Rượu nếp chị Quý

Cái hạt rượu nếp cái thì vàng óng như tảng mật ong, còn rượu nếp cẩm đen bóng như nhung, ăn như ăn nhộng ăn ong, ngọt dịu, nồng nàn chút men.

Rượu nếp, một món ăn đã định vị trong ẩm thực Hà thành từ xưa đến nay vào mỗi dịp tết Đoan ngọ (diệt sâu bọ, mùng 5 tháng 5 âm lịch). 

Tôi nhớ ngày nhỏ cứ đến ngày 3, 4 tháng 5 âm lịch, nhà tôi lại mua gạo, men làm rượu nếp. Nhớ mẹ đồ gạo xong tãi ra cái mẹt, chị em tôi thi nhau véo nắm gạo đồ để ăn, gạo làm rượu nếp ăn rất ngon, ko giống như xôi đồ hạt trắng, mà hạt gạo làm rượu nếp còn một lớp áo bên ngoài nên màu ngà vàng ăn vào miệng nó cứ lép bép, dẻo mềm ngọt lịm nữa. Bởi vậy nên mẹ tôi thường đồ nhiều gạo để cho các con ăn, rồi còn đủ để ủ một mẻ rượu nếp. Cách làm rượu nếp thì ai cũng biết, nhưng để làm được rượu nếp ngon thì không phải ai cũng làm được, nếu không sượng thì cũng nát cay, mẹ tôi cũng vậy bao năm làm nhưng không thể đạt được trình độ ngon tuyệt diệu như người dân làng Phú Thượng. 

Ảnh minh họa: internet.
Ảnh minh họa: internet.

Tôi biết đến rượu nếp Phú Thượng qua sự mách bảo của một nữ nhà văn người Hà Nội nhà ở phố Yên Phụ. Theo bà thì không đâu có thể làm rượu nếp ngon bằng người dân làng Phú Thượng, Tây Hồ. Cái hạt rượu nếp cái thì vàng óng như tảng mật ong, còn rượu nếp cẩm thì đen bóng như nhung. Điều đặc biệt là khi ăn miếng rượu nếp cứ như ăn nhộng ăn ong, lép bép, ngọt dịu, nồng nàn chút men. Ăn chỉ biết no, không biết chán cũng chẳng say. 

Làng Phú Thượng thì nhiều nhà nấu xôi nhưng làm rượu nếp ngon thì chỉ có nhà chị Quý, ở ngay đầu làng. Chị Quý học nghề từ bà mẹ chồng. Bà Công Thị Như (nhưng mọi người vẫn gọi bà theo tên chồng là bà Dư), một người bán rượu nếp nổi tiêng ở chợ Thụy Khuê mấy mươi năm trước. Mẹ chồng chị nhỏ người, răng đen hạt na, cười nói rất có duyên.

Bà kể ngày xưa đi bán rượu nếp rong, không ngồi cố định một chỗ, nhưng ai mua, ăn rồi cũng nhớ bà. Nhớ ở tiếng rao mời khách mua, nhớ ở hương vị rượu nếp chín đủ độ thơm ngon, thoang thoảng mùi hương của lá sen Tây Hồ mà bà thường dùng làm nắp đậy rổ rượu, nhớ nhất có lẽ là rượu nếp của nhà bà thường không có nước rượu để dưới hoặc chan lên bát rượu trước khi ăn. Ai nói gì, trách gì bà cũng chỉ cười hiền mà giải thích chứ không nặng nhẹ câu nói. Bởi vậy người mua quà nhớ bà, quý bà nhiều lắm. Bây giờ bà đã nghỉ nhiều năm rồi mà khách xưa vẫn nhớ, vẫn tìm đến hỏi thăm bà.

Ảnh minh họa: internet.
Ảnh minh họa: internet.

Chị Quý, người Sơn Tây, về làm dâu rồi học nghề làm rượu nếp từ mẹ chồng. Chị Quý không giống mẹ chồng ở dáng vẻ thanh mảnh, nhưng chị giống bà ở cái tính xuề xòa, dễ gần, dễ mến. Bán hàng thì xởi lởi, dễ tính. Cân hàng bao giờ cũng thừa chứ không khi nào đủ hoặc thiếu. Đặc biệt là rất giữ chữ tín, nếu như khách hàng phản ánh về chất lượng rượu không ngon chị sẽ bù lại cho đơn hàng lần sau. Bởi vậy nên nhà chị ngày nào cũng trên dưới chục cân rượu nếp bán buôn khắp nơi.

Người dân làng Phú Thượng nhiều nhà lấy hàng nhà chị đi bán khắp chợ Hà Nội. Rượu nếp nhà chị không những ngon, ăn một lần sẽ nhớ mãi, và cũng khó có thể có hàng nào khác ngon bằng. Thêm nữa chị rất quý người, xởi lởi trong buôn bán, không so đo tính thiệt hơn, nên nhiều người đến mua hàng của chị cũng không tài nào bỏ được mối hàng này. Và có lẽ như các cụ nói: Vía dễ nên hàng trôi. Người lấy hàng của chị bán chẳng mấy khi ế bao giờ. Nên ai cũng thích lấy hàng nhà chị để bán.

Bố chồng mất, rồi chồng chị cũng mất sớm, mẹ chồng và nàng dâu bao năm qua chỉ trông vào nghề làm rượu nếp mà chèo chống nuôi dạy các con, cháu khôn lớn trưởng thành. Đây cũng chính là sự thành công của một người phụ nữ lành nghề trên đất Hà Nội.

Cát Hoa

Mâm cúng Tết Đoan Ngọ mùng 5 tháng 5 gồm có những gì?

Mâm cúng Tết Đoan Ngọ mùng 5 tháng 5 gồm có những gì?

Tùy vào điều kiện của mỗi gia đình mà có thể chuẩn bị giản dị hơn nhưng cũng cần bày biện một cách tươm tất để thể hiện lòng thành.