Những lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết tại nhà

Khi mắc bệnh, người bệnh cần được chăm sóc và điều trị kịp thời để tránh các biến chứng nguy hiểm.

Ngày 23/11, Sở Y tế TP.HCM cho biết, trên địa bàn TP.HCM đã có 1 ca tử vong đầu tiên năm 2024 do sốt xuất huyết.

Trước đó, nữ bệnh nhân L.T.T.D (20 tuổi, ở H.Bình Chánh) sốt cao liên tục, kèm đau đầu, đau mỏi người, đi khám bệnh và điều trị ở phòng mạch tư. Vì các triệu chứng không giảm nên đến ngày thứ 3 của bệnh, bệnh nhân nhập viện Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM trong tình trạng sốt cao liên tục, đau âm ỉ vùng thượng vị, ợ hơi, nhợn ói, ăn uống kém, có cơ địa béo phì...

Sau đó, bệnh nhân vào sốc sốt xuất huyết và được chống sốc. Diễn tiến bệnh nhân không ra sốc, phải chuyển sang cao phân tử và tiếp tục vào sốc lại. Bệnh nhân được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết nặng thể sốc - sốc kéo dài, tổn thương gan nặng. Mặc dù được chuyển hồi sức tích cực nhưng tình trạng bệnh nhân không ổn định, tổn thương gan nặng, rối loạn đông máu... và bệnh nhân đã không qua khỏi.

Từ tuần 37 đến nay, số ca mắc sốt xuất huyết có xu hướng tăng liên tục. Tính đến tuần 46, TPHCM đã ghi nhận có 12.013 ca mắc sốt xuất huyết, là địa phương có số ca mắc cao nhất khu vực phía Nam. Theo số liệu giám sát của Viện Pasteur TPHCM, số ca mắc sốt xuất huyết tích lũy từ đầu năm đến tuần 45 của khu vực phía Nam là 44.980 ca.

Sốt xuất huyết là một căn bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra, lây lan qua vết đốt của muỗi vằn nhiễm bệnh. Virus này từ người bệnh sẽ được truyền sang người khỏe mạnh, gây nhiễm trùng.

Những lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết tại nhà

Việc chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết tại nhà cần phải được thực hiện đúng cách và theo dõi thường xuyên. Khi các triệu chứng trở nên nghiêm trọng, việc đưa người bệnh đến bệnh viện kịp thời là rất quan trọng để đảm bảo an toàn tính mạng.

Các mức độ của bệnh sốt xuất huyết

Bệnh có thể chia thành 3 cấp độ, mỗi cấp độ sẽ có những triệu chứng đặc trưng:

Sốt xuất huyết Dengue: Sau khi bị muỗi vằn truyền virus, bệnh nhân sẽ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng trong khoảng từ 2 đến 7 ngày. Các triệu chứng bao gồm sốt cao, đau đầu, nôn mửa, đau cơ và khớp, kèm theo phát ban.

Sốt xuất huyết Dengue với dấu hiệu cảnh báo: Các triệu chứng kể trên có thể kèm theo tổn thương mạch máu, gan to, đau bụng, xuất huyết ở nhiều vị trí và tiểu cầu giảm mạnh.

Sốt xuất huyết Dengue nặng: Đây là mức độ nghiêm trọng nhất, các triệu chứng sẽ bao gồm những dấu hiệu ở hai mức độ trên nhưng kèm theo hiện tượng thoát huyết tương khỏi mạch máu, gây chảy máu trong và ngoài cơ thể, có thể dẫn đến sốc và tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Dấu hiệu và biến chứng của bệnh

Dấu hiệu nhận biết

Tùy vào mức độ của bệnh, các triệu chứng có thể khác nhau, nhưng thường bệnh nhân sẽ gặp phải những dấu hiệu sau:

  • Sốt cao đột ngột (39-41°C).
  • Chảy máu chân răng, mũi, nôn ra máu, tiêu chảy ra máu.
  • Xuất hiện các vết xuất huyết trên da.
  • Đau đầu, đau bụng, đau nhức khớp và xương.
  • Sau khi hết sốt, có thể xuất hiện tình trạng tím tái, tay chân lạnh, bứt rứt, tiểu ít, đe dọa tính mạng nếu không được xử lý kịp thời.

Biến chứng nguy hiểm

Nếu như bệnh nhân bị sốt xuất huyết điều trị không kịp thời và quá trình theo dõi, chăm sóc tại nhà không đúng cách thì sẽ gây nguy hiểm cho sức khỏe, có nguy cơ tử vong cao. Các biến chứng nguy hiểm của sốt xuất huyết gồm:

  • Chảy máu ồ ạt từ mũi, miệng, tiêu hóa, thậm chí cả nội tạng.
  • Suy gan, thận, tim, cơ tim viêm.
  • Rối loạn nhận thức, hôn mê.
  • Trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến tử vong.

 Hướng dẫn chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết tại nhà

Với bệnh nhân nhẹ

Trong trường hợp bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nhẹ, có thể chăm sóc tại nhà theo những cách sau:

  • Cho người bệnh nghỉ ngơi tại giường, tránh vận động mạnh.
  • Đảm bảo người bệnh uống nhiều nước như sữa, nước trái cây, nước cơm, hoặc dung dịch điện giải Oresol để bù nước và điện giải.
  • Theo dõi nhiệt độ bằng cách cặp nhiệt độ ở nách hoặc hậu môn hay cặp bên khóe miệng cứ vài giờ một lần
  • Sử dụng thuốc hạ sốt paracetamol theo hướng dẫn (4g/ngày đối với người lớn), không dùng các thuốc chống viêm không steroid (như aspirin, ibuprofen, mefenamic acid, v.v.).
  • Chườm ấm để giảm sốt.

Về chế độ ăn uống, cần bổ sung các thực phẩm giàu protein (thịt, cá, trứng, sữa), đường đơn, lipid thực vật, đồng thời chia nhỏ bữa ăn trong ngày để dễ tiêu hóa. Tránh ăn quá no trong mỗi bữa.

Với bệnh nhân nặng

Khi bệnh nhân có dấu hiệu của sốt xuất huyết nặng hoặc có triệu chứng xuất huyết, cần đưa người bệnh đến bệnh viện ngay lập tức. Đặc biệt, đối với trẻ em nếu có các dấu hiệu như chảy máu cam, nôn ói liên tục, đau bụng dữ dội, khó thở, cần đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời. 

Thanh Mai/Tổng hợp

Vaccine sốt xuất huyết, zona thần kinh được cấp phép tại Việt Nam

Vaccine sốt xuất huyết, zona thần kinh được cấp phép tại Việt Nam

Bộ Y tế vừa cấp phép lưu hành 40 loại vaccine, sinh phẩm trong đó có 3 loại mới là vaccine phòng bệnh sốt xuất huyết, zona thần kinh và vaccine phòng 23 tuýp phế cầu thế hệ mới.