Ra mắt “Lũy hoa” của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng phiên bản 2024

Tác phẩm “Lũy hoa” (truyện phim và nhật ký) của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng do NXB Trẻ ấn hành nhân kỷ niệm 70 năm Ngày tiếp quản Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024)

Truyện phim “Lũy hoa” là một trong những tác phẩm cuối cùng của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng (1912 - 1960), là kết quả của nhiều tâm huyết và tình cảm mà nhà văn dành cho Hà Nội - nguồn cảm hứng lớn cho hành trình sáng tạo nghệ thuật của ông.

“Lũy hoa” là tập truyện phim tái hiện 60 ngày đêm (từ 19/12/1946 đến 17/2/1947) quân và dân ta chiến đấu quả cảm để bảo vệ thủ đô, mở đầu cho cuộc kháng chiến chống Pháp của toàn dân tộc. 60 ngày đêm quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh: 60 ngày đêm chúng ta thấy hoa trên chiến lũy.

Ấn phẩm “Lũy hoa” đã được NXB Trẻ ra mắt bạn đọc đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm Tiếp quản Thủ đô.  
Ấn phẩm “Lũy hoa” đã được NXB Trẻ ra mắt bạn đọc đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm Tiếp quản Thủ đô.  

“Lũy hoa” đã đưa bạn đọc trở về những ngày tháng không thể nào quên đó, chứng kiến người dân tản cư và những người cầm súng cố thủ để chặn bước quân thù. Với những cú chuyển cảnh qua ngòi bút nhà văn tài danh Nguyễn Huy Tưởng, ta thấy lại khung cảnh thân thương những con phố, địa danh của khu vực Liên khu 1 ở Hà Nội với Hàng Gai, Hàng Đào, Hàng Buồm, đình Phất Lộc, Ô Quan Chưởng, chợ Đồng Xuân, cầu Long Biên, bãi Phúc Xá... bắt gặp những con người của Hà Nội thuộc đủ tầng lớp và nghề nghiệp. Họ chiến đấu, họ lao động, họ yêu nhau.

Trong “Lũy hoa” có sự giao thoa giữa sự dữ dội, kịch liệt của chiến sự với nét hào hoa, thanh lịch rất riêng của Hà Nội. Giữa tiếng súng nổ, tiếng lựu đạn, khi những lỗ thông tường nhà kết nối ý chí thủ đô, vẫn có những nụ hôn, có bánh chưng và hoa đào, có tiếng đàn hát và những cặp tình nhân.

Truyện phim “Lũy hoa” và  tiểu thuyết “Sống  mãi  với  Thủ đô” được xuất bản sau khi tác giả qua đời - là kết quả của một quá trình nhà văn Nguyễn Huy Tưởng dồn tâm sức cho đề tài Hà Nội, kể từ đầu năm 1957 cho đến những tháng ngày cuối cùng của cuộc đời, mùa hè năm 1960. Cùng chung đề tài về cuộc chiến bảo vệ Thủ đô, cùng chung niềm cảm hứng về mảnh đất và con người Hà Nội, hai tác phẩm bổ sung, hô ứng cho nhau để trở thành một chỉnh thể gắn bó hữu cơ. 

Trong đó, truyện phim “Lũy hoa” không chỉ được xem như cái khung sườn khả dĩ cho cuốn tiểu thuyết dở dang, mà còn có đủ phẩm chất văn chương để có thể tồn tại như một tác phẩm văn học với một bút pháp riêng: Chắt lọc mà không kém phần tung tẩy, giản dị mà không thiếu vẻ tài hoa. Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng đã ghi lại khá kỹ quá trình viết hai tác phẩm này.

Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng (1912 - 1960)
Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng (1912 - 1960)

Theo giáo sư Phong Lê: “Nếu có một biểu tượng gây ấn tượng nhất trong “Lũy hoa”, đó trước hết là những lỗ tường, thông từ nhà nọ sang nhà kia; chỉ cần chui qua các lỗ tường, là được biết gần như toàn bộ chân dung sinh hoạt và chân dung tinh thần của người Hà Nội.

