Phim Phượng Khấu: Tâm huyết vẫn chưa đủ

“Chưa hay”, có lẽ là nhận xét công bằng nhất cho 3 tập đầu của phim cổ trang nhiều tập (serie) “Phượng Khấu” đang được chiếu độc quyền trên ứng dụng POPS.

Các nhà sản xuất serie này đã khá nhanh nhậy trong việc “bắt trend” phim “cung đấu” đang làm mưa làm gió tại một số quốc gia, để thực hiện một bộ phim với cốt truyện và nhân vật của Việt Nam, liên quan đến hậu cung triều Nguyễn, nhưng có vẻ như vẫn làm… chưa tới.

Mặc dù đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh nói về những sứ mệnh, tầm nhìn lớn lao liên quan đến lịch sử khiến cho ban đầu những người tiếp cận nhìn ra đây là một dự án kỳ vĩ, nhưng trong thực tế những đại cảnh về hoàng cung chỉ ở mức xem được, xử lý bằng kỹ xảo khá nhiều.

Nhà sản xuất Phượng Khấu khá nhanh nhậy trong việc “bắt trend” phim “cung đấu” đang làm mưa làm gió tại một số quốc gia
Nhà sản xuất Phượng Khấu khá nhanh nhậy trong việc “bắt trend” phim “cung đấu” đang làm mưa làm gió tại một số quốc gia

Không thể phủ nhận những chi tiết liên quan đến phục trang, cổ vật là một sự cố gắng từ phía đoàn làm phim, cùng với tâm huyết của các nhà sưu tập, chuyên gia trong việc tìm kiếm, phục dựng nhưng tất cả chỉ được nhấn… ở bên ngoài, trong phim hoàn toàn thiếu những cận cảnh để làm nổi bật cho nổi bật, đây là điều đáng tiếc.

Nói một cách công bằng, Phượng Khấu là một phim chưa từng có tiền lệ, điều này đã tạo ra sức ép quá lớn cho ê kíp sản xuất và cuối cùng là một sự căng cứng không cần thiết. Biểu hiện rõ nhất chính là âm thanh của bộ phim, lúc to, lúc nhỏ vô cùng đột ngột “nguy hiểm” nhưng gây khó chịu cho người xem vì phải “căng tai” không cần thiết.

Có một quy luật phổ biến của phim nhiều tập đó là nội dung phải hay trong khoảng 3-5 tập đầu, sau đó duy trì và phát triển thêm trong khoảng 5-10 tập tiếp theo, nhờ vậy mới hút được khán giả, rồi các tập sau đó muốn “kéo” dài thế nào cũng dễ chấp nhận. Rất tiếc, 3 tập đầu của phim đã để lỡ giai đoạn vàng để chinh phục khán giả. 3 yếu tố được xem là cốt lõi để tạo nên sức hấp dẫn cho một serie bao gồm: Kịch bản (chuyên môn); Độc, lạ (độ hot); diễn xuất, diễn viên và đối chiếu với Phượng Khấu sẽ thấy một điều gì đó “nửa chừng xuân”.

Về kịch bản, có thể nói với cách làm truyền thông không mấy tập trung về nội dung phim, nếu hay, xem như đoàn phim thành công vì tạo ra sự tò mò, háo hức cho khán giả. Nhưng cách làm này của Phượng khấu đã tạo ra hiệu ứng ngược vì xem những tập đầu chưa biết mình xem gì khi các chi tiết vừa bị cắt vụn, lại dài dòng. Các đoạn thoại, phần lớn là trả treo, nhưng không cho thấy sự sâu cay, và nội dung cũng không có “vị” đặc biệt.

Phượng Khấu không thực sự chinh phục được khán giả trong những tập đầu
Phượng Khấu không thực sự chinh phục được khán giả trong những tập đầu

Khá nhiều serie thường đặt tựa cho mỗi tập phim nhằm nhấn mạnh về nội dung, nhưng không thấy điều này có ở Phượng Khấu rốt cuộc xem xong cũng không đọng lại gì trong đầu khán giả. Chẳng hạn, tập 3 phát ngày 19-3 có tình tiết quan trọng là Hoàng tử (cách gọi trong phim là "ông hoàng") Hồng Thụ qua đời sau một âm mưu dàn dựng một vụ hỏa hoạn nhưng lại được diễn đạt một cách vụ về. Khán giả không thấy được sự thâm hiểm của mưu đồ, cũng không rõ tiến trình thực hiện, rồi nạn nhân, đều rất mơ hồ. Và phải nói rằng, kịch bản phim đến giờ là rời rạc, dù xin nhấn mạnh rằng, phim không hề dở, nhưng chưa hay.

Và một điểm mà nhiều người đã dự báo, dù quy tụ dàn diễn viên phải nói là “khủng” từ NSƯT Thành Lộc (Hoàng đế Thiệu Trị), NSND Hồng Vân (Phương Nhậm), Hồng Đào (Hiệu Nguyệt)... đây lại là những ngôi sao có thế mạnh sân khấu, nên từ diễn xuất cho đến lời thoại vẫn có sự pha trộn giữa kịch và phim. Điển hình như đoạn thoại “Ta nhất định trở thành hoàng thái phi” của Hiền phi Ngô Ngọc Kiều (bà phi Hiền) do NSƯT Minh Trang được lựa chọn cho trailer của phim khi cất lên rất trịnh trọng, đậm nét (nhấn ở các chữ hoàng thái phi) cho thấy đây là thoại của kịch chứ không phải của phim.

Phượng Khấu có nhiều chi tiết mang tính chất
Phượng Khấu có nhiều chi tiết mang tính chất "kịch"

Không thể phủ nhận, đẳng cấp và nghệ thuật diễn xuất rất tuyệt vời của từng tên tuổi kể trên, nhưng cảm giác như, mỗi cảnh phim là một nhân vật tỏa sáng, không hề có sự phối hợp, tung hứng, hay đối đầu để tạo nên những phân đoạn đáng nhớ.

Rõ ràng, tâm huyết của cả ê kíp Phượng khấu là điều không thể bàn cãi, nhưng làm những dự án chưa có tiền lệ, và tự nhận mình có trách nhiệm với lịch sử, ngoài có tâm, cần phải có tầm và nên nhớ rằng, đã làm phim thì trước tiên phải “hay”, giống như ẩm thực phải “ngon” rồi hẵng nói gì cũng được. Nhược không đạt được những điều “đơn giản” này thì tất cả những điều có liên quan, kiểu như mỗi tập phim đều có phóng sự hậu trường (BTS-Behind The Scenes) cũng không tạo ra được thêm sức hút với khán giả.

Thái Ca

Thêm nhiều phim Việt gia nhập đường đua phim Tết

Thêm nhiều phim Việt gia nhập đường đua phim Tết

Ngoài “30 chưa phải Tết”, “Đôi mắt âm dương”, có thêm hàng loạt phim Việt xác nhận sẽ ra rạp dịp Tết nguyên đán.