Những nữ CEO ấn tượng của năm 2021

Nhờ tài lãnh đạo và bản lĩnh, những nữ tướng này vẫn giúp doanh nghiệp vượt qua gian khó, bất chấp dịch bệnh Covid-19.

Trải qua một năm đầy sóng gió, những nữ thuyền trưởng giữ vị trí “chèo lái” các doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam đã nỗ lực vượt mọi khó khăn, và đang tiếp tục đóng góp cho sự phát triển mạnh mẽ của khối doanh nghiệp tư nhân lẫn sự thịnh vượng của nền kinh tế.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Tổng giám đốc của VietJet Air

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo sinh năm 1970 tại Hà Nội, hiện là Tổng giám đốc của VietJet Air, Phó chủ tịch thường trực HĐQT Ngân hàng HDBank, Chủ tịch HĐQT CTCP Sovico.

Bà Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Tổng giám đốc của VietJet Air, Phó chủ tịch thường trực HĐQT Ngân hàng HDBank, Chủ tịch HĐQT CTCP Sovico. Ảnh: Vietnamnet.vn
Bà Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Tổng giám đốc của VietJet Air, Phó chủ tịch thường trực HĐQT Ngân hàng HDBank, Chủ tịch HĐQT CTCP Sovico. Ảnh: Vietnamnet.vn

Năm 2021 là một năm khó khăn đối với ngành hàng không, diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 khiến hàng loạt chuyến bay bị cắt giảm, máy bay "đắp chiếu", hành khách vắng bóng… Vietjet Air cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Trong quý III/2021, doanh thu thuần Vietjet Air đạt 2.654 tỷ đồng, giảm 25% so với quý II và giảm 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, với những chiến lược giảm chi phí bán hàng chi phí quản lý doanh nghiệp, phối hợp Tập Đoàn Sovico tham gia đầu tư hệ thống công nghệ fintech, thực hiện chuyển đổi số, đầu tư tài chính, tạo dòng tiền bù đắp dịch vụ hàng không, Vietjet Air vẫn có lợi nhuận gộp 569 tỷ đồng trong quý III vừa qua, và là hãng hàng không hiếm hoi giữ được khoản lợi nhuận trong khi nhiều hãng khác đều gần như tê liệt vì Covid-19.

Mặc dù tổng tài sản bị sụt giảm giảm từ 2,8 tỷ USD hồi đầu năm xuống 2,6 tỷ USD, nhưng tính đến thời điểm hiện tại, ngôi vị Người phụ nữ giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam vẫn thuộc về bà Nguyễn Thị Phương Thảo.

HDBank dưới sự dẫn dắt của bà Thảo, đang đứng trong top đầu các ngân hàng có vốn hóa lớn nhất trên thị trường chứng khoán.

Giữa tháng 4/2021, bà Nguyễn Thị Phương Thảo nhận Huân chương Bắc đẩu bội tinh của Nhà nước Cộng hòa Pháp.

Năm 2020, bà Nguyễn Thị Phương Thảo được trang Business Insider vinh danh trong top 100 người làm thay đổi kinh tế châu Á.

Bà Mai Kiều Liên - CEO Vinamilk

Bà Mai Kiều Liên trong những vị doanh nhân quyền lực được nhiều người ngưỡng mộ. Gần 45 năm gắn bó với Vinamilk và ngành sữa Việt Nam, bà Mai Kiều Liên đã đưa Vinamilk  vượt qua nhiều “sóng gió” trở thành thương hiệu sữa số 1 Việt Nam, đồng thời xuất khấu tới hơn 56 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Bà Mai Kiều Liên - “Nữ tướng sữa” hay “Margaret Thatcher của Việt Nam”
Bà Mai Kiều Liên - “Nữ tướng sữa” hay “Margaret Thatcher của Việt Nam”

Với những cống hiến hết mình cho Vinamilk và cho ngành sữa Việt Nam, từ năm 2012-2015, bà Mai Kiều Liên 4 lần liên tiếp được được tạp chí Forbes  vinh danh trong top 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á.

Năm 2018, bà Mai Kiều Liên là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên được Forbes Việt Nam vinh danh giải thưởng “Thành tựu trọn đời”, với dấu ấn “tư tưởng đổi mới sáng tạo, khả năng hoạch định chiến lược đúng đắn, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, gắn kết người lao động để cống hiến vì mục tiêu chung đưa công ty phát triển”.

Năm 2021, mặc dù ngành bán lẻ nói chung và ngành sữa nói riêng cũng hứng chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng Vinamilk vẫn duy trì được đã tăng trưởng.

Theo báo cáo quý III/2021, tổng doanh thu hợp nhất đạt 16.208 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 2.961 tỷ đồng. Tại thị trường nội địa, Vinamilk ghi nhận doanh thu thuần đạt 13.752 tỷ đồng, tăng 3,7% so với cùng kỳ 2020. Đối với các chi nhánh nước ngoài, Vinamilk ghi nhận doanh thu thuần đạt 886 tỷ đồng, tăng mạnh 22,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Năm 2021 cũng là năm đánh dấu 45 năm thành lập, Vinamilk trở thành đại diện Đông Nam Á duy nhất trong “Top 10 thương hiệu sữa giá trị nhất toàn cầu”, với giá trị thương hiệu đạt gần 2,4 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2020. Vinamilk cũng là 1 trong 3 “Thương hiệu tiềm năng nhất của ngành sữa thế giới” với vị trí thứ 2.

Bên cạnh những dấu ấn trong sự phát triển của Vinamilk trên thương trường, bà Mai Kiều Liên còn truyền những giá trị sống, tinh thần trách nhiệm vào những hoạt động hướng tới cộng đồng của Vinamilk, như: chương trình “San sẻ gánh lo mùa dịch” nhằm trợ giá bằng sản phẩm với ngân sách 170 tỷ đồng.

Chiến dịch cộng đồng “Bạn khỏe mạnh, Việt Nam khỏe mạnh” do Vinamilk triển khai trong quý III đã khép lại với việc trao tặng 10 tỷ đồng tiền mặt và 1 triệu ly sữa cho Bộ Lao động, thương binh & xã hội, để hỗ trợ và chăm sóc cho các trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, bị tác động bởi dịch Covid-19…

Bà Thái Hương - Chủ tịch TH True Milk

Bà Thái Hương sinh ra và lớn lên tại tỉnh Nghệ An. Bà tốt nghiệp hệ cử nhân ngành Kế toán tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân. Sau khi tốt nghiệp, bà về làm cán bộ Nhà nước tại Ban Tài chính Hải Phòng. Tuy nhiên, sau một thời gian, bà đã quyết định rời bỏ vị trí này để ra ngoài tự bươn chải và kinh doanh riêng.

Bà Thái Hương - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Sữa TH True Milk; Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Bắc Á.
Bà Thái Hương - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Sữa TH True Milk; Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Bắc Á.

Năm 1994, bà Hương cùng các cộng sự thành lập Ngân hàng thương mại cổ phần Bắc Á với số vốn điều lệ ban đầu là 20 tỷ đồng. Sau 21 năm hình thành và phát triển, giờ đây Bắc Á Bank hiện có số vốn điều lệ lên tới 3.000 tỷ đồng. Bà Hương đang nắm giữ 4,3% cổ phần tại ngân hàng này.

Những năm gần đây, bà Thái Hương được gắn liền với danh xưng là “nữ tướng” trong ngành sữa Việt Nam, người có công đưa TH True Milk trở thành thương hiệu sữa tư nhân cạnh tranh thị phần trực tiếp với thương hiệu sữa “quốc dân” Vinamilk. Bằng việc  ứng dụng công nghệ cao và đưa khoa học quản trị vào chăn nuôi đàn bò, giúp nâng cao năng suất chất lượng, sản phẩm sữa tươi sạch mang thương hiệu TH true MILK đã chiếm hơn 40% thị phần trong phân khúc sữa tươi tại thị trường Việt Nam.

