Sean Liang bắt đầu nghĩ đến "lời nguyền tuổi 35" khi mới bước sang độ tuổi 30.
Tại Trung Quốc, người ta thường tin rằng những người lao động cổ cồn trắng như Sean Liang sẽ phải đối mặt với sự bất ổn trong sự nghiệp khi bước sang tuổi 35. (Cổ cồn trắng là thuật ngữ chỉ người làm công ăn lương như mọi công nhân. Tuy nhiên, họ có những điều kiện làm việc dễ chịu và an toàn hơn so với những "cổ cồn xanh" của đối tượng công nhân). Điều tạo nên sự "khác biệt" của nhóm người lao động này trong mắt nhà tuyển dụng: Họ yêu cầu được trả lương cao hơn nhưng không sẵn sàng làm thêm giờ như những sinh viên mới ra trường.
Quay lại với Sean Liang (38 tuổi), anh đã phải chuyển từ công việc nhân viên hỗ trợ kỹ thuật sang huấn luyện viên cá nhân. Anh đã thất nghiệp trong suốt 3 năm qua, một phần do đại dịch Covid-19, một phần vì nền kinh tế trì trệ của đất nước tỷ dân.
Với Sean Liang, nguyên nhân chính đẩy anh vào tình trạng thất nghiệp là do tuổi tác. Anh đã "quá già" đối với nhà tuyển dụng và thị trường việc làm Trung Quốc - nơi giới hạn tuyển dụng cho hầu hết các vị trí công chức dưới 35 tuổi. "Mặc dù tôi trông khá trẻ nếu tập thể dục. Tuy nhiên mọi người thường nghĩ về chúng tôi là người bị xã hội loại bỏ", Sean Liang chia sẻ.
Ảnh minh hoạ |
"Lời nguyền tuổi 35" là gì?
Thời gian gần đây, những trường hợp tương tự như Sean Liang đã khiến thuật ngữ "lời nguyền tuổi 35" trở thành chủ đề nóng trên các trang MXH của Trung Quốc. Theo CNN, thuật ngữ này lần đầu xuất hiện để mô tả tin đồn các tập đoàn công nghệ lớn đang sa thải hàng loạt lao động đứng tuổi. Qua thời gian, "lời nguyền tuổi 35" trở nên phổ biến đến mức được các quan chức cấp cao Trung Quốc đề cập đến.
Trên mạng xã hội và các website tuyển dụng tại Trung Quốc, rất nhiều bản mô tả công việc nêu rõ yêu cầu ứng viên "dưới 35 tuổi", dù nhiều chuyên gia cho hay đây chưa được coi là tuổi trung niên. Hồi tháng 6, một Đạo quán ở Trung Quốc gây nhiều tranh cãi khi thông báo chỉ tuyển đạo sĩ "dưới 35 tuổi".
Các học giả, quan chức hàng đầu Trung Quốc cũng thừa nhận vấn đề về "lời nguyền tuổi 35". Hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã từng nêu các giải pháp có thể giải "lời nguyền" này, gồm đề ra chính sách ưu tiên lao động trên 35 tuổi, hỗ trợ tài chính cho họ và có các quy định chống phân biệt tuổi tác trong tuyển dụng.
Nhưng các giải pháp này có thể không được áp dụng đủ nhanh với hàng triệu người thuộc thế hệ Millennial ở Trung Quốc, trong bối cảnh nền kinh tế ở quốc gia tỷ dân phục hồi chậm sau Covid-19, còn tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức cao.
Một trong những lý do khiến "lời nguyền tuổi 35" ngày càng được chú ý là bởi sự phát triển của ngành công nghệ và văn hoá 996 của Trung Quốc (làm việc từ 9h sáng đến 9h tối, 6 ngày/tuần). Đây là khung làm việc nặng nhọc và rất khó thực hiện với những nhân viên lớn tuổi đã lập gia đình, song lại được áp dụng phổ biến trong lĩnh vực công nghệ non trẻ, có mức độ cạnh tranh cao.
Trong bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn, "lời nguyền tuổi 35" đã gây ảnh hưởng gấp đôi với những lao động ở tuổi 35 - người cần đưa ra quyết định quan trọng về sự nghiệp, hôn nhân và vai trò làm cha mẹ.
Ảnh minh hoạ |
Người lao động chịu ảnh hưởng như thế nào từ "lời nguyền tuổi 35"?
"Lời nguyền tuổi 35" không chỉ ảnh hưởng đến tiền lương, việc làm mà còn là cơ hội tìm kiếm bạn đời của người lao động Trung Quốc.
Hiện Sean Liang đã chuyển về quê nhà Quảng Châu, sau khi không thể trả đủ tiền thuê nhà hàng tháng. Ở độ tuổi 38, Sean Liang không có công việc ổn định và chưa lập gia đình. Anh nói, chỉ những người có công việc ổn định, chẳng hạn làm trong các cơ quan chính phủ và là giáo viên, mới có đủ khả năng để lập gia đình.
