tiêu cho bản thân mà còn chăm sóc tốt các con nhỏ.
Vợ chồng lương 20 triệu chăm khéo gia đình 6 người
Mới đây, trong một hội nhóm trên mạng xã hội, bảng chi tiêu của cặp đôi cho gia đình 6 người (2 vợ chồng và 4 con) khiến nhiều người nể phục. Cả hai đều chi tiêu tiết kiệm, không mua sắm quá đà hay ăn chơi quá trớn, thế nên tổng chi phí cả tháng của gia đình vỏn vẹn khoảng 20 triệu.
Cụ thể, tổng chi tiêu trong 1 tháng điển hình của gia đình này như sau:
- Ăn sáng: 1,5 triệu
- Tiền mạng: 374 ngàn.
- Tiền sữa: 1,2 triệu.
- Tiền điện nước: 2 triệu,
- Tiền phụ mẹ và mua gạo: 4 triệu.
- Tiền xăng xe: 1,5 triệu.
- Tiền học của 4 con: 6,080 triệu
- Phát sinh: 2 triệu.
Như vậy, trung bình 1 tháng vợ chồng sẽ tiêu khoảng 18,654 triệu. Được biết, trừ bữa sáng thì tiền ăn của gia đình được mẹ chồng lo. Cặp đôi sống ở vùng ngoại thành Hà Nội, không phải lo tiền thuê nhà.
Gia đình có 6 thành viên chỉ tiêu khoảng 20 triệu/tháng |
Người vợ chia sẻ: “Tháng nào cầm tiền cũng đau đầu vì không rút gọn được khoản nào cả”. Chia sẻ bảng chi tiêu này, chị vợ muốn xin tư vấn xem có “vén” thêm được khoản tiền nào hay không.
Tuy nhiên, ở dưới phần bình luận, nhiều người cùng chung nhận định, gia đình 6 người chi tiêu như vậy là tiết kiệm rồi. Nếu cặp đôi muốn chi tiêu thoải mái hơn, dành được nhiều thứ tốt hơn cho con thì họ phải nỗ lực gia tăng thu nhập, chứ không nên tìm cách giảm chi. Ngoài ra, nhiều người nhận định, dù có muốn tiết kiệm như thế nào thì cũng không nên cắt giảm những khoản chi cần thiết như tiền ăn, tiền học của con.
Một số bình luận bên dưới bài đăng:
- Như thế này là xuất sắc rồi. Chứ gia đình bạn 4 con mà muốn bóp nữa thì cũng không biết bóp sao. Hên là có nội lo hoản tiền ăn chứ không là oải lắm, đi chợ tiết kiệm lắm ngày cũng 300 ngàn, chưa tính tiền ăn sáng.
- 6 người nhiêu đây là quá giỏi rồi. Mình 2 người mà tiêu 13 - 15 triệu/ tháng.
- Hai vợ chồng bốn đứa con thì tiêu vậy là ok quá rồi chị ơi, ráng tăng thu nhập thôi chứ không bóp được nổi đâu. Mà tăng như thế nào thì em cũng đang loay hoay như chị, chả biết kiếm gì làm thêm.
- Chị tiêu vậy là chỉ tiêu cho nhu cầu tối thiểu rồi ạ. Giờ chỉ kiếm thêm thu nhập nữa thôi chứ không bóp được. Em thấy còn chưa có cả hiếu hỉ, quần áo giày dép nữa. Chúc anh chị chân cứng đá mềm, tăng thu nhập ạ.
Gia đình đang nuôi con, muốn tiết kiệm thì nên cắt khoản nào?
Nhìn lại bảng chi tiêu của gia đình trên, không khó để thấy họ đã chi tiêu tiết kiệm, cắt bỏ nhiều nhu cầu lãng phí để mua sắm ở mức tối thiểu. Với những gia đình đang nuôi con, nếu muốn tiết kiệm thì bạn có thể tham khảo những lưu ý dưới đây:
1. Nấu ăn tại nhà
Thật may mắn nếu gia đình bạn cũng ở gần ông bà, như thế có thể tiết kiệm được tiền mua thực phẩm, thời gian và công sức nấu nướng. Tuy nhiên, nếu gia đình bạn sống tách riêng thì thay vì mua đồ ăn ngoài tốn kém, hãy cố gắng dành thời gian ở nhà nấu nướng. Chỉ một thời gian ngắn, bạn sẽ thấy cả tình hình tài chính mà cả sức khỏe của gia đình cũng được cải thiện.
2. Mua sắm tối giản
Bạn chỉ nên mua đồ dùng cần thiết và chất lượng, vừa đúng với nhu cầu chi tiêu. Ngoài việc tiết kiệm tiền, chúng còn giúp bạn tiết kiệm thời gian. Nếu không sống tối giản, hạn chế mua sắm linh tinh, chắc chắn bạn không thể để dành tiền cho những nhu cầu quan trọng khác.
Ảnh minh hoạ |
3. Không được lơ là sức khỏe
Tiết kiệm, tối ưu chi tiêu chưa bao giờ đồng nghĩa với việc bỏ bê bản thân. Vài đồng để dành thêm được ấy có khi không đủ tạm ứng viện phí nếu chẳng may ốm đau, bệnh tật. Thế nên, muốn tiết kiệm đến mấy cũng phải đầu tư chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là với gia đình có con nhỏ.
4. Hạn chế ăn nhậu, tụ tập bạn bè
Một bữa ăn hàng có thể bằng tiền ăn của cả gia đình trong vòng 1 tuần, thậm chí nửa tháng. Muốn tiết kiệm nhưng mà lại ham vui, kèo tụ tập nào cũng có mặt, thì kế hoạch tiết kiệm chẳng mấy chốc công cốc.
Nhưng cũng đừng đánh đồng việc hạn chế tụ tập bạn bè với việc không bao giờ giao lưu, duy trì các mối quan hệ xã hội. Vấn đề chỉ là bạn cần chọn lọc, xem đâu là mối quan hệ đủ gắn kết, đủ thân thiết để mình dành thời gian và công sức cho chúng.
Tôi U55, có 3 tỷ tiết kiệm nhưng các con đều ra điều kiện khó chấp nhận để đón mẹ đến sống cùng
Mẹ con tôi không tìm được tiếng nói chung.