Nữ lưu chuyển mình

Từ khi hình thành tầng lớp nữ sinh thành thị với các phong trào bình quyền đầu thế kỷ XX, đội ngũ nữ trí thức Việt Nam đã phát triển hùng hậu.

Trong xã hội phong kiến, người phụ nữ Việt Nam bị bó buộc ngặt nghèo trong chuẩn mực đạo đức “tam tòng, tứ đức” và vô vàn những quy định hà khắc của lề tục phong kiến gia trưởng. Cuộc đời người phụ nữ chỉ quẩn quanh với ba trạng thái “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”, không gian sống quen thuộc là bốn bức tường và công việc đồng áng, nội trợ, chăm sóc chồng con.

Người phụ nữ không được học hành, thi cử, không được tham gia việc làng, việc nước, không được có mặt nơi “đình chung điếm sở”.

Tuy vậy, vượt lên trên hà khắc của định kiến xã hội, lịch sử khoa bảng Việt Nam- dù rất hiếm hoi- đã ghi nhận nữ danh sĩ nho học đầu tiên và cũng là duy nhất trong triều đại phong kiến Việt Nam. Đó bà Nguyễn Thị Duệ (1574-1654), hiệu Diệu Huyền, người Chí Linh, Hải Dương. Khi nhà Mạc mở kỳ thi Hội, bà cải trang thành nam giới tham dự và đỗ đầu. Khi bị phát hiện là nữ giới, chẳng những vua Mạc không trừng phạt mà còn đưa bà vào cung lập làm hoàng phi.

Cuối thế kỷ thứ XIX, dòng chảy lịch sử có những thay đổi, thực dân Pháp xâm chiếm Đông Dương. Dưới tác động của chính sách khai thác thuộc địa, đời sống kinh tế- xã hội của Việt Nam có biến chuyển to lớn. Các giai tầng trong xã hội được hình thành và phân hóa mạnh mẽ.

Sự hình thành tầng lớp trí thức tân học, trung lưu thành thị khiến những chuẩn mực, luân lý phong kiến trói buộc người phụ nữ hàng ngàn năm dần bị lung lay và chối bỏ.

Đông Kinh nghĩa thục là trường đầu tiên nhận dạy học sinh nữ (Ảnh: TL).
Đông Kinh nghĩa thục là trường đầu tiên nhận dạy học sinh nữ (Ảnh: TL).

Các cuộc vận động duy tân, khai dân trí, hoạt động truyền bá chữ quốc ngữ những năm đầu thế kỷ XX mở ra phong trào đấu tranh đòi cải cách, bình quyền trong xã hội. Cũng trong giai đoạn này, chuyện học hành của phụ nữ được khai mở.

Một trong những trường học đầu tiên tiếp nhận học sinh nữ là Đông Kinh nghĩa thục do cụ cử Lương Văn Can mở vào năm 1907 tại Hàng Đào. Theo học giả Nguyễn Hiến Lê, nhóm sáng lập Đông Kinh nghĩa thục đã chọn cô Năm (con gái thứ năm của Lương Văn Can) làm giáo viên lớp nữ vì bà biết Quốc ngữ. Khi mở trường, trong ngôi nhà số 4 phố Hàng Đào có hai lớp học: một nam, một nữ, tổng cộng khoảng sáu, bảy chục, phần đông là con cháu hội viên. Trong cuốn “Đông Kinh nghĩa thục”, Nguyễn Hiến Lê nhận xét:

“Thời đó, mở lớp học cho nữ sinh như vậy là một cải cách lớn: các cụ chẳng những muốn bài trừ tư tưởng nam nữ tôn ti của cổ nhân, mà còn muốn cho phụ nữ phải đóng một vai trò trong xã hội, tạo cho họ một nhân sinh quan mới, một lối sống mới”.

Lo sợ hoạt động của Đông Kinh nghĩa thục sẽ trở thành mối nguy hại đối với chế độ thuộc địa, chính quyền thực dân buộc trường phải giải tán. Tuy Đông Kinh nghĩa thục chỉ hoạt động trong thời gian ngắn nhưng đã tác động quan trọng đến vấn đề khuyến học của phụ nữ, giúp họ dần thoát khỏi không gian sống chật hẹp của lề tục phong kiến.