Và Sean Liang chắc chắn không phải là người duy nhất chịu ảnh hưởng bởi "lời nguyền tuổi 35". Sự phân biệt này ảnh hưởng đến tất cả những người lao động lớn tuổi. Nhưng những người mới 30 tuổi có thể cảm nhận sâu sắc nhất vì đây là lần đầu tiên họ trải qua điều đó.
Flynn Fan bắt đầu lo sợ bước sang tuổi 35 khi anh mới 30 tuổi. Bởi anh ta biết rằng, mình có thể bị loại khỏi thị trường lao động trong vài năm tới.
Flynn Fan cho hay, ở công ty gần nhất của anh, hầu hết các đồng nghiệp đều độc thân hoặc đã kết hôn nhưng chưa có con. Phải làm thêm giờ mỗi ngày là chuyện nằm ngoài tầm kiểm soát của họ. Flynn Fan chưa bao giờ tan làm trước 11h đêm trong 3 tháng của năm 2021 và anh bắt đầu dùng thuốc chống lo âu.
Cuối năm ngoái, Flynn Fan cùng với hầu hết đồng nghiệp bị sa thải khỏi một công ty trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo ở Thượng Hải. Trong 6 tháng qua, Flynn Fan đã gửi CV của mình tới hơn 300 công ty và chỉ nhận được 10 lời mời phỏng vấn. Tuy nhiên, chàng trai vẫn ở tình trạng thất nghiệp.
Hiện tại, không chỉ hạ tiêu chuẩn xuống còn tìm việc với mức lương thấp hơn 20 - 30% so với công việc cũ, Flynn Fan còn tìm thêm cơ hội tại các thành phố gần Thượng Hải. Ở độ tuổi 35, Flynn Fan thấy bản thân còn trẻ. "Nhưng đối với xã hội, đây là độ tuổi để nghỉ hưu", Flynn Fan nói.
"Lời nguyền tuổi 35" khiến nhiều người trẻ không dám nghĩ đến chuyện kết hôn và sinh con (Ảnh minh hoạ) |
Một trường hợp khác, Sissi Zhang (32 tuổi) đã nhận được phản hồi trực tiếp từ các nhà tuyển dụng rằng "cô đã quá già".
Chia sẻ với truyền thông, cô đưa ảnh chụp màn hình thông tin tuyển dụng của một công ty kinh doanh sản phẩm dành cho mẹ và bé sơ sinh. Theo đó, những công ty này đều giới hạn độ tuổi tuyển dụng dưới 32. Một người giám sát còn từng nói với Sissi Zhang rằng sẽ thay thế cô bằng một sinh viên trẻ mới tốt nghiệp, đã trải qua 3 tháng đào tạo.
Là phụ nữ, Sissi Zhang từng phải đối mặt với rất nhiều sự phân biệt đối xử ở thị trường lao động. Từ năm 25 tuổi, cô đã phải trả lời rất nhiều câu hỏi của cấp trên về dự định sinh con. Sau khi cô chia sẻ rằng mình và chồng không có kế hoạch có em bé, họ tiếp tục hỏi bố mẹ cô nghĩ thế nào về quyết định này.
Sissi Zhang - một chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông đã gửi tin nhắn cho hơn 3.000 công ty và CV cho hơn 300 công ty sau khi bị sa thải vào tháng 9 năm ngoái. Song, cô chỉ nhận chưa đến 10 cuộc phỏng vấn. Tháng trước, một công ty nhỏ cuối cùng đã mời cô làm việc.
Sissi Zhang nhận công việc với một tâm trạng không hào hứng và vui vẻ. "Tôi từng có kỳ vọng mình sẽ được thăng chức, tăng lương và có cuộc sống tốt hơn. Đến bây giờ thì chẳng còn gì. Tôi chỉ kỳ vọng bản thân có thể sống tốt và sống sót".
Ở thời điểm hiện tại, Sissi Zhang và chồng đều cảm thấy không thể nuôi con. Khi Sissi Zhang còn thất nghiệp, họ phải trả khoản vay, vật lộn cuộc sống trong nỗi lo lắng chồng cô có thể mất việc.
Sự lo lắng đó khiến họ đặt câu hỏi liệu việc sinh con có công bằng với đứa trẻ hay không. Cô đã trích dẫn một câu nói phổ biến trên MXH: "Nếu một đứa trẻ sinh ra để thừa hưởng sự vất vả, nỗi sợ hãi và nghèo khó của người khác thì việc không có con cũng là một loại lòng tốt”.
Nguồn: CNN, The New York Times
Trung Quốc ngừng công bố dữ liệu thất nghiệp, nhà đầu tư phản ứng ra sao?
Trung Quốc tạm dừng công bố số liệu thất nghiệp cho các nhóm tuổi 16-24 và 25-59, với lý do cần cải thiện hơn nữa và tối ưu hóa số liệu thống kê khảo sát lực lượng lao động.