Số phận của trẻ sinh ra nhờ mang thai hộ mắc kẹt ở Ukraine

Do chiến sự nổ ra nên những đứa trẻ được sinh ra nhờ mang thai hộ đang mắc kẹt tại Ukraine.

Do chiến sự nổ ra nên những đứa trẻ được sinh ra nhờ mang thai hộ đang mắc kẹt tại Ukraine. Trong khi đó, bố mẹ ruột của trẻ ở nước ngoài không biết làm thế nào để đón con.

BioTexCom, cơ sở chuyên về dịch vụ mang thai hộ ở Ukraine, cho biết, 27 đứa trẻ đã được giao cho cha mẹ nước ngoài, trong khi 25 đứa trẻ khác đang được chăm sóc bởi các bảo mẫu trong các khu nhà tạm ở ngoại ô Kiev và nhiều nơi khác.

Tại BioTexCom, có khoảng 600 phụ nữ nhận mang thai hộ, khoảng 80 người trong số đó đang phục vụ khách hàng là cha mẹ người Đức. Ngay khi xảy ra chiến tranh, trung tâm mang thai hộ này đã cân nhắc sơ tán thai phụ ra khỏi Ukraine nhưng họ không nghĩ rằng cuộc chiến sẽ kéo dài. Mặt khác, với những phụ nữ đang ở cuối thai kỳ, sẽ là nguy hiểm nếu phải trải qua một hành trình dài để rời khỏi đất nước. Vì vậy, BioTexCom quyết định để họ ở lại. Công ty đang làm việc với các bác sĩ tình nguyện không biên giới để đưa những đứa trẻ đến với cha mẹ của chúng qua biên giới Ba Lan một cách an toàn và kêu gọi các thai phụ "giữ bình tĩnh và đừng hoảng sợ".

  Những đứa trẻ được sinh ra nhờ mang thai hộ ở Ukraine

Những đứa trẻ được sinh ra nhờ mang thai hộ ở Ukraine

Marina, một thai phụ, kể rằng, đầu tháng 3, cô sinh em bé trong hầm trú ẩn của lực lượng phòng không của công ty. Trời lạnh và tối. Cô nói rằng không có đủ thức ăn, nước uống hoặc thuốc men. Trong 3 ngày, cô không nghe thấy tin tức từ BioTexCom. Cô cho biết, khi các nhân viên BioTexCom xuất hiện, họ đã đón em bé nhưng không mang theo thức ăn hoặc nước uống cho cô.

Bà Ylva Johansson, Ủy viên phụ trách các vấn đề nội bộ của Liên minh châu Âu (EU), chia sẻ với các thành viên Nghị viện châu Âu rằng, cha mẹ ở các quốc gia thành viên EU đã gặp khó khăn khi đưa con họ ra khỏi Ukraine ngay cả trước khi cuộc chiến xảy ra. Bà bày tỏ quan ngại đối với trẻ sinh ra nhờ mang thai hộ. Đó là những em bé dễ bị đưa vào trại trẻ mồ côi. Các nhóm pháp lý đang nỗ lực để giúp các bậc cha mẹ nước ngoài gặp con cái của họ vì trẻ sơ sinh cần được đăng ký khai sinh và được cấp hộ chiếu để có thể đưa trẻ ra khỏi Ukraine và cha mẹ người nước ngoài được công nhận là người giám hộ hợp pháp.

