Khi còn là học sinh, ai cũng mong ngày tốt nghiệp đến thật nhanh để được làm người lớn, không còn phải động đến sách vở. Rồi khi trưởng thành, ta lại muốn mình bé lại, vô tư cắp sách đến trường trong vòng tay của thầy cô. Mong muốn là vậy, nhưng liệu mấy ai thường xuyên kết nối với thầy cô, mỗi năm đều có thể về thăm họ?
Mới đây, một bài viết của một giáo viên ở Trung Quốc, giải thích "vì sao học sinh kém thường về thăm thầy cô cũ hơn học sinh giỏi" thu hút sự chú ý và tranh luận. Người này cho biết, mình có 10 năm kinh nghiệm làm giáo viên, có 3 thế hệ học sinh cấp 3 đã được thầy dẫn dắt. "Khi nói đến chuyện học sinh cũ về thăm thầy cô, đồng nghiệp tôi thường nói rằng, học sinh giỏi thì lo học, tình cảm hời hợt, bạc bẽo trong các mối quan hệ; còn học sinh kém tuy học không giỏi nhưng trải nghiệm nhiều, biết cách đối nhân xử thế. Lúc đó tôi chỉ ậm ờ cho qua, chứ không muốn bàn luận thêm", người này nói.
Ảnh minh họa |
Sở dĩ "ậm ừ" là vì, tuy đồng tình với quan niệm cho rằng "học sinh giỏi ít thăm thầy cô hơn" nhưng người này lại có cách giải thích khác.
Lý do đầu tiên là bởi vì đa số học sinh giỏi sẽ có hướng phát triển cao và xa hơn so với học sinh kém, có thể là họ đi du học, đi nước ngoài làm việc, hoặc đến một nơi xa. Thời còn đi học, có thể họ cảm thấy thầy cô giáo của mình rất tốt, giải đáp được nhiều vấn đề. Nhưng khi đến một môi trường mới, gặp gỡ với nhiều người hơn thì sự giúp đỡ của thầy cô khi xưa dường như không còn đủ nữa. Việc xây dựng và duy trì mối quan hệ với giáo viên cũ không còn là mối ưu tiên hàng đầu nữa.
Lý do tiếp theo là vì học sinh giỏi sẽ ý thức được bản thân nên làm gì vào lúc nào. Lúc cần học, họ sẽ cố gắng học hết sức mình, lúc đi chơi chẳng ngại hết mình,... và cả nhiều vấn đề khác trong cuộc sống nữa. Hhọ rất rõ ràng kết quả học tập tốt xấu của mình là do bản thân chưa đủ cố gắng hay đang lơ là quá nhiều. Các em học sinh giỏi bền vững hiểu bản thân cần phải đậu đại học, thậm chí còn định hướng trước mình sẽ học ngành nào trường nào. Cho nên khi học, nếu có vấn đề không hiểu, họ sẽ hỏi ngay, và lúc này thì giáo viên sẽ quan trọng hơn một ít, còn bình thường thì họ đã tự giác làm điều mình cần rồi, dù là giáo viên chủ nhiệm cũng không cần lo lắng hay quan tâm chăm sóc quá nhiều.
Lý do thứ ba, học sinh tài giỏi có phần ít là do may mắn, phần nhiều vẫn đến từ sự chăm sóc, bồi dưỡng và phương thức giáo dục trẻ của gia đình. Một đứa trẻ được sống trong sự quan tâm và thương yêu của bố mẹ, có thể chúng không thật xuất sắc, nhưng sẽ không tệ. Có hình mẫu ở nhà, khi ra ngoài xã hội, chúng có thể so sánh và biết được ai đang đối xử tốt với mình nhiều hơn. Cho nên sự quan tâm và hỏi thăm của thầy cô đối với một học sinh giỏi sẽ rất bình thường, căn bản là không có gì để nhớ ơn đến cuối đời.
