Sáng 20/9, Triển lãm trực tuyến "Phá cỗ tranh" trưng bày các tác phẩm mới nhất của nhóm họa sỹ G39 gửi đến những người yêu hội họa trong dịp Tết Trung thu năm 2021 đã khai mạc trên trang Facebook "Phòng tranh 39". Do năm nay dịch bệnh diễn biến phức tạp nên các nghệ sỹ không thể tụ họp, thay vào đó họ sẽ trưng đăng tải hình ảnh các bức tranh của mình trên mạng xã hội để mọi người cùng chiêm ngưỡng và bình luận.
Triển lãm "Phá cỗ tranh" (Ảnh: Phòng tranh 39) |
Triển lãm trực tuyến "Phá cỗ tranh" sẽ trưng bày 30 tác phẩm tranh của 17 họa sỹ trong nhóm G39, gồm các họa sỹ Lê Thiết Cương, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Minh Hiếu, Tào Linh, Nguyễn Quốc Thắng, Ngô Thị Bình Nhi, Nguyễn Hồng Phương, Võ Lương Nhi, Vương Linh, Nguyễn Minh, Phạm Trần Quân, Trần Giang Nam (Bắc Cạn).
Đặc biệt, triển lãm còn trưng bày tác phẩm của 5 họa sỹ nhỏ tuổi: Nguyễn Hân Dy (10 tuổi), Nguyễn Quốc Hùng (13 tuổi), Nguyễn Vương Bảo Hân (4 tuổi), Nguyễn Vương Bảo Trân (7 tuổi) và Lê Trâm Anh (13 tuổi).
Các tác phẩm tranh đều về đề tài Trung thu, là tranh mới vẽ trên các chất liệu sơn dầu, acrylic, khắc thạch cao, giấy dó, bột mầu trên báo cũ...
Theo Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, một thành viên trong nhóm họa sỹ, ngày Trung thu của nhóm họa sỹ G39 năm nay được gọi là "Phá cỗ tranh", đây cũng là tên triển lãm online của nhóm họa sỹ G39 và cả các họa sỹ nhỏ tuổi vẽ tranh, về ngày Trung thu năm nay.
Tác phẩm của nhà văn, họa sĩ Nguyễn Quang Thiều |
"Tôi là người sinh hoạt trong nhóm họa sỹ này nhiều năm và đã được công nhận là thành viên của nhóm cách đây 2 năm. Vì thế tôi đóng ''lệ phí'' sinh hoạt năm nay bằng một bức tranh vẽ Trung thu. Tranh màu nước, khổ 50 x 70cm", nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết.
Họa sỹ Lê Thiết Cương chia sẻ, trong các loại cỗ bàn của người Việt, chỉ mỗi cỗ Trung thu là phá cỗ chứ không phải ăn cỗ. Cỗ này là cỗ tranh, cỗ nghệ thuật, cỗ của cái đẹp. Phá là chia sẻ, chia sẻ những bức tranh mới nhất vẽ về Trung thu với bạn bè đồng nghiệp.
Một bức tranh của họa sĩ Lê Thiết Cương tại triển lãm |
“Phá cỗ tranh” hay “Phá cỗ mùa Trăng” khởi từ những cuộc gọi, thư từ hỏi thăm nhau của các họa sĩ Nhóm 39, động viên tinh thần, hy vọng thấy chút màu sắc lạc quan để cùng nhau, cùng mùa trăng vượt qua mùa dịch.
Trên trang cá nhân của mình, họa sĩ Lê Thiết Cương bật mí, anh tham gia bức tranh mang tên Trung thu phố, sau khi xem tranh, nhạc sĩ nhà thơ Nguyễn Thụy Kha đã tức tranh sinh tình bằng các câu thơ: "Phố bay lên trăng/ sao sáng trong người/ sư tử khơi vơi.”
"Trung thu tức là Tết, là sum vầy. Mỗi họa sỹ, mấy bức tranh mới vẽ về mùa Trung thu cùng nhau sum vầy dù chỉ là trên nền tảng internet. Có không khí nào ấm áp hơn thế", họa sỹ Lê Thiết Cương chia sẻ.
Nhóm 39 cũng đã tìm ra những không gian mới, trong đó có việc đưa G39 lên Instagram vào đúng dịp tết Trung thu này với tên 39 Concept (Instagram và Facebook). Tại đây sẽ cập nhật và giới thiệu toàn bộ tác phẩm nghệ thuật, dự án và triển lãm .
Khán giả xem triển lãm sẽ được “phá cỗ tranh” - cỗ của tinh thần, của nghệ thuật để cùng chia sẻ cái đẹp với người yêu hội họa, yêu cuộc sống.
Triển lãm trực tuyến "Phá cỗ tranh" kéo dài 10 ngày, đến hết ngày 30/9/2021. Tác phẩm đầu tiên đã được lên sóng vào ngày 20/9/2021 tại địa chỉ:
https://www.instagram.com/39concept
https://www.facebook.com/39conceptTM
Một số bức tranh tham gia triển lãm:
Tranh Ngô Bình Nhi. Ảnh: Phòng tranh 39. |
Tranh của Tào Linh. Ảnh: Phòng tranh 39. |
Tác phẩm: "Cả nhà đón Trăng" của Nguyễn Hân Dy |
Tác phẩm "Mặt nạ Đời." Kích thước: 50-50/2021 (Chất liệu Tổng hợp) của họa sĩ Nguyễn Hồng Phượng |
Tranh Ngô Bình Nhi. (Ảnh: Phòng tranh 39) |
Việt Nam mua 10 triệu liều vaccine Abdala của Cuba
Bộ Y tế khẩn trương tổ chức mua vaccine Abdala đảm bảo chất lượng, tiến độ, hiệu quả.