Rủi ro về nợ khiến các công ty bất động sản Trung Quốc điêu đứng

Mức độ rủi ro đối với các khoản nợ ở châu Á đã vượt qua mức cao nhất của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009 do sự tụt hạng của các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc kể từ cuối năm ngoái, cơ quan xếp hạng Moody’s cho biết hôm thứ Tư (15/6).

Trong số các công ty có giá cổ phiếu cao ở châu Á ngoài Nhật Bản được Moody’s đưa vào danh mục tương đối rủi ro, cổ phiếu có xếp hạng đầu cơ nhiều nhất là “âm B3” hoặc thấp hơn, đã tăng gần gấp đôi so với năm ngoái – lên mức cao kỷ lục 30,5% tính đến tháng Năm, Moody's cho biết.

Con số này cao hơn mức 27,3% cổ phiếu được ghi nhận vào tháng 5/2009, trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, báo cáo cho biết. Năm đó, chỉ có 3 nhà phát triển bất động sản Trung Quốc nằm trong tỷ lệ rủi ro đó, so với 24 vào tháng 5/2022, Moody’s cho biết thêm.

Rủi ro về nợ tăng vượt mức, các nhà phát triển Trung Quốc điêu đứng - Ảnh 1.

Dữ liệu đầu tư vào tài sản cố định trong 5 tháng đầu năm 2022 cho thấy đầu tư vào bất động sản đã giảm với quy mô lớn hơn so với 4 tháng đầu năm.

Không rõ liệu kỷ lục mới này có cho thấy một cuộc khủng hoảng tài chính sắp xảy ra hay không.

Trái phiếu có lợi suất cao vốn đã rủi ro hơn các sản phẩm được coi là "hạng đầu tư", tuy nó mang lại lợi nhuận cao hơn nhưng đi kèm với đó là rủi ro lớn hơn. 

"Âm B3" là mức xếp hạng thấp nhất cho danh mục biểu thị các tài sản "đầu cơ và có rủi ro tín dụng cao" trong hệ thống của Moody's.

Moody's nhiều lần hạ cấp tín nhiệm các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc

Việc "xếp hạng rủi ro" cao kỷ lục là do một loạt các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc bị tụt hạng sau khi các nhà đầu tư lo lắng về khả năng các công ty này không thể trả nợ đúng hạn ngày càng tăng.

Moody’s cho biết, họ đã công bố  91 lần hạ cấp đối với các nhà phát triển bất động sản lớn của Trung Quốc trong 9 tháng qua.

Đó là một tốc độ kỷ lục, cơ quan cho biết, họ chỉ ban hành 56 lần hạ cấp cho các công ty như vậy trong 10 năm cho đến tháng 12/2020.

Rủi ro về nợ tăng vượt mức, các nhà phát triển Trung Quốc điêu đứng - Ảnh 2.

Moody's là một trong ba hãng định mức tín dụng nổi tiếng nhất (Big 3) trên thế giới.

Báo cáo lưu ý rằng, trái phiếu của một số nhà phát triển Trung Quốc đã nhận được nhiều hơn một lần hạ cấp. Những cái tên trong danh sách “âm B3” hoặc thấp hơn mà Moody’s công bố bao gồm Evergrande, Greenland, Agile Group, Sunac, Logan, Kaisa và R&F. Evergrande lọt vào danh sách trong tháng 8/2021, trong khi một số hãng chỉ được thêm vào tháng 5/2022.

Kelly Chen, phó Chủ tịch kiêm nhà phân tích cấp cao của Moody’s Investors Service, cho biết: “Việc hạ cấp của chúng tôi phản ánh môi trường hoạt động rất khó khăn hiện nay đối với các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc kết hợp với môi trường tài trợ eo hẹp cho tất cả họ”.

Bà nói: “Tất cả chúng tôi đều nhận thấy doanh số bán hàng theo hợp đồng khá thấp và chúng tôi chưa thấy sự phục hồi đáng kể khi phản ứng với các chính sách hỗ trợ”, bà nói và nhấn mạnh rằng hiệu quả có thể sẽ thấy trong nửa cuối năm.

Thách thức về tài chính

Chính quyền trung ương và chính quyền địa phương của Trung Quốc đã cố gắng hỗ trợ thị trường bất động sản trong vài tháng qua bằng cách cắt giảm lãi suất thế chấp và giúp người dân mua căn hộ ở các thành phố khác nhau dễ dàng hơn.

