NSND Trần Hạnh, từ đứa trẻ đánh giày đến một nghệ sĩ gạo cội

Gia đình NSND Trần Hạnh cho biết ông qua đời vào lúc 2h50, ngày 4/3 tại nhà riêng do tuổi cao sức yếu, hưởng thọ 92 tuổi.

Chị Hồng, con dâu nghệ sĩ cho biết, sáng 4/3 ông mất trong vòng tay các con cháu tại nhà riêng. Do tuổi cao nên sức khỏe của NSND Trần Hạnh thời gian gần đây không được tốt, ông đã phải nhập viện điều trị một thời gian.

Trước Tết, nhiều đạo diễn muốn mời ông đi đóng phim hài. Nghệ sĩ háo hức, rất muốn tham gia nhưng vì sức khỏe yếu, ông đành ở nhà. Từ khi nhận danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân năm 2019, ông đóng thêm vài quảng cáo.

Những năm qua, sức khỏe ông xuống dốc, mắc bệnh tim mạch, bị hỏng một mắt và một số bệnh tuổi già. Ông nằm viện một thời gian trước khi qua đời, theo VnExpress.

tran-hanh-1-09432660(1).jpg
NSND Trần Hạnh trước thời điểm được phong tặng danh hiệu NSND. Ảnh: VTC News

NSND Trần Hạnh sinh năm 1929 ở Hà Nội. Mồ côi cha từ năm 8 tuổi, Trần Hạnh sớm phải sống tự lập, giúp mẹ nuôi sống gia đình bằng nghề đóng giày thuê. Vừa đóng giày, ông vừa tham gia sinh hoạt diễn kịch ở Câu lạc bộ Thanh niên (của Thành đoàn Hà Nội). Trong câu lạc bộ có nhiều người bạn sau này đã trở thành những tên tuổi gạo cội trong làng kịch Việt Nam như: NSND Doãn Hoàng Giang, NSND Trọng Khôi, NSND Đoàn Dũng...

Ông có bảy người con nhưng ba người đã mất. Cuộc sống của ông trải qua nhiều vất vả. Nhiều năm trời chăm vợ ốm liệt giường cho tới khi bà mất, về già Trần Hạnh phải chăm người con trai ngoài 40 tuổi bị chấn thương não vì tai nạn, mới đỡ hơn vài năm nay. Tuy nhiên, ông không cho mình là người bất hạnh.

Ông sống cuộc đời giản dị, không đòi hỏi quá nhiều, hài lòng với những gì đã nhận. Ở tuổi gần 90, khi được hỏi: "Tên ông là Trần Hạnh. Theo ông, hạnh này là hạnh phúc hay bất hạnh?", Trần Hạnh cười tươi: "Hạnh phúc. Tôi được như ngày hôm nay là mừng lắm rồi".

Lúc còn khỏe, ông vẫn thường ra cửa hàng quần áo của con dâu ở ga Hà Nội, phụ con bán hàng. Hình ảnh ông già khắc khổ trên phim và giản dị ngoài đời trở thành quen thuộc với nhiều khán giả. Mỗi lần có khách nhận ra mặt, ông đều chối nói: "Tôi không phải Trần Hạnh đâu".

Niềm hạnh phúc lớn nhất trong đời Trần Hạnh là được diễn xuất. Ông từng nói: "Có cho vàng cũng không thích bằng có vai diễn".

NSND Trần Hạnh nổi tiếng với các vai bí thư đảng ủy trong phim Làng nổi, bố An trong phim Truyện cổ tích tuổi 17, bố Lài trong Tướng về hưu, ông Khiển trong phim Người cầu may, ông Lâm trong phim Chiếc bình tiền kiếp, bố Mai trong phim Hãy tha thứ cho em...

Ông đã có được những vai diễn xuất sắc trên sân khấu Nhà hát Kịch Hà Nội với nhiều giải vàng, bạc ở các liên hoan sân khấu toàn quốc. Thời hoàng kim của ông là cuối những năm 70, đầu 80 của thế kỷ trước, khi vào vai Nguyễn Trãi trong vở kịch thơ Lam Sơn tụ nghĩa (huy chương vàng Liên hoan Kịch toàn quốc), đảm nhận một vai chính trong vở Tiền tuyến gọi hay trong Âm mưu và tình yêu được dựng bởi đạo diễn Nguyễn Đình Nghi.

z2360419538422_a74d280e6f18509ee3fa49af620ed548.jpg
Xúc động hình ảnh nghệ sĩ Trần Hạnh nhận danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân ở tuổi 90. Ảnh: VnExpress

Trong tập sách Người Hà Nội, Lưu Quang Vũ viết: "Bốn, năm người đóng vai Nguyễn Trãi, riêng Trần Hạnh có phong thái hào hoa của người Hà Nội". Tổng Bí thư Trường Chinh đã tìm ông và khen ông đóng Âm mưu và tình yêu: "Anh đóng hay lắm, tôi không biết dùng từ thế nào nhưng có thể nói là nó rất lãng mạn", theo VTC News.

Ông về hưu rời Nhà hát Kịch Hà Nội năm 1989. Khởi nghiệp bằng sân khấu kịch và đoạt giải thưởng trong một số Liên hoan sân khấu Toàn quốc nhưng Trần Hạnh lại được công chúng biết đến nhiều qua các vai diễn trong phim truyền hình.

Trong đóng phim, vai đầu tiên của ông vai nam chính cho phim Chiếc bình tiền kiếp của Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần. Sau đó là hàng loạt phim khác, như Tướng về hưu, Hãy tha thứ cho em, Cỏ lau, Người đàn bà thứ hai, Làng nổi,...

Vai diễn truyền hình đầu tiên, và cũng là vai mà ông tâm đắc nhất là vai ông Cần trong phim Cuốn sổ ghi đời của đạo diễn Tất Bình.

Ở Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 11 – 1996, ông đoạt giải Nam diễn viên xuất sắc nhất trong phim Nước mắt đàn bà (ban tổ chức không gửi giấy mời ông tới nhận giải). Tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 2010, ông được vinh danh ở hạng mục Giải thưởng Cống hiến cho vai diễn của ông trong phim Ngõ lỗ thủng, đạo diễn Quốc Trọng.

Những vai diễn của ông đã đi vào lòng công chúng với vẻ khổ hạnh, đáng thương, những vai nông dân hiền lành, chất phác mặc dù ông là người Hà Nội gốc.

Năm 2017, ông tham gia vào bộ phim Cha cõng con với vai diễn là ông mù. Nhiều vai diễn "có sức lan tỏa, đồng thời có hình ảnh đúng mực trong cuộc sống". Theo Nghị quyết 54/NQ-CP ký ngày 18 tháng 7 năm 2019, ông được phong tặng danh hiệu NSND.

(Tổng hợp)

AN LY