Chính quyền thực dân Pháp, dù là những kẻ cai trị nhưng tư tưởng “trọng nam khinh nữ” không nặng nề và hà khắc như chế độ phong kiến Việt Nam. Bên cạnh việc mở trường học cho nam giới, người Pháp cũng lập những trường học riêng dành cho phái nữ.

Cũng có người đặt câu hỏi: tại sao nam và nữ không học cùng một trường như ngày nay mà phải tách riêng trường dành cho nam và trường dành cho nữ? Một sự giải thích được cho là hợp lý là, người Pháp, dù có quyền lực và sức mạnh của kẻ cai trị cũng không dám phá bỏ lễ giáo nghiêm ngặt của người Việt Nam từ xa xưa “Nam nữ thụ thụ bất thân”.

Ngày 6-1-1908, trường học dành riêng cho nữ giới được khai giảng. Đó là trường École Brieux hay còn gọi là trường nữ học Pháp - Việt đặt tại phố Takou (phố Hàng Cót). Đây là trường nữ sinh tư thục khá nổi tiếng. Ngay trong khóa đầu tiên của trường có 178 nữ sinh đăng ký nhập học. Trường này hiện nay là trường THCS Thanh Quan trên phố Hàng Cót.

Năm 1917, trường nữ sinh khác được mở. Đó là “Cơ sở giáo dục nữ sinh Việt Nam” (Institution de Jeunes Filles Annamites), sau đổi thành trường Trung học nữ sinh Việt Nam (Collège de Jeunes Filles Annamites). Trường này có hai bậc Tiểu học và Cao đẳng tiểu học. Do được đặt trên phố Đồng Khánh (nay là phố Hàng Bài) nên trường có tên gọi là trường Nữ sinh Đồng Khánh (nay là trường Trung học cơ sở Trưng Vương).

Trường nhận học sinh từ đủ 18 tuổi. Ban đầu các môn chính như chữ quốc ngữ, tiếng Pháp, số học, địa lý, luân lý, phép xã giao, vệ sinh do cô giáo người Pháp dạy. Giáo viên người Việt sẽ dạy nữ công gia chánh như quản lý gia đình, may vá, thêu thùa, nấu ăn. Sau này nhiều môn học chính cũng do giáo viên người Việt giảng dạy.

Trường nữ sinh Đồng Khánh trở thành một trong những “cái nôi” của trí thức trẻ Việt Nam. Không ít nữ sinh tốt nghiệp trường Đồng Khánh sau trở thành nữ trí thức nổi tiếng. Có thể kể đến bà Nguyễn Thị Thục Viên (1903-1984), cựu nữ sinh trường Đồng Khánh, tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Đông Dương.

Sau bà được bổ về làm giáo sư trường nữ sinh Đồng Khánh. Năm 1945, bà được bổ làm Hiệu trưởng trường này. Bà Thục Viên cũng là một trong 10 nữ đại biểu Quốc hội đầu tiên (khóa I) của nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa. Hoặc nữ giáo sư Hoàng Xuân Sính (1933), người làng Cót, Hà Nội. Bà là nhà giáo, tiến sĩ toán học đầu tiên của Việt Nam và cũng là người sáng lập ra trường Đại học dân lập Thăng Long- trường đại học tư thục đầu tiên của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Việc mở các trường học dành riêng cho nữ giới đã góp phần quan trọng làm thay đổi địa vị của phụ nữ trong xã hội, ít nhất là ở thành thị. Hệ quả là, xuất hiện một tầng lớp mới gọi là nữ sinh tân học. Những “gái mới” này chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa phương Tây là sự thách thức thực sự, chống lại những lề tục cũ của chế độ phong kiến.

Ở Hà Nội những năm đầu thập niên 1930, việc cải cách, phá bỏ lề tục cũ của những cô “gái mới” bắt đầu từ hàm răng, mái tóc. Hàm răng đen “nhưng nhức” tiêu chuẩn của phụ nữ đẹp ngày nào dần bị các cô tân thời cạo trắng theo “mốt” phương Tây. Mái tóc vấn đuôi gà ẩn trong vành khăn nhung cũng được dỡ bỏ nhường chỗ cho kiểu tóc vấn trần, búi tó hoặc uốn sóng theo phong cách Sài Gòn và châu Âu. Chiếc áo dài tân thời Lemur hở cổ xuất hiện ngày càng nhiều trên đường phố và trong các trường nữ sinh.