Với việc triển khai các dự án ở Hà Giang, Cao Bằng,… Tập đoàn TH thể hiện chiến lược đón đầu dư địa thị trường trong nước và khu vực, đặc biệt là Trung Quốc; đồng thời thúc đẩy an sinh xã hội ở vùng biên giới khi thực hiện liên kết với người dân trồng ngô, cỏ nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi bò sữa.

Với đóng góp quan trọng, mang tính cách mạng đối với nền nông nghiệp Việt Nam và cộng đồng, doanh nhân Thái Hương là một trong 13 Anh hùng Lao động của phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2016 - 2020.

Với bản lĩnh, tài năng, nhiệt huyết của người phụ nữ Việt, cùng uy tín, kinh nghiệm phát triển thị trường nước ngoài, bà được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam liến tiếp 2 nhiệm kỳ (2016 – 2021; 2021 – 2026). Bà cũng là một trong những nữ doanh nhân Việt lọt Top 50 người phụ nữ quyền lực nhất Châu Á do Forbes bình chọn.

Bà Lê Thị Thu Thuỷ - CEO VinFast toàn cầu

Bà Lê Thị Thu Thủy sinh ngày 22/7/1974, quê quán Bình Định. Bà Thủy có trình độ cử nhân kinh tế của Đại học Ngoại Thương Hà Nội, thạc sĩ Quản trị kinh doanh (MBA) của Đại học Quốc tế Nhật Bản và chứng chỉ chuyên gia phân tích đầu tư tài chính (CFA).

Bà Lê Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, Tổng giám đốc VinFast toàn cầu
Bà Lê Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, Tổng giám đốc VinFast toàn cầu

Bà Lê Thị Thu Thủy gia nhập Vingroup vào tháng 11/2008, với tư cách là Trưởng ban Đầu tư của Tập đoàn. Tháng 11/2011, bà Thủy được bổ nhiệm làm Phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup.

Trong quá trình tham gia vào Vingroup, bà Thủy đã có nhiều đóng góp lớn, khi trực tiếp thực hiện thành công nhiều thương vụ quan trọng với đối tác nước ngoài cho Tập đoàn, như: Phát hành 100 triệu USD trái phiếu chuyển đổi quốc tế của Vincom vào năm 2009 và 300 triệu USD trái phiếu chuyển đổi quốc tế của Vingroup vào năm 2012.

Năm 2013, bà Lê Thị Thu Thủy được Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) bình chọn là một trong 199 "Lãnh đạo trẻ toàn cầu 2013" - Young Global Leaders (YGL) Class of 2013, về những đóng góp của mình trong điều hành.

Bà Lê Thị Thu Thủy vừa được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc VinFast toàn cầu chịu trách nhiệm điều hành các hoạt động của Công ty VinFast, hướng tới mục tiêu đưa VinFast trở thành hãng xe điện thông minh toàn cầu.

Chỉ trong thời gian ngắn, bà Thu Thủy đã cho ra mắt bộ đôi sản phẩm ô tô đầu tiên của mình mang tên LUX A2.0 cho dòng Sedan và LUX SA2.0 cho dòng SUV tại Paris Motor Show 2018.

Mới đây nhất là 3 dòng xe điện SUV thông minh đầu tiên là VF31, VF32 và VF33. Những bước tiến nhanh tại VinFast giúp nhiều người tin tưởng hơn vào tương lai của ngành công nghiệp xe hơi Việt Nam.

Bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ)

PNJ là doanh nghiệp trang sức hàng đầu Việt Nam với hệ thống hàng trăm cửa hàng nữ trang có mặt ở trên toàn quốc và các châu lục khác như châu Âu, châu Mỹ, châu Úc… Dưới sự lãnh đạo của bà Cao Thị Ngọc Dung, thương hiệu PNJ đã ghi nhận những thành tựu rực rỡ ở cả thị trường trong và ngoài nước.

Đặc biệt, đây còn là đơn vị kiểm nghiệm kim cương đạt chất lượng ngang tầm với nhà kiểm định hàng đầu Mỹ là GIA.

Trong giới doanh nhân, bà Cao Thị Ngọc Dung được mệnh danh là “Nữ tướng vàng thời trang” và từng được tạp chí Forbes bình chọn là một trong những doanh nhân quyền lực nhất Châu Á.

Bà Cao Thị Ngọc Dung được mệnh danh là “Nữ tướng vàng thời trang”
Bà Cao Thị Ngọc Dung được mệnh danh là “Nữ tướng vàng thời trang”

Năm 2021, chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, phần lớn các cửa hàng thuộc hệ thống đều phải tạm dừng hoạt động, do quy định giãn cách xã hội. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh vẫn có sự tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ.

Cụ thể, doanh thu thuần trong nửa đầu năm của PNJ đạt gần 11.640 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế của hệ thống cũng đạt kỷ lục với 736 tỷ đồng. Như vậy, trung bình mỗi ngày, PNJ lãi đến hơn 4 tỷ đồng. Có được điều trên là do sự tăng trưởng đều của các kênh bán hàng, đặc biệt là kênh bán hàng online với dịch vụ giao & nhận tận nơi và miễn phí cho mọi đơn hàng trên toàn quốc.

Quý III/2021, PNJ gần như phải đóng cửa các kênh bán hàng offline, tuy nhiên, bà Ngọc Dung cũng đưa ra nhiều thay đổi, không những không giảm thu nhập của người lao động trong suốt đợt dịch, mà còn có thể ứng lương để hỗ trợ người lao động. Nhân viên được tiếp nhận sự đào tạo thông qua nhiều nền tảng trực tuyến, thậm chí công việc càng nhiều hơn trước đây nhằm mục tiêu sau COVID-19, PNJ sẽ có bước tiến lớn.

Bà Trương Thị Lệ Khanh – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn

Bà Trương Thị Lệ Khanh sinh năm 1961 tại An Giang, được mệnh danh “nữ hoàng cá tra” hay "bà trùm" ngành thủy sản ở Việt Nam.

Bà Trương Thị Lệ Khanh là một trong hai đại diện của Việt Nam lọt top 25 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á năm 2020 (Asia's Power Businesswomen) của tạp chí Forbes.

Bà Khanh hiện đang sở hữu hơn 79 triệu cổ phiếu VHC với giá trị 3.400 tỷ đồng.

Bà Trương Thị Lệ Khanh được mệnh danh “nữ hoàng cá tra” hay
Bà Trương Thị Lệ Khanh được mệnh danh “nữ hoàng cá tra” hay "bà trùm" ngành thủy sản ở Việt Nam.

Với cương vị Chủ tịch HĐQT CTCP Vĩnh Hoàn, trong 12 năm (2007 – 2018), bà Trương Thị Lệ Khanh đã phát triển công ty có vốn ban đầu là 300 triệu và 70 nhân viên trở thành một công ty xuất khẩu thủy sản lớn mạnh, với hơn 6.000 nhân viên và 6 nhà máy chế biến. Doanh thu của Vĩnh Hoàn tăng 750%, lợi nhuận gấp 15 lần.

Năm 2019 - 2020, do bị tác động bởi các chính sách bảo hộ thương mại và các thị trường trọng điểm tại Mỹ, Châu Âu bị ảnh hưởng bởi COVID-19 nên doanh thu và lợi nhuận của Vĩnh Hoàn giảm mạnh. Năm 2020, lợi nhuận sau thuế của VHC chỉ đạt 705 tỷ đồng, giảm 40% so với năm trước.

Nhưng tính tới quý III/2021, nhờ giá bán tăng, Vĩnh Hoàn đã có cú lội ngược dòng ngoạn mục, doanh thu đạt 2.232 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ, giá vốn tăng ít hơn, 16%, giúp lợi nhuận gộp ghi nhận 408,7 tỷ đồng, tăng 78% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp 18,31%, trong khi quý III/2020 chỉ 12,6%.

Bà Trương Thị Lệ Khanh chia sẻ, thử thách trên con đường kinh doanh đối với Vĩnh Hoàn là các vụ kiện chống bán phá giá với tư cách bị đơn bắt buộc do chiếm thị phần lớn nhất tại Mỹ. Bà Khanh luôn căng thẳng trước các vụ kiện nhưng kể rằng mình từng gặp đối thủ cạnh tranh nước ngoài và nói: “Người Việt Nam rất giỏi đấu tranh trong công việc và trong cuộc sống. Chúng tôi sẽ theo đuổi đến cùng để bảo vệ lẽ phải!”.

Tháng 9/2020, bà Khanh là một trong hai đại diện của Việt Nam lọt top 25 nữ doanh nhân quyền lực nhất Châu Á. Năm 2019, bà lọt danh sách 50 phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam do Forbes bình chọn.

Hiện bà Khanh đang sở hữu gần 80 triệu cổ phiếu VHC, tương đương tỷ lệ 43,16%. Với mức giá cổ phiếu đang được giao dịch hiện tại 62.000 đồng/cp, tài sản bà Khanh ở Vĩnh Hoàn lên tới hơn 4.500 tỷ đồng. Với khối tài sản này, bà Khanh hiện đang là người giàu thứ 32 trong bảng xếp hạng người giàu trên thị trường chứng khoán Việt.

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh - Chủ tịch CTCP Cơ điện lạnh (REE)

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh sinh ngày 25/12/1952 tại huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, trong một gia đình có truyền thống quân đội, bà là con gái của Trung tướng Nguyễn Thới Bưng – nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Năm 1982, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành cơ khí điện tại Đại học Karl-Marx-Stadt (Đức), bà Mai Thanh gia nhập Xí nghiệp Quốc doanh liên hiệp Thiết bị lạnh -TP.HCM với vị trí là một kỹ sư. Sau đó bà đã trở thành lãnh đạo xí nghiệp vào năm 1985.

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh một trong những nữ doanh nhân tiêu biểu nhất của thời kì đổi mới 
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh một trong những nữ doanh nhân tiêu biểu nhất của thời kì đổi mới 

Năm 1992, với cương vị là người lãnh đạo, bà Mai Thanh đã dẫn dắt xí nghiệp của thực hiện cổ phần hoá và trở thành một trong những công ty cổ phần đầu tiên có vốn Nhà nước, vốn của cán bộ công nhân viên và vốn nước ngoài.

Năm 1993, Công ty cổ phần Cơ Điện Lạnh (REE) được thành lập. Bà Nguyễn Thị Mai Thanh được biết tới là một trong những nữ doanh nhân tiêu biểu nhất của thời kì đổi mới đã giúp REE thoát khỏi cảnh chật vật nhờ thương hiệu máy điều hòa Reetech.

Thời gian đầu, REE chỉ tập trung vào lĩnh vực thầu cơ điện cho các công trình xây dựng. Vài năm trở lại đây, REE chuyển hướng đầu tư mạnh vào lĩnh vực điện, than và nước sạch bằng cách thu mua cổ phiếu của các đơn vị niêm yết và thực hiện các thương vụ M&A.

Với chiến lược này, bà Mai Thanh đang hướng REE tới mô hình công ty Holdings – sở hữu các doanh nghiệp hàng đầu trong 3 lĩnh vực mũi nhọn: cơ điện lạnh, bất động sản và cơ sở hạ tầng tiện ích tại Việt Nam.

Năm 2014, doanh nhân Nguyễn Thị Mai Thanh được Tạp chí Forbes vinh danh và đứng thứ 28 trong danh sách 48 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á (ASIA Power Businesswomen)

Bà Nguyễn Bạch Điệp - Chủ tịch HĐQT FPT Retail 

Trong giới bán lẻ hàng công nghệ, không ai là không biết tới tên tuổi doanh nhân Nguyễn Bạch Điệp. Năm 1997, ngay sau khi tốt nghiệp Đại học, bà Nguyễn Bạch Điệp bắt đầu làm việc tại FPT, một tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam và là công ty mẹ của FPT Retail.

Năm 2013, bà Điệp gia nhập FPT Retail và trở thành Chủ tịch năm 2017. Trong những năm qua, cùng với các công sự của mình, bà Điệp đã đưa FPT Retail từ 17 cửa hàng phát triển thành chuỗi bán lẻ lớn thứ hai tại Việt Nam với hơn 630 cửa hàng từ Bắc vào Nam.

Bà Nguyễn Bạch Điệp - Chủ tịch HĐQT FPT Retail 
Bà Nguyễn Bạch Điệp - Chủ tịch HĐQT FPT Retail 

Chưa dừng lại ở mảng bán lẻ thiết bị số, năm 2018, FPT Retail còn nhảy vào mảng bán lẻ dược phẩm sau khi mua lại chuỗi nhà thuốc Long Châu.

Cũng trong năm 2018, doanh nghiệp này chính thức công bố thành lập công ty con là Công ty Cổ phần dược phẩm FPT Long Châu (FPT Pharma) có vốn điều lệ 100 tỷ đồng. Theo đó, FPT Retail sẽ nắm 75% vốn của FPT Pharma, tương đương giá trị 75 tỷ đồng. Người đại diện theo pháp luật của FPT Pharma là bà Nguyễn Bạch Điệp, Chủ tịch của FPT Retail.

Nhờ sự thay đổi này mà trong năm 2021, FPT Retail giữ vững được sự tăng trưởng, cổ phiếu FRT của FPT Retail vẫn tăng giá bất chấp dịch bệnh COVID-19 và những lo sợ về nguy cơ lây nhiễm của biến chủng Omicron. Từ nay đến năm 2022, FPT Retail tham vọng sẽ mở thêm 100 nhà thuốc, kiểm soát 30% thị phần thị trường dược phẩm tại Việt Nam.

Tháng 9/2020, bà Bạch Điệp lọt top 25 nữ doanh nhân quyền lực nhất Châu Á.

Trước đó vào năm 2019, bà Nguyễn Bạch Điệp đã được vinh danh trong danh sách 50 người phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam của Forbes Việt Nam.

Đặng Huỳnh Ức My - Phó Chủ tịch HĐQT CTCP Thành Thành Công – Biên Hòa

Vào tháng 11/2021, bà Đặng Huỳnh Ức My, Phó chủ tịch HĐQT SBT được vinh danh Doanh nhân xuất sắc Châu Á. Cũng trong khuôn khổ APEA 2021, đơn vị do bà Ức My dẫn dắt là Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa, đồng thời vinh dự lọt vào Top Doanh nghiệp xuất sắc Châu Á. 

Bà Đặng Huỳnh Ức My là con gái của ông Đặng Văn Thành và bà Huỳnh Bích Ngọc, nhà sáng lập Tập đoàn Thành Thành Công (TTC Group). 
Bà Đặng Huỳnh Ức My là con gái của ông Đặng Văn Thành và bà Huỳnh Bích Ngọc, nhà sáng lập Tập đoàn Thành Thành Công (TTC Group). 

Hơn 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính và mía đường, triết lý kinh doanh của bà Ức My xoay quanh mục tiêu cốt lõi là phát triển bền vững. Bà đã "chèo lái" SBT từng bước chuyển mình vững chắc, tiên phong trong cuộc đua chuyển đổi số, hướng đến mục tiêu trở thành doanh nghiệp đầu tàu trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp thông minh tại Việt Nam.

Đến nay, SBT là doanh nghiệp dẫn đầu ngành mía đường Việt Nam với 46% thị phần, đồng thời xuất khẩu đến 24 quốc gia. Công ty cũng là đơn vị mía đường duy nhất có mặt trong rổ chỉ số VNSI20 - Top 20 cổ phiếu có điểm phát triển bền vững cao nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tính riêng trong năm tài chính qua, bà Đặng Huỳnh Ức My đã tạo ra nhiều bước tiến vượt bậc cho doanh nghiệp. Trong đó, nổi bật là việc đưa SBT trở thành doanh nghiệp nông nghiệp đầu tiên áp dụng công nghệ số trong quản trị vận hành doanh nghiệp, khi thành công Go-live hệ thống Oracle Cloud ERP, chuẩn hóa và thống nhất toàn bộ quy trình hoạt động của 22 đơn vị tại 4 nước Việt Nam, Singapore, Lào và Campuchia.

Bên cạnh đó, SBT cũng đã nhanh chóng nắm bắt xu thế và thành công gia nhập thị trường hàng hóa thế giới thông qua cánh tay nối dài "Trading house" - Nhà thương mại hàng hóa quốc tế, mở rộng cơ cấu sản phẩm xuất khẩu, từng bước chuyển mình trở thành một doanh nghiệp toàn cầu.

Trong 3 tháng đầu năm tài chính 2021-2022, công ty ghi nhận lãi 241 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh hợp đồng đường tương lai trên sàn giao dịch quốc tế. Trước đó, trong năm tài chính 2020-2021, SBT cũng thành công huy động hơn 3.000 tỷ đồng từ các tổ chức tài chính tên tuổi trong nước và quốc tế.

Hiện doanh nhân Đặng Huỳnh Ức My cũng nằm trong top 50 người phụ nữ giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam, với khối tài sản có giá trị lên đến hơn 2.000 tỷ đồng, chủ yếu đến từ hơn 100 triệu cổ phiếu SBT mà bà đang nắm giữ.

Bà Văn Đinh Hồng Vũ - Đồng sáng lập, CEO ELSA

Bà Văn Đinh Hồng Vũ từng được Forbes vinh danh là một trong 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2018, và ELSA được Forbes nhắc đến trong danh sách 4 công ty sử dụng AI thay đổi thế giới. 

Văn Đinh Hồng Vũ xuất thân là sinh viên Đại học Ngoại thương TP.HCM. Bà từng là người Châu Á đầu tiên làm trợ lý Tổng giám đốc Maersk tại Đan Mạch trước khi chuyển đến Mỹ, để tiếp tục hành trình học thuật với hai tấm bằng Thạc sĩ giáo dục và MBA tại Đại học Stanford.

Văn Đinh Hồng Vũ.
Văn Đinh Hồng Vũ.

Năm 2015, Văn Đinh Hồng Vũ cùng cộng sự sáng lập ứng dụng học nói tiếng Anh dùng công nghệ trí tuệ nhân tạo ELSA. Ứng dụng hiện có hơn 13 triệu người dùng trên toàn cầu. Năm 2019, startup này đã huy động thành công 7 triệu USD từ vòng Series A.

Đại dịch COVID-19 đã tạo một cú huých cho ELSA. Với mô hình cho phép người dùng toàn quyền truy cập vào hơn 1.000 khóa học có giá khoảng 70.000 - 140.000 đồng mỗi tháng, kể từ khi dịch bùng phát số lượng người dùng tăng hàng tháng tăng 3-4 lần.

Sự tăng trưởng đó không chỉ đến từ những người dùng trung thành của ELSA, mà còn từ các trường học và doanh nghiệp đang thích ứng với cách giảng dạy mới. Công ty hiện đã hợp tác với hàng chục trường học và doanh nghiệp trên khắp Việt Nam và Ấn Độ, cũng như Brazil và Ukraine, khi mở rộng sang thị trường doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B).

Bà Văn Đinh Hồng Vũ cho biết: “COVID-19 thực sự đã mở ra một phân khúc mới cho chúng tôi. Có một sự thay đổi trong tư duy của các bậc cha mẹ rằng chúng ta đã có một cách học khác. Thay vì luôn phải gửi con đến trung tâm học ngoại ngữ hoặc trường học, họ có thể dựa vào công nghệ”.

Đầu năm 2021, ELSA gọi vốn thành công thêm 15 triệu USD. Bà Vũ cho biết với khoản vốn mới, startup này sẽ đẩy mạnh phát triển thị trường châu Mỹ Latin và xây dựng nền tảng B2B (bán hàng cho doanh nghiệp). 

Diệu Thuần (t/h)

Tập đoàn của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo ký nhiều hợp tác với doanh nghiệp Anh

Tập đoàn của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo ký nhiều hợp tác với doanh nghiệp Anh

Vietjet và Rolls-Royce ký kết thoả thuận cung cấp động cơ và dịch vụ động cơ cho đội tàu bay thân rộng, với tổng giá trị 400 triệu USD.