“Đối với việc cấp vốn cho nhà phát triển, tôi nghĩ thị trường biết rằng kể từ nửa cuối năm ngoái, các ngân hàng thương mại đã thận trọng về cơ bản đối với lĩnh vực này, đặc biệt là các ngân hàng tư nhân (không thuộc sở hữu nhà nước)”, Hans Fan, phó Giám đốc Trung tâm Nguyên cứu CLSA tại Hong Kong (Trung Quốc), cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại vào tuần trước.

Một số thận trọng vẫn còn. Ông nói: “Từ đầu năm đến nay, những gì chúng tôi thấy là các ngân hàng đang cho các doanh nghiệp nhà nước vay nhiều hơn cho mục đích mua bán và sáp nhập. Đó là điều được khuyến khích”.

Tại cuộc họp cấp cao nhất của Bộ Chính trị vào cuối tháng 4, Bắc Kinh đã kêu gọi thúc đẩy thị trường bất động sản ổn định và lành mạnh, đồng thời kêu gọi hỗ trợ từ chính quyền địa phương trong việc cải thiện điều kiện bất động sản trong khu vực. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh - nhà là để ở - không phải để đầu cơ.

Tuy nhiên, các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc cũng phải đối mặt với môi trường tài chính khó khăn ở nước ngoài.

“Các công ty được xếp hạng từ "âm B3" trở xuống đã từng đối mặt với những thách thức trong việc phát hành trên thị trường trái phiếu bằng USD”, Moody’s cho biết trong báo cáo hôm thứ Tư vừa qua. “Với các điều kiện tín dụng thắt chặt hơn hiện nay, thị trường trái phiếu bằng USD cũng dần đóng cửa đối với các công ty đưa ra lãi suất cao của châu Á”.

Kết quả là, cơ quan này cho biết lượng phát hành trái phiếu có lợi suất cao đã giảm 93% trong 5 tháng đầu năm so với một năm trước, xuống còn 1,2 tỷ USD.

Sẽ có thêm nhiều công ty bị hạ mức tín nhiệm

Lĩnh vực bất động sản khổng lồ của Trung Quốc đã phải chịu áp lực trong hai năm qua khi Bắc Kinh tìm cách hạn chế sự phụ thuộc nhiều của các nhà phát triển vào nợ để tăng trưởng.

Nhiều nhà phát triển, đặc biệt là Evergrande, đã phát hành khoản nợ trị giá hàng tỷ USD. Các nhà đầu tư lo ngại các vụ vỡ nợ sẽ tràn sang phần còn lại của nền kinh tế Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới.

Rủi ro về nợ tăng vượt mức, các nhà phát triển Trung Quốc điêu đứng - Ảnh 3.

Evergrande Group và một số nhà phát triển khác có nguy cơ vỡ nợ trong năm nay.

Evergrande vỡ nợ vào tháng 12. Một số nhà phát triển bất động sản khác của Trung Quốc cũng đã vỡ nợ hoặc không trả được lãi suất.

"Moody’s dự kiến sẽ có nhiều nhà phát triển bất động sản Trung Quốc vỡ nợ trong năm nay", bà Chen cho biết và  nói thêm rằng, hơn một nửa trong số 50 công ty trong lĩnh vực bất động sản Trung Quốc được xem là tiêu cực hoặc đang được xem xét để hạ cấp.

Công ty ước tính rằng, bất động sản và các lĩnh vực liên quan chiếm 28% tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc. Hôm thứ Ba (14/6), Moody’s đã cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Trung Quốc từ 5,2% xuống 4,5%, dựa trên tác động của Covid-19, suy thoái thị trường bất động sản và rủi ro địa chính trị.

Dữ liệu được công bố trong tuần này cho thấy thị trường bất động sản vẫn tiếp tục trầm lắng.

"Đầu tư bất động sản trong 5 tháng đầu năm nay đã giảm 4% so với cùng kỳ năm trước, mặc dù tăng trưởng tổng thể trong đầu tư tài sản cố định", Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết hôm thứ Tư.

Giá bất động sản tại 70 thành phố của Trung Quốc vẫn giảm trong tháng 5, tăng 0,1% so với một năm trước, theo phân tích của Goldman Sachs về dữ liệu chính thức được công bố hôm thứ Năm.

(Nguồn: CNBC)

Thảo Vy