Những điều tôi ước mình biết trước khi đi du học là một đúc kết từ những trải nghiệm của Chi, chúng tôi sẽ đăng làm hai kỳ, với các bạn trẻ đang muốn du học và những người làm cha mẹ đang lo âu về việc con cái du học, chúng tôi tin bài viết này rất cần thiết.
Tôi bắt đầu con đường du học của mình năm 24 tuổi - cái tuổi tương đối chín chắn so với mặt bằng chung các bạn trẻ du học bây giờ. Cộng với bề dày kinh nghiệm tham gia các chương trình trao đổi sinh viên, thực tập ở nước ngoài, và giao lưu với bạn bè quốc tế, tôi nghĩ mình sẽ không gặp quá nhiều bỡ ngỡ. Vậy mà quá trình du học, đặc biệt là ở năm đầu tiên, đã khiến cho tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.
Nguyễn Phương Chi hiện đang học tiến sĩ tại Mỹ |
Có những chuyện trước khi đi tôi nghĩ là không đáng ngại lại hóa ra thành trở ngại lớn, có những chuyện tôi lo lắng đến mất ăn mất ngủ hóa ra lại chỉ là bình thường. Trải qua giai đoạn khó khăn ban đầu, đôi khi tôi thầm nghĩ đối với một người đã trưởng thành, có nhiều kinh nghiệm, và chịu khó quan sát như mình mà vẫn còn bỡ ngỡ thì những em nhỏ hơn, sang nước ngoài từ những năm 15-16 tuổi để học phổ thông hay từ những năm 18 tuổi để học đại học thì sẽ như thế nào? Lại còn có cả những gia đình mang theo con nhỏ, các thành viên sẽ hòa nhập với cuộc sống mới ra sao?
Những suy nghĩ ban đầu này là động lực để tôi thực hiện bài viết này về những điều tôi ước mình biết trước khi đi du học. Hy vọng những chia sẻ ngắn gọn này sẽ giúp cho những ai đang dự tính hoặc đã chuẩn bị du học/sống ở nước ngoài sẽ có thêm một góc nhìn mới.
Những điều tôi ước mình biết trước khi đi du học
1. Khoảng cách văn hóa là rất lớn
Tôi biết bạn đang nghĩ gì - chuyển sang ở một đất nước xa lạ thì đương nhiên là phải có khác biệt văn hóa, có gì đâu để mà bất ngờ. Nhưng thực sự, đối với một người quen với văn hóa phương Tây, có rất nhiều bạn bè (thậm chí cả bạn trai) là người Mỹ, khi sang đến nơi, tôi vẫn cảm thấy hụt hẫng vì văn hóa khác biệt - một điều mà trước khi đi, tôi chưa từng nghĩ đến.
“Trong quá trình sống, học tập, và nghiên cứu, tôi thấy những điều mình học được từ cuộc sống có giá trị rất lớn, thậm chí lớn hơn những điều nhận được qua sách vở. Có những điều rất hay tôi được học trên giảng đường, nhưng phải qua trải nghiệm tôi mới thật sự thấm thía và hiểu được các ý nghĩa sâu sắc của nó. Tôi luôn muốn được sống, trải nghiệm, viết, và chia sẻ với mọi người”.
Sự khác biệt đến từ những thứ rất đơn giản như cách người ta hỏi: “How are you?” (Bạn thế nào?) một cách xã giao mà không đợi câu trả lời rồi lướt qua mình đi thẳng, đến những thứ phức tạp đa chiều hơn như cách một số người không quan tâm đến bạn là ai, cứ thấy châu Á là chỉ quy cho là Trung Quốc, rồi những câu nói, những hành động vô tâm đến mức gây ức chế hàng ngày (microaggression).
Năm đầu tiên tại Mỹ, tôi nhận ra không phải người Mỹ nào cũng có tư duy cởi mở, cũng thân thiện, và quan tâm học hỏi về các nước khác như những người bạn Mỹ tôi từng gặp khi ở Việt Nam.
Và tôi tự hỏi, sự khác biệt này là do mình (vì mình chưa hiểu hết về văn hóa, ngôn ngữ; mình hành xử chưa đúng) hay do người bản xứ? Tôi cũng có nhiều người bạn mới sang cảm thấy thất vọng, bất an, và tự ti vì khoảng cách văn hóa lớn đến mức bất ngờ này.
Sau này, khi đã vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu, tôi nhìn lại và nhận ra rằng vấn đề của mình là đã quy chụp tất cả người Mỹ dưới hình ảnh một bộ phận nhỏ những người Mỹ hay đi du lịch, làm thiện nguyện, giao lưu quốc tế - những người này bản chất họ đã cởi mở, thân thiện, và ham hiểu biết về thế giới xung quanh rồi. Những người chưa từng đến những vùng miền văn hóa khác, lẽ đương nhiên hiểu biết và sự nhạy cảm về văn hóa của họ cũng sẽ thấp và phiến diện hơn.
Chúng ta cần học hỏi nhiều hơn khi du học |
Ở đâu cũng vậy thôi, chúng ta càng đi nhiều, càng chịu khó tìm hiểu thì sẽ có con mắt càng bao dung hơn và trái tim đồng cảm hơn với sự khác biệt. Từ sự nhìn nhận này, tôi có thêm cảm hứng để đi nhiều hơn, học hỏi nhiều hơn từ các nền văn hóa khác, bớt thói quen chụp mũ, phán xét người khác khi chưa hiểu rõ về họ, và sống thân thiện hơn với tất cả mọi người.
2. Ngôn ngữ quan trọng nhưng không phải là tất cả
Khi còn ở Việt Nam, tôi thường để ý trên lớp, trong hội thảo, hay giao tiếp thông thường, mỗi khi nghe thấy người Việt nào nói tiếng Anh “chuẩn” một chút (tức là có âm điệu hay, lên xuống rõ ràng, tự tin) là mọi người đều đổ xô con mắt thán phục, lắng tai nghe từng từ một, thậm chí tự nhẩm lại để học phát âm. Có lẽ vì nói tiếng Anh tốt là điều mà nhiều người Việt mơ ước nên mỗi khi nghe thấy ai nói hay là thán phục, còn nội dung nói có thể xem xét sau.
Trong khi đó, nhiều người có ý tưởng rất hay nhưng khi truyền đạt bằng tiếng Anh thì không được suôn sẻ nên rất ít khi được người khác chú ý, kiên nhẫn nghe nội dung. Phải thú nhận rằng, khi còn đi học, bản thân tôi cũng là một người lạm dụng khả năng nói tiếng Anh tốt để lấp liếm đi nhiều thiếu sót mặt nội dung khi thuyết trình, tranh luận - điều này từng đem lại cho tôi nhiều cơ hội tốt mà giờ nghĩ lại tôi nghĩ mình chưa thực sự xứng đáng.
(còn nữa)
Lý do sinh viên cần phải nâng cao kỹ năng mềm
Những nơi làm việc ngày càng năng động không chỉ đòi hỏi sinh viên mới ra trường thông thạo kiến thức sách vở mà còn yêu cầu về kỹ năng mềm.