Nữ lưu chuyển mình
Bà Sương Nguyệt Anh với tờ Nữ Giới Chung (Ảnh: sưu tầm).
Bà Sương Nguyệt Anh với tờ Nữ Giới Chung (Ảnh: sưu tầm).

Trong hồi ký của mình, nhạc sĩ Phạm Duy kể về phong trào “tiểu thư đi bộ” do cô Hoàng Thị Nga khởi xướng, với một nhóm thiếu nữ mặc quần chẽn, biểu dương tinh thần bình đẳng nam giới bằng việc đi bộ từ Bạch Mai đến Vạn Thái. Chưa dừng lại ở đó, các cô làm chuyến đi bộ xa hơn từ Hà Nội đến Đồ Sơn.

Vào thời điểm đó, phụ nữ mặc quần đùi đi bộ ngoài đường là điều rất “kinh khủng” với nhiều người. Họ lắc đầu lè lưỡi: Con gái nhà ai vô phúc hay sao mà dám mặc quần đùi đi bộ như thế kia nhỉ?

Tuy nhiên, những việc chê bai này không thể ngăn được làn sóng chuyển mình của nữ lưu. Lần đầu tiên một nữ đội khúc côn cầu được lập ra nhằm nêu cao tinh thần thể thao của nữ giới. Chưa dừng lại ở đó, cô Hồ Thị Mịch, thiếu nữ 16 tuổi một mình đạp xe từ Sài Gòn ra Hà Nội để cổ vũ tinh thần thể thao và chứng minh sức bền của phụ nữ thật không thua kém đàn ông.

Sự ra đời các trường nữ sinh, cao đẳng, đại học và các trung tâm nghiên cứu, nhà thương đã hình thành ngày càng nhiều tầng lớp nữ trí thức làm việc tại những cơ sở đó.

Không ít người trong số họ tốt nghiệp đại học, thậm chí có học hàm, học vị như bà Hoàng Thị Nga (1903-1970) người làng Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội, tốt nghiệp Cử nhân Đại học Paris và bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ khoa học. Bà là nữ tiến sĩ ngành khoa học Vật lý đầu tiên của Việt Nam. Bà Nga sinh ra trong một gia đình rất nổi tiếng. Thân phụ của bà là cụ Tuần phủ Hoàng Huân Trung, em trai là bác sĩ Hoàng Cơ Bình, đề đốc Hoàng Cơ Minh. Bà cũng là chị nuôi của cựu thị trưởng Hà Nội, dược sĩ Thẩm Hoàng Tín.

Nói đến nữ trí thức Việt Nam trước 1945 không thể không nhắc đến những cái tên rất nổi tiếng như bà Đoàn Tâm Đan từng học trường École Brieux ở Hàng Cót, sau tốt nghiệp trường nữ Sư phạm và đi dạy học, bà Tâm Đan là đại biểu Quốc hội khóa I của nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa; bà Lê Thị Hoàng tốt nghiệp cao đẳng y khoa Hà Nội; bà Lý Thị Nguyệt tốt nghiệp Cao đẳng, bào chế Hà Nội; bà Phan Thị Liệu tốt nghiệp Cao đẳng Canh nông Hà Nội; bà Phạm Thị Mỹ tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Hà Nội (năm 1928); bà Nguyễn Minh Nguyệt tốt nghiệp trường Cao đẳng Luật khoa Hà Nội... Đây là những trí thức tiêu biểu đầu tiên, đặt nền móng cho việc hình thành, phát triển của lực lượng nữ trí thức Việt Nam sau này.

Trên lĩnh vực báo chí, năm 1918, tại Sài Gòn lần đầu tiên xuất hiện tờ báo dành riêng cho giới nữ. Đó là tờ Nữ Giới Chung do bà Sương Nguyệt Anh (con gái cụ Đồ Chiểu) sáng lập. Dù tờ Nữ Giới Chung chỉ ra được 22 số ngắn ngủi nó đã đi vào lịch sử báo chí Việt Nam với tư cách tờ báo đầu tiên của giới nữ và bà Sương Nguyệt Anh cũng trở thành nữ Tổng biên tập đầu tiên của Việt Nam.