Nếu hoàn cảnh gia đình bình thường, sự quan tâm của bố mẹ với con cái cũng rất bình thường; nếu gặp một giáo viên cực kỳ tốt, ra sức khuyến khích em học tập, lúc em phạm sai thì góp ý em sửa lỗi, hoặc lúc em sụp đổ thì ở bên cạnh an ủi; những hành động đó sẽ vô cùng có ý nghĩa với em. Cho nên các em sẽ nhớ mãi không quên ơn tái tạo của thầy cô và sau khi tốt nghiệp vẫn thường về thăm thầy cô.
"Cuối cùng, tôi muốn nói một chuyện không liên quan câu hỏi cho mấy; Trong 10 năm làm nghề giáo, càng ngày tôi càng nhận ra sự quan trọng của giáo dục gia đình với trẻ nhỏ. Học sinh giỏi không phải do thầy cô quyết định, học sinh kém cũng không phải do thầy cô tạo nên. Mỗi đứa trẻ đều là hình ảnh thu nhỏ của một gia đình; từ quan điểm sống, cách suy nghĩ đến thái độ, điều kiện kinh tế... tất cả đều thể hiện rõ ràng trên người con trẻ.
Cha mẹ là người thầy đầu tiên, cũng là người thầy cả đời của các con. Mà thầy giáo chúng tôi ở trường chỉ là nhân vật qua đường, ngẫu nhiên chỉ bảo con một đoạn đường để tránh các con đi đường vòng; chúng tôi có thể có ảnh hưởng, nhưng so với sức ảnh hưởng của gia đình thì quá bé nhỏ và không đáng kể", người này kết luận.
Cư dân mạng tranh cãi
Dưới bài đăng, nhiều người cho biết, đây là một quan điểm phiến diện. Họ cho rằng, bản thân mình hoặc bạn bè mình nhiều người giỏi, ra trường cũng 3, 4 năm rồi nhưng vẫn về thăm thầy cô đều đều. Vì vậy, việc thăm hay không là vấn đề "tấm lòng" chứ không liên quan đến việc giỏi hay kém. Hơn nữa, nếu xét về học lực, một lớp cùng lắm cũng chỉ có 1/3 người là thật sự xuất sắc nổi bật nên xác suất về ít hơn là bình thường.
Nhiều người chỉ ra, ngoài tình cảm thân - sơ, có rất nhiều lý do để học sinh không quay lại thăm thầy cô giáo cũ. Có thể họ đang chật vật với cuộc sống mưu sinh nên chẳng có thời gian lo cho gia đình chứ nói gì đi thăm thầy cô. Có khi không về thăm bởi không đủ can đảm. Cứ nghĩ mình ngày xưa học hành thế này thế nọ mà giờ còn chưa có thành tựu gì.
"Nói chung là có đủ thân thiết hay không mà thôi. Tôi từ bé đã có xu hướng né tránh thầy cô. Không có ác cảm nhưng mà cũng không muốn thân thiết. Đi học thì tự giác làm bài, không hiểu thì hay hỏi bạn, không thì lên mạng tự tìm hiểu hơn là hỏi thầy cô. Vì thế mà sự thân thiết hay gắn kết với thầy cô không nhiều, chủ yếu giữ sự tôn trọng cơ bản là được.
Nhìn xung quanh các bạn có đứa giỏi, đứa kém, đứa bình thường nhưng tựu chung lại thì tụi nó gắn bó với thầy cô ở 1 mức độ nào đó, có kỉ niệm, có trải nghiệm. Khi đó, tự nhiên sẽ nhớ về thôi", một người nói.
Vì những lý do đó, những người này cho rằng, 3 lý do mà giáo viên nói trên đưa ra là rất thiếu thuyết phục. Nếu là người có mối quan hệ khắng khít với thầy cô, thì dù bay cao bay xa tới đâu, lúc không cần lời khuyên từ thầy cô nữa học vẫn sẽ nhớ về. Còn xét về góc độ gia đình, một người có cha mẹ yêu thương dạy dỗ chu đáo càng học được cách biết ơn thầy cô chứ không phải vì "dư thừa" tình cảm gia đình mà thấy sự quan tâm của người ngoài là không cần thiết.
Kiến trúc sư "bó tay" trước một câu hỏi về chủ đề Văn học trong Ai Là Triệu Phú, học giỏi cũng chưa chắc biết
Đây là một câu hỏi rất khó ngay cả đối với người giỏi Văn.