PGS. TS Buôn Krông Thị Tuyết Nhung là con gái thứ năm trong một gia đình có tới 12 người con ở buôn Mblơt, xã Ea Bông, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk. Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Tây Nguyên, Tuyết Nhung ở lại trường trực tiếp tham gia giảng dạy Ngữ văn. Năm 2005, tại trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia TP HCM, chị đã bảo vệ thành công học vị tiến sĩ với đề tài “Văn hóa mẫu hệ qua sử thi Êđê”.
PGS. TS Buôn Krông Thị Tuyết Nhung trong một buổi Hội thảo. |
Được nuôi lớn từ chiếc nôi thấm đẫm hương vị đại ngàn, trái tim PGS. TS Tuyết Nhung luôn có ngọn lửa luôn rực cháy niềm đam mê văn hóa, ngôn ngữ các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Từ đó, chị luôn tự nhủ bản thân phải có trách nhiệm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của quê hương. Trên hành trình ấy đã đọng lại trong chị nhiều kỷ niệm vui buồn, những khó khăn trong quá trình nghiên cứu. Mỗi lần chị trở về các buôn làng, được hòa mình vào văn hóa bản địa của bà con, được bà con thương yêu, đùm bọc, bỏ việc lên nương rẫy để ở nhà giúp... Kết quả đó giúp chị có được những công trình nghiên cứu dày công, đầy đủ như: “Văn hóa mẫu hệ qua sử thi Ê Đê”, “Lễ hội truyền thống của người Ê Đê ở Đắc Lắc”, “Văn hóa ẩm thực Êđê”; “Sử thi Y’Khing Jú- H’Bia Ju Yâo”… góp phần đáng kể vào việc bảo tồn và phát huy kho tàng văn hóa, ngôn ngữ, chữ viết của đồng bào các dân tộc thiểu số khu vực Tây Nguyên.
PGS. TS Buôn Krông Thị Tuyết Nhung bên chồng - TS Văn Ngọc Sáng |
Trên bước đường thành công trong công tác nghiên cứu, PGS. TS Tuyết Nhung luôn tự hào về người bạn đời của mình. Đó là TS Văn Ngọc Sáng - từng bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Viện Công nghệ Thông tin châu Á ở Thái Lan. Từ năm 2007 đến nay, vợ chồng PGS. TS Tuyết Nhung và cộng sự đã thực hiện thành công việc số hóa điện tử các từ điển Việt - Jrai, Jrai - Việt; Việt - Stiêng, Stiêng - Việt; M’nông- Việt, Việt - M’nông; Chăm - Việt, Việt - Chăm, làm chủ nhiệm đề tài cấp bộ “Nghiên cứu lễ hội dân gian Êđê”, “Dân ca Êđê”, viết giáo trình dạy tiếng Êđê, giáo trình dạy tiếng Chăm trực tuyến. Công trình nghiên cứu của vợ chồng chị được ứng dụng hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học của nghiên cứu sinh, sinh viên, học sinh... Chị còn tham gia làm đề tài cấp Nhà nước về “Vai trò của nhóm nguồn nhân lực cao đối với tiến trình phát triển kinh tế - xã hội đặc thù vùng Tây Nguyên”, được mời tham gia nhiều đề tài về văn hóa, ngôn ngữ, chữ viết của người Êđê, M’Nông, Jrai, Bahnar...
Quyển sách độc đáo về thầy giáo Y Jút của PGS.TS Buôn Krông Thị Tuyết Nhung và nghệ nhân Võ Văn Hải. |
Một trong những công trình tâm huyết gần đây do PGS. TS Tuyết Nhung cùng nghệ nhân Võ Văn Hải thực hiện là cuốn sách bằng gỗ. Trên đó khắc chữ về cuộc đời, sự nghiệp của thầy giáo Y Jút H’wing, “cha đẻ” của bộ chữ viết tiếng Êđê. Dày công thu thập lại nguồn tư liệu tản mác về thầy Y Jút xong, PGS. TSTuyết Nhung lo phần biên soạn và dịch thuật, còn nghệ nhân Võ Văn Hải ngồi khắc tỉ mỉ tới 3 tháng toàn bộ nội dung lên 12 trang sách chuốt bằng gỗ bạch tùng viền bằng gỗ cà te, nặng gần 50 ký, mang tên “Thầy giáo Y Jút H’wing - người con ưu tú của Tây Nguyên”. Toàn bộ chi phí thực hiện công trình độc đáo này, là từ tiền túi của 2 đồng tác giả. Mới đây, Tổ chức Kỷ lục đã công nhận đây là “Cuốn sách gỗ được viết bằng 4 thứ tiếng Việt, Êđê, Anh, Pháp đầu tiên tại Việt Nam”.
Là người sống trong văn hóa dân tộc, yêu văn hóa dân tộc, mong muốn lớn nhất của PGS. TS Buôn Krông Thị Tuyết Nhung là lan tỏa niềm đam mê cho lớp trẻ. Bởi thực tế là nhiều lễ hội đậm đà bản sắc dân tộc đang dần mất đi, thế hệ trẻ ở các buôn làng ngày càng quên lãng những tập quán tốt đẹp mà cha ông để lại. PGS. TS Tuyết Nhung tiết lộ rằng gần đây, đại diện của Trung tâm nghiên cứu thuộc trường Đại học Paris 7 đã kết nối với nhóm nghiên cứu của chị về việc hợp tác thực hiện công trình số hóa toàn bộ di sản Sử thi Tây Nguyên. Hiện chị đang viết dự thảo đề án, mong tạo được thêm một kênh thông tin giá trị hữu hiệu trong việc bảo tồn tiếng nói, chữ viết và truyền bá văn hóa các dân tộc của Việt Nam ra thế giới.
PGS. TS Lê Thị Kim Phụng: Hãy cứ đam mê, quả ngọt lành sẽ tới
Bà được Forbes Việt Nam bình chọn trong 50 người phụ nữ ảnh hưởng nhất tại Việt Nam ở lĩnh vực khoa học giáo dục.