Nỗi sợ hoàn hàng: Chủ shop ôm cục tức, người mua sau hãi hùng với viễn cảnh dùng đồ đã qua sử dụng

Là dịch vụ hỗ trợ người mua hay kẽ hở tạo nên cơn ác mộng cho người bán?
 

Khi mô hình kinh doanh truyền thống không còn hợp thời thì bán hàng online trở thành xu thế mới đang bùng nổ mạnh mẽ. Theo số liệu thống kê, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ người dùng Internet để mua sắm hàng hóa hàng tuần ở mức trên 60%, cao hơn so với mức trung bình toàn cầu là 57,6%, kéo theo hàng nghìn giao dịch được thực hiện hàng ngày giữa người bán và người mua chỉ thông qua màn hình điện thoại hay máy tính.

Cơ hội bán hàng lớn kéo theo thách thức lớn, trước đây người ta chỉ nói về nỗi lo của người mua khi sợ người bán “treo đầu dê, bán thịt chó”. Thế nhưng thời gian gần đây, khi nhiều sàn thương mại điện tử và chính các shop đều đề ra chính sách đồng kiểm, hoàn hàng để tạo niềm tin nơi khách hàng thì có 1 vấn nạn khác manh nha xuất hiện. Đó là khi các chủ shop chưng hửng nhận hoàn vì những lý do “trời ơi đất hỡi” hoặc khách đã sử dụng xong rồi mới bấm trả để chủ shop phải cay đắng hoàn tiền. 

Là chính sách hỗ trợ người mua…

Tính an toàn là tiêu chí quan trọng đối với khách hàng khi quyết định xuống tiền cho 1 món đồ không được “tận mục sở thị” chất lượng như kiểu mua bán truyền thống. Vì vậy, nếu sàn thương mại điện tử hoặc các shop nào đảm bảo được niềm tin cho người dùng thì sẽ giành được lợi thế.

Chính sách đồng kiểm, hoàn hàng giúp người mua yên tâm xuống tiền hơn
Chính sách đồng kiểm, hoàn hàng giúp người mua yên tâm xuống tiền hơn

Một trong những cách tạo niềm tin phổ biến nhất là cung cấp dịch vụ đồng kiểm, trả hàng, hoàn tiền như 1 “phiếu đảm bảo”. Khách hàng có thể yên tâm về việc sẽ được kiểm tra chất lượng trước khi phải chi ra khoản tiền cho món đồ đó, khác với trước đây mua hàng online là chuỗi ngày nơm nớp lo sợ hàng không giống mô tả. 

hay kẽ hở tạo nên “cơn ác mộng” cho người bán?

Thời gian đầu tiên, chính sách này cho thấy dấu hiệu tích cực khi người mua hàng dễ dàng đưa quyết định chốt đơn hơn nhờ yên tâm về chất lượng dịch vụ. Tuy nhiên, chỉ sau 1 thời gian, nhiều thành phần đã lợi dụng kẽ hở của chính sách này để chuộc lợi. Thậm chí, nhiều người rỉ tai nhau cách mua hàng, sử dụng xong rồi bấm hoàn để "đỡ được 1 khoản". 

“Gần đây tôi xem TikTok, có nhiều người hướng dẫn các mẹo lợi dụng chính sách để lấy hàng, sử dụng món đồ trong vài ngày rồi báo sản phẩm bị lỗi, yêu cầu trả hàng hoàn tiền” - 1 người bán chia sẻ. 

Tài khoản kêu gọi người tham gia lợi dụng chính sách để
Tài khoản kêu gọi người tham gia lợi dụng chính sách để "bom hàng" trên 1 sàn thương mại điện tử.

Chiêu thức này đặc biệt phổ biến trong ngành hàng thời trang, đặc biệt khi vừa qua có rất nhiều vụ việc người bán phải lên hội nhóm “bóc phốt” những “thượng đế” kém văn minh, tiêu biểu như vụ hoàn bikini đã mặc sau 1 tuần với vệt ố vàng hay vụ mua váy mặc chán chê rồi bấm hoàn hàng mới đây.

Vụ mua váy mặc chán chê rồi bấm hoàn
Vụ mua váy mặc chán chê rồi bấm hoàn
Vụ hoàn bikini đã mặc sau 1 tuần với vệt ố vàng
Vụ hoàn bikini đã mặc sau 1 tuần với vệt ố vàng

Đây chính là hệ quả của chính sách hoàn hàng không chặt chẽ. Đồng ý rằng bạn có thể trả hàng trong các trường hợp lỗi đến từ phía shop như giao sai, hàng lỗi hoặc hàng kém chất lượng. Thế nhưng, không thể có chuyện đã nhận hàng và sử dụng, thoải mái đi chơi, đi du lịch chụp ảnh "sống ảo" chán chê rồi trả lại shop và lấy lại tiền. 

Mỗi lần những vụ việc "dở khóc dở cười" này xuất hiện trên mạng xã hội, netizen đều bức xúc thay cho chủ shop. Câu chuyện làm dấy lên câu hỏi: đâu là giải pháp để “thuận mua vừa bán” mà vẫn đảm bảo quyền lợi 2 bên?

Thế còn những người mua sau?

Về lý thuyết, những sản phẩm đã qua sử dụng như vậy không thể được tiếp tục bán trên thị trường. Với 1 số shop văn minh, họ chỉ biết chấp nhận hậu quả và coi như mình xui. Thế nhưng, cũng có những shop lại đem những mặt hàng đó bán cho người sau để lấy lại vốn. 

Trong trường hợp đó, bạn sẽ không thể phát hiện ra câu chuyện phía sau sản phẩm này mà cứ vô tư sử dụng. Càng nhiều trường hợp bị "bóc phốt" lên mạng xã hội, càng nhiều nỗi sợ mua phải hàng second-hand bùng lên mạnh mẽ trong cộng đồng mua hàng online. 

Huyền Trang