Những lỗ tường làm gắn nối ý chí chiến đấu, cũng đồng thời xoá bỏ ngăn cách, phân biệt giữa các tầng lớp cư dân, khi cuộc sống bình thường bỗng chuyển sang những giờ phút căng thẳng, đầy kịch biến. Và sau các lỗ tường là những chướng ngại vật, chất cao trên khắp các đường phố, gồm những cột điện, tủ, bàn, giường, ghế, xe tay, xe bò, xích lô, cùng với tất cả những gì có trong mỗi căn nhà, sau mỗi biển hiệu, mà người dân không thể mang theo, và cũng không muốn để cho địch sử dụng...

Việc đặc tả hai biểu tượng này quả đã đem lại cho “Lũy hoa” những trang hay; ai không sống, không chứng kiến với tất cả xót xa, thương quý và tự hào về Hà Nội, khó viết được những trang như thế”.

“Nếu “Sống mãi với Thủ đô” tạm dừng ở 3 ngày đêm đầu của cuộc chiến thì “Lũy hoa” cho ta chứng kiến cuộc chiến diễn ra  trong suốt 60 ngày đêm, cho đến khi Trung đoàn Thủ đô rút ra khỏi Hà Nội, để cùng toàn dân tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ, theo lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch; cùng với một khúc vĩ thanh đậm in dấu ấn lãng mạn 7 năm sau đoàn quân chiến thắng trở về, trên những phố xưa... Có nghĩa là “Lũy hoa” nhận sứ mệnh thực hiện nốt phần còn lại của “Sống mãi với Thủ đô” - cuốn tiểu thuyết nếu Nguyễn Huy Tưởng thực hiện được trọn vẹn thì đó sẽ là tác phẩm có quy mô lớn nhất của nền văn xuôi Việt Nam hiện đại, tính cho đến ngày nhà văn qua đời” - GS Phong Lê chia sẻ.

Bìa cuốn “Lũy hoa” xuất bản năm 1960 do họa sĩ Văn Cao thể hiện.
Bìa cuốn “Lũy hoa” xuất bản năm 1960 do họa sĩ Văn Cao thể hiện.

“Lũy hoa” từng đã được một số NXB in, nhưng đặc biệt, trong bản in lần này do NXB Trẻ ấn hành, có ảnh chụp những trang bản thảo viết tay của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, hình bản bìa đầu tiên (NXB Văn học ấn hành năm 1960) do họa sĩ Văn Cao vẽ, kèm nhật ký của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng ghi lại quá trình sáng tác “Lũy hoa” và “Sống mãi với Thủ đô”.

Trích nhật ký của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng: “Tuân đi Tây Bắc. Nói chuyện về kịch bản của mình. Ngoài việc chiến đấu, phải gợi lên cảnh Hà Nội. Cảnh Hà Nội thật nên thơ, thật cổ kính, của một thời kỳ đã qua. Nhưng rồi sắp hết trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Phải ghi lại những hình ảnh của Hà Nội, về người, về cảnh, về phố phường. Vì nó sắp mất. Mà nó sẽ có tác dụng ở trong nước. Ở ngoài nước. Ở Varsovie. Ở Khmer, khi đồng bào miền Nam tới xem: Có thể có người khóc. Tuân có ý động viên. Khuyên nên tập trung vào phim. Đừng nghĩ gì đến tiểu thuyết vội. Và trong thâm tâm cũng thấy đồng ý với lời khuyên của bạn” (10-9-1954).

Còn nhà văn Nguyễn Tuân, trong lời bạt cuốn “Lũy hoa”, đã chia sẻ: “Tôi là một người tích cực trong số những người động viên Nguyễn Huy Tưởng viết truyện phim này. Vui miệng, tôi có bảo Tưởng: “Ông cứ viết đi. Lúc nào quay, tôi xin đóng một vai. Ông là một người Hà Nội, ông làm phim về đề tài Hà Nội bảo vệ Thủ đô; tôi là một người của Hà Nội, tôi cũng có cái thích thú muốn đóng một vai trong đó. Đóng vai chính hay vai phụ, vai trung hay vai nịnh, tôi không chú trọng lắm. Miễn là góp mặt vào đó, góp mình vào một cái sáng tác của bạn mình… Tên ông lên áp phích, ông cho tôi một dòng chữ con gọi là ké vào đấy”. Nguyễn Huy Tưởng mỉm cười, sau cái cười đó là “Lũy hoa” hoàn thành bản thảo”.

Vào năm 1930, Nguyễn Huy Tưởng đã tham gia các hoạt động yêu nước của thanh niên, học sinh ở Hải Phòng. Tại đây, ông tham gia Hội Truyền bá quốc ngữ, phong trào hướng đạo sinh, gia nhập nhóm Văn hóa cứu quốc bí mật. Tiếp đó, ông hoạt động ở Hà Nội, Nam Định, Phúc Yên.