Từ năm 1930 trở đi xuất hiện ngày càng nhiều hơn các tờ báo dành cho nữ giới do những nữ trí thức khởi xướng. Ta có thể thấy tờ Phụ nữ Tân Văn của bà Nguyễn Đức Nhuận; Đàn bà mới bà Thụy An; Phụ nữ tân tiến bà Lê Thành Tường.... Đi kèm đó là đội ngũ nữ ký giả đầu tiên của người Việt như Phạm Vân Anh, Vân Đài, Lê Thị Huỳnh Lan, Phan Thị Nga....

 Bà Đoàn Tâm Đan (Ảnh: sưu tầm).
 Bà Đoàn Tâm Đan (Ảnh: sưu tầm).

Trong thập niên 1930, phong trào phụ nữ trên thế giới rất phát triển đã tác động sâu sắc đến nhận thức hành động của tầng lớp trí thức Việt Nam. Ngoài lĩnh vực báo chí, những nữ trí thức người Việt cũng tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Họ tổ chức Hội chợ phụ nữ, tổ chức diễn thuyết, viết nhiều bài báo cổ động phong trào phụ nữ theo khuynh hướng nữ quyền tư sản, tập trung vào các vấn đề như nữ học, phụ nữ chức nghiệp... Để cổ động cho việc giáo dục phụ nữ, nhiều ý kiến đề nghị thành lập các “Nữ lưu học hội”.

Ở Hà Nội trong năm 1930 có Nữ công học hội của bà Đặng Thị Nhâm (vợ của nhà cách mạng Phạm Tuấn Tài) là hội nữ chức nghiệp chuyên dạy thêu thùa, gia chánh nhưng thực chất là vận động phụ nữ tham gia hoạt động xã hội, ủng hộ Việt Nam Quốc dân Đảng. Nữ công học hội có hiệu sách Nam Chi hoa ở phố Hàng Giấy. Sau cuộc khởi nghĩa Yên Bái của Nguyễn Thái Học, hiệu sách Nam Chi hoa bị đóng cửa, những người lãnh đạo trong Nữ công học hội bị bắt.

Có thể nói thời kỳ này, nhất là những năm Mặt trận bình dân Pháp lên nắm quyền, phong trào của phụ nữ phát triển rất mạnh mẽ. Ngày 24-9-1936, Bà Đoàn Tâm Đan chủ trì hội nghị gồm 40 phụ nữ tiêu biểu của cả nước, họp ở trụ sở Hội Trí Tri, phố Hàng Quạt, Hà Nội để bàn việc thảo tập “Dân nguyện”.

Hội nghị đã bàn về những vấn đề: Mở trường phổ thông riêng cho nữ giới, không hạn chế tuổi; phụ nữ phải có quyền bầu cử, thành lập các tiểu ban để tập hợp nguyện vọng của phụ nữ các ngành nghề, như các ban Lao động, Thương mại, Nông giới, Công giới, Hộ sinh, Công chức các sở, Giáo giới, Báo giới… Cuộc họp này được báo chí lúc đó đánh giá là “Lần thứ nhất ở Đông Dương nữ giới ba kỳ biết hiệp hội để làm chính trị” (Nguyễn Chí Hòa, “Cặp vợ chồng trí thức yêu nước”, báo điện tử Sự kiện và Nhân chứng ngày 15-6-2017).  

10 phụ nữ trúng cử đại biểu Quốc hội tại tổng tuyển cử đầu tiên trong lịch sử vào ngày 6/1/11946 (Ảnh: sưu tầm)
10 phụ nữ trúng cử đại biểu Quốc hội tại tổng tuyển cử đầu tiên trong lịch sử vào ngày 6/1/11946 (Ảnh: sưu tầm)

Phong trào cải cách và đấu tranh đòi bình quyền của phụ nữ thời Pháp thuộc tuy rất sôi nổi nhưng cũng chỉ dừng lại ở các hoạt động xã hội. Dưới chế độ cũ, nữ trí thức chưa thể tham gia vào các hoạt động chính trị. Phải đến khi Cách mạng Tháng Tám thành công khai sinh nước Việt Nam mới thì vai trò và địa vị xã hội của người phụ nữ chính thức được thừa nhận và bảo vệ. Các trường học mở rộng cửa đón nữ sinh. Người phụ nữ được thực hiện quyền bầu cử, ứng cử vào Quốc hội, tham gia vào bộ máy chính quyền của nước Việt Nam mới.

Tại cuộc Tổng tuyển cử lần đầu tiên trong lịch sử tổ chức vào ngày 6-1-1946, có 10 phụ nữ trúng cử đại biểu Quốc hội. Đó là các bà Nguyễn Thị Thục Viên (đại biểu Hà Nội), Ngô Thị Huệ (đại biểu Bạc Liêu), Vũ Thị Khôi (đại biểu Bắc Ninh), Bùi Thị Diệm (đại biểu Hải Dương), Trương Thị Mỹ (đại biểu Hà Đông), Cao Thị Khương (đại biểu Hưng Yên), Tôn Thị Quế (đại biểu Nghệ An), Lê Thị Xuyến (đại biểu Quảng Nam), Trịnh Thị Miếng (đại biểu Gia Định) và Nguyễn Thị Thập (đại biểu Mỹ Tho). 

Những nữ trí thức nói trên được Quốc hội tín nhiệm cử giữ những trọng trách ngay từ phiên họp đầu tiên. Bà Lê Thị Xuyến được bầu làm Ủy viên Thường trực Quốc hội, bà Thục Viên được bầu Ủy viên dự khuyết. Sau này những nữ trí thức nói trên tiếp tục đảm nhận nhiều vị trí trong các cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức chính trị xã hội như bà Bùi Thị Diệm từng giữ chức Thứ trưởng, bà Nguyễn Thị Thập nhiều năm liền làm Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Đây là những nữ trí thức tiêu biểu, lần đầu tiên chính thức bước chân lên chính trường góp tiếng nói của mình vào công cuộc kiến thiết đất nước.

Bác Hồ chụp ảnh cùng các đại biểu Quốc hội sau cuộc tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946 (Ảnh: sưu tầm).
Bác Hồ chụp ảnh cùng các đại biểu Quốc hội sau cuộc tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946 (Ảnh: sưu tầm).

Ngày 20-10-1946, Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam được thành lập trên cơ sở thống nhất các tổ chức phụ nữ tiền thân trước đó. Kể từ đây, phụ nữ Việt Nam có một tổ chức chính trị- xã hội cho riêng mình. Tuy nhiên, với những đặc thù riêng biệt về nghề nghiệp và trình độ chuyên môn, đội ngũ nữ trí thức Việt Nam cần phải có căn phòng riêng nằm trong mái nhà chung của Hội liên hiệp Phụ nữ.

Nắm bắt được nhu cầu chính đáng đó, ngày 25-2-2011, Bộ Nội vụ có Quyết định số 176/QĐ-BNV về việc thành lập Hội nữ trí thức Việt Nam. Hội Nữ trí thức ra đời với mục tiêu quan trọng là tập hợp lực lượng nữ trí thức trong và ngoài nước, phát huy tiềm năng trí tuệ nhằm nghiên cứu đề xuất, tham gia phản biện, xây dựng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong các lĩnh vực có liên quan tới phụ nữ nói chung, nữ trí thức nói riêng.

Chủ tịch Hội nữ trí thức nhiệm kỳ thứ nhất là một cái tên không xa lạ với các nhà khoa học, giáo dục Việt Nam: Giáo sư, TSKH Phạm Thị Trân Châu. Bà là một trong những nhà khoa học hàng đầu về ngành sinh hóa ở Việt Nam. Với chuyên môn và uy tín của mình, bà Trân Châu được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam nhiệm kỳ 2011-2016. Và tiếp tục làm Chủ tịch Hội từ 2016 đến nay.

Kể từ khi hình thành tầng lớp nữ sinh thành thị với các phong trào đấu tranh đòi bình quyền trong những năm đầu thế kỷ XX, đến nay đội ngũ nữ trí thức Việt Nam đã phát triển hùng hậu. Với gần 4.000 hội viên, Hội Nữ trí thức đã có nhiều đóng góp quan trọng trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế- văn hóa- xã hội.

Có thể nói đội ngũ nữ trí thức là một bộ phận tinh hoa của phụ nữ Việt Nam, họ ngày càng phát huy vai trò và khẳng định chỗ đứng vững chắc của mình trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong kỷ nguyên hội nhập quốc tế.

Tạ Thu Phong

Spotlight: “Những câu chuyện như này là lý do chúng ta làm báo!”

Spotlight: “Những câu chuyện như này là lý do chúng ta làm báo!”

Cuối cùng, điều họ lựa chọn, đó là Sự Thật!