Trong 3 tuần gần đây, 5 em bé người Đức đã được đón. Hiện BioTexCom còn 3 em bé người Đức khác, trong đó lớn nhất là bé được sinh ra trước khi chiến sự bắt đầu1 ngày. Bố mẹ của bé trai này muốn đến đón con về. Họ muốn đi bằng ô tô riêng, sau đó đi đoạn cuối bằng tàu hỏa. Tất nhiên, chuyến đi có nhiều rủi ro và phải mất vài ngày. Khi đến nơi, họ không thể ngay lập tức trở về nhà vì còn phải làm thủ tục giấy tờ. Trước khi có xung đột, các thủ tục hành chính kéo dài khoảng 1 tháng. Hiện quy trình này đã được rút ngắn lại để các bậc cha mẹ có thể rời đi với con của họ sau hơn 2 ngày. Điều khá khó khăn là việc cấp hộ chiếu từ các đại sứ quán. Trẻ cần được ghi vào sổ đăng ký khai sinh và được cấp hộ chiếu để ra khỏi Ukraine. Nhưng điều đó không thể xảy ra trong hoàn cảnh hiện tại. Bởi dù có đến được Ukraine, các cha mẹ người nước ngoài sẽ phải đối mặt với tình trạng đóng cửa của các văn phòng và đại sứ quán.

Vấn đề pháp lý mới nảy sinh

Từ năm 2015, Ukraine cho phép dịch vụ mang thai hộ, trong khi nhiều quốc gia khác như Nepal, Ấn Độ và Thái Lan cấm hoạt động này. Theo ước tính, mỗi năm quốc gia Đông Âu này đã cho ra đời khoảng 3.000 trẻ sinh ra nhờ mang thai hộ. Trước khi chiến sự nổ ra, hệ thống mang thai hộ ở Ukraine được đánh giá là chuyên nghiệp và không phức tạp. Tại BioTexCom, các gói dịch vụ mang thai hộ có giá từ 40.000 đến 65.000 euro, thấp hơn so với ở Mỹ, nơi dịch vụ này cũng được cho phép. Người mang thai hộ có thể kiếm được khoảng 16.000 - 21.000 euro qua việc cho thuê tử cung trong vòng vài tháng.

Thế nhưng, chiến sự ở Ukraine đã đẩy các bên liên quan vào những thách thức không lường trước được. Liệu người mẹ mang thai hộ có phá hợp đồng và bỏ trốn cùng với người thân của họ không? Họ có chấp nhận tình cảnh hiện tại để cứu đứa trẻ trong bụng vốn không phải con mình? BioTexCom nhận được sự đảm bảo từ những thai phụ đã sơ tán rằng, họ sẽ quay trở lại để sinh em bé. Vì người mang thai hộ được trả góp tiền công nên BioTexCom tin tưởng vào khả năng họ sẽ quay lại.

Trong khi đó, Marko Oldenburger, người đã tư vấn pháp lý cho các bậc cha mẹ ở Đức, cho biết, các công ty môi giới khác đã dọa người mang thai hộ rằng, họ có thể phải đối mặt với 15 năm tù nếu rời Ukraine. Họ ngăn cản việc các bà mẹ mang thai hộ bỏ trốn vì lo ngại thông tin có thể bị rò rỉ, mô hình kinh doanh có thể bị giám sát chặt chẽ hơn hoặc tổn thất tài chính có thể xảy ra. Khi ở bên ngoài Ukraine, các bà mẹ mang thai hộ phải đối mặt với một tình huống pháp lý khác. Ở Ukraine, một phụ nữ có thể sinh con mà không được coi là mẹ của đứa trẻ. Vì thế, đứa trẻ có thể nhận được hộ chiếu và rời khỏi đất nước cùng với cha đẻ của mình. Tuy nhiên, ở nhiều quốc gia đang nhận người tị nạn Ukraine, nếu sinh con ở một nước EU, người mẹ sẽ được coi là mẹ của đứa trẻ. Đây là điều mà họ không mong muốn.

Nhiều bậc cha mẹ sắp xếp để người mẹ mang thai hộ rời Ukraine. Vợ chồng anh Cyril, người Pháp, chỉ có một bức ảnh của người phụ nữ sẽ bế con của họ đến Pháp. Trong 10 năm qua, họ đã khao khát có con. Họ đã cân nhắc việc nhận con nuôi rồi cách đây một năm rưỡi, