Những quy định cần biết khi nuôi chó mèo tại các khu đô thị

Chó, mèo là những thú cưng của nhiều gia đình. Bên cạnh chăm sóc, người nuôi cũng cần biết đến những quy định của pháp luật đối với những vật nuôi này

Số lượng thú cưng được nuôi (đặc biệt tại các thành phố lớn) tăng đều qua mỗi năm từ 15-20%. Việc nuôi chó, mèo tại những nơi có không gian rộng, thoáng như những vùng quê khá dễ dàng. Tuy nhiên tại thành phố đông đúc thì đây lại trở thành vấn đề gây tranh cãi giữa các cư dân, khiến sở thích của người này nhưng là nỗi ám ảnh của người khác.

Gần đây việc một bé trai bị chó Pitbull cắn tử vong tại Bình Phước một lần nữa cảnh báo về việc quản lý các vật nuôi.

Pitbu là giống chó dữ cần quản lý chặt 
Pitbu là giống chó dữ cần quản lý chặt 

Theo khoản 3 điều 35 Nghị định 99/2015/NĐ-CP, người nuôi chó mèo cần chú ý:

- Đăng ký việc nuôi chó với Ủy ban nhân dân cấp xã tại các đô thị, nơi đông dân cư. Hà Nội cũng ra Kế hoạch 30/KH-UBND yêu cầu người dân Thủ đô tuân thủ quy định nêu trên.

- Xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh. Khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó và có người dắt;

- Nuôi chó tập trung phải bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không gây ồn ào, ảnh hưởng xấu tới những người xung quanh;

- Chấp hành tiêm vắc-xin phòng bệnh Dại cho chó, mèo theo quy định;

- Chịu mọi chi phí trong trường hợp có chó thả rông bị bắt giữ, kể cả chi phí cho việc nuôi dưỡng và tiêu hủy chó. Trường hợp chó, mèo cắn, cào người thì chủ vật nuôi phải bồi thường vật chất cho người bị hại theo quy định của pháp luật.

Các mức phạt khi vi phạm quy định:

- Thả rông động vật nuôi trong đô thị hoặc nơi công cộng:  có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 7 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.

- Không tiêm phòng vắc xin phòng bệnh Dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng: có thể bị phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y.

- Không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng: có thể bị phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y.

- Trường hợp người nuôi chó, mèo để chó, mèo cắn, cào người khác cũng có thể phải bồi thường thiệt hại, thậm chí có thể chịu trách nhiệm hình sự, tuỳ theo mức độ thiệt hại. Cụ thể:

Nếu súc vật gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm theo quy định tại Điều 138 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội “Vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”.

Nếu súc vật làm chết người thì áp dụng Điều 128, Bộ luật hình sự năm 2015 về tội "Vô ý làm chết người". Theo đó, (1) người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm; (2) phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.

Minh Khang (T/h)

Cụ bà 83 tuổi bầu bạn và nuôi chim trời, chó mèo nơi phố núi Đà Lạt

Cụ bà 83 tuổi bầu bạn và nuôi chim trời, chó mèo nơi phố núi Đà Lạt

Không chồng con, những ngày tháng cuối đời của cụ Phẩm tưởng chừng chìm trong buổn tủi. Thế nhưng cụ chẳng bao giờ bi quan, bởi cuộc sống này còn rất nhiều điều tốt đẹp và cụ luôn có "đàn con nhỏ" bên mình.