Câu chuyện thứ nhất
Tốt nghiệp trung cấp kế toán, Nguyễn Thị Hoa không xin được công việc ở Hà Nội theo ý muốn. Phải mưu sinh, Hoa tạm thời xin bán hàng tại các cửa hàng bán ô mai, sấu hoặc vài chỗ khác. Thu nhập rất thấp với chi phí ở Hà Nội lại đắt đỏ, khó mà ở lại thành phố được.
Vài lần chị thưa với người chú trẻ tuổi rằng, cháu giờ chưa biết làm gì, muốn đi buôn nhưng mà không có vốn. Một lần chị cũng xin nghỉ việc từ Hà Nội về quê miền Trung nắng gió với khoảng một triệu đồng và chưa biết sẽ làm gì. Người chú bàn rằng: Nhiều người lấy hàng sỉ từ đầu mối và bán lẻ ở các nơi khác cần.
Một hôm chị cùng người chú đi lên tận trung tâm thương mại gần biên giới Việt - Lào để mua hàng xuống thành phố bán, nhưng mua thì tiền không có nhiều, chỉ còn mấy trăm nghìn đồng. Vậy là “cái khó lại ló cái khôn” hai chú cháu chỉ mua vài thứ với số tiền ít ỏi, đồng thời các mặt hàng khác đều xin chụp ảnh lại (bằng điện thoại của người chú, Hoa không có điện thoại chụp ảnh được) để về cho khách hàng lựa chọn qua hình ảnh.
Với sự chịu khó của mình, chị Hoa đi bán các chai dầu gội và mỹ phẩm với giá rẻ cho các tiệm gội đầu, tiệm làm đẹp,... Ai mua gì thì lấy bán cái đó, không mua thì để họ dùng thử và tính tiền sau. Cứ như vậy, mặc dù nhiều người chưa quen trả lại hoặc từ chối rất nhiều, nhưng doanh số ngày một tăng.
Sau khoảng ba, bốn tháng thì khách đặt hàng nhiều, chị phải thuê sinh viên để phụ việc giao hàng hóa. Có chút vốn thì sang lại cửa hàng lưu niệm, làm túi tự may, gối và các sản phẩm handmade, mở rộng ra kinh doanh quần áo, khăn... Từ đó Hoa đã có thu nhập mà trước đó chỉ một năm chị chưa bao giờ nghĩ tới.
Câu chuyện thứ hai
Chị Nguyễn Thị Thanh Huyền tốt nghiệp đại học ngành tài chính - kế toán của một trường ở Hà Nội, nhưng lại có sở thích là may vá. Chị không ở lại Hà Nội như bao bạn khác mà về quê Hà Tĩnh lấy chồng lập nghiệp. Từ nhận may đo theo nhu cầu khách hàng cá nhân, chị có các mẫu váy áo độc đáo do tự mình thiết kế, được nhiều người tìm đến đặt may theo số đo của mình.
Tin lành đồn xa, chị may không hết nên thuê thêm thợ may, chị chỉ đảm nhận thiết kế và cắt. Công việc đi dần vào ổn định. Nhưng, nếu như cứ vậy mà khách đông thì cũng không làm được nhiều, chị không dừng ở đó, chị bắt đầu may đồng loạt các mẫu đẹp nhất do mình thiết kế bỏ mối cho các shop quần áo bán lẻ, với số lượng lớn hơn và chị bắt đầu mở rộng sản xuất.
Công việc sản xuất theo dây chuyền cho chị sự khởi đầu thành công với chi phí ban đầu chỉ là với vốn kiến thức, chịu khó học hỏi, đam mê và một chiếc máy khâu.
Câu chuyện thứ ba
Đó là anh đồng nghiệp của người viết. Trong khi người viết đi làm trợ lý cho tập đoàn nước ngoài thì anh Đoàn Tiến Dũng lại xây dựng cho mình một trang website riêng về giới thiệu bất động sản. Từ khi nghỉ việc làm ở một tập đoàn thì anh về tự làm môi giới bất động sản với trang website và một số mối khách hàng cũ.
Sau vài tháng bấp bênh, rồi cũng ổn với mỗi tháng bán được một đến hai căn nhà chung cư, anh bàn với vợ nghỉ hẳn bên tập đoàn (hai vợ chồng anh Dũng làm chung một tập đoàn) tự làm riêng, từ đó doanh số cũng ổn định và đi lên. Khi đó anh chị bắt đầu tuyển thêm nhân viên và đào tạo để xây dựng công ty vững mạnh. Sau sáu năm thì nay công ty đã có hai chi nhánh với doanh số hàng tỷ đồng/tháng.
Qua các trường hợp trên cho thấy, những con người ấy đều có những quyết tâm nỗ lực tột bậc để vươn lên trong cuộc sống và đã thành công bước đầu. Mục đích người viết chia sẻ trường hợp của họ, hy vọng giúp người đọc có thể tham khảo thêm và tạo thêm động lực khởi nghiệp.
(Tên nhân vật trong bài viết đã được thay đổi)
Lâm Thị Thúy Hà và câu chuyện bán nhà để khởi nghiệp Triip.me
Là một diễn giả chính của Tọa đàm “Doanh nhân trẻ và khát vọng toàn cầu”, Thúy Hà trải lòng về những sóng gió trong 5 năm đầu sáng lập Triip.me.