Tháng 8/1945, Nguyễn Huy Tưởng đi dự Đại hội quốc dân ở Tân Trào. Ông còn là đại biểu văn hóa cứu quốc, giúp biên tập các tờ báo Cờ giải phóngTiên Phong. Tiếp đó, ông giữ chức vụ Tổng thư ký Ban Trung ương Vận động đời sống mới. Cách mạng Tháng Tám thành công, Nguyễn Huy Tưởng trở thành người lãnh đạo chủ chốt của Hội Văn hóa cứu quốc. 

Tới năm 1946, Nguyễn Huy Tưởng là đại biểu Quốc hội khóa 1. Tháng 4 năm đó, vở kịch “Bắc Sơn” của ông được công diễn ở Nhà hát Lớn Hà Nội đem lại thành công lớn. Tháng 7, ông được bầu là Phó thư ký Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam. Tháng 12/1946, toàn quốc kháng chiến, ông tổ chức và đưa Đoàn văn hóa kháng chiến lên Việt Bắc. Tiếp tục hoạt động văn hóa, ông là ủy viên Thường vụ Hội Văn nghệ Việt Nam, thư ký toà soạn Tạp chí Văn nghệ và tham gia tiểu ban Văn nghệ Trung ương Đảng. Sau hòa bình 1954, ông làm Ủy viên ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa I. Ông là người sáng lập và là giám đốc đầu tiên của NXB Kim Đồng.

Là một nhà văn, nhà viết kịch nổi tiếng của Việt Nam, Nguyễn Huy Tưởng là tác giả của những tiểu thuyết lịch sử, vở kịch lớn như: “Vũ Như Tô”, “Đêm hội Long Trì”, “Bắc Sơn”, “Những người ở lại”, “Sống mãi với Thủ đô”, “Lũy hoa”, “An Tư công chúa”, “Lá cờ thêu sáu chữ vàng”, “Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng” (3 tập, dày 1.700 trang)…

“Sống mãi với Thủ đô” là một trong số những tác phẩm được tái bản nhiều lần.
“Sống mãi với Thủ đô” là một trong số những tác phẩm được tái bản nhiều lần.

Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng bị bệnh hiểm nghèo và mất ngày 25/7/1960 tại Hà Nội, hưởng dương 48 tuổi, 3 tháng trước khi cuốn “Lũy hoa” được in. Năm 1995, HĐND TP.Hà Nội đã đặt tên ông cho một phố của thủ đô. Ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 1996.

Với việc ra mắt phiên bản “Lũy hoa” lần này, sẽ giúp bạn đọc thêm một dịp hồi tưởng về quá khứ hào hùng của đất nước, hiểu thêm và yêu thêm Hà Nội, qua con mắt một người đã trút hết sức lực và tâm lực để viết về thủ đô, đồng thời tăng thêm niềm vui cho gia đình cố nhà văn.

Anh Nguyễn Huy Thắng - con trai của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng - giãi bày: “Ấn phẩm “Lũy hoa” do NXB Trẻ ấn hành lần này, được ra mắt vào đúng dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Tiếp quản Thủ đô rất có ý nghĩa. Với độ lùi hơn 6 thập niên, cuốn sách đã khéo kết hợp yếu tố lịch sử với xu hướng tiếp nhận tri thức của bạn đọc ngày hôm nay.

Cùng với kịch bản phim, cuốn sách đăng tải 40 trang nhật ký của Nguyễn Huy Tưởng, viết trong khoảng thời gian từ 1957 đến 1960 - những ngày ông lao tâm khổ tứ với tiểu thuyết “Sống mãi với Thủ đô” và truyện phim “Lũy hoa” - hai tác phẩm vừa như một sự tiếp nối, vừa như một cặp đôi của cùng một chỉnh thể. Nhân - Dân - Thắng, tiêu đề phần nhật ký được lẩy ra từ chính ngòi bút ông, có thể coi như một thông điệp của tác giả gửi gắm qua tác phẩm của mình”.

Lê Quang Vinh

Người dân háo hức check-in dịp kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô

Người dân háo hức check-in dịp kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô

Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954 đánh dấu chặng đường phát triển của Thủ đô Hà Nội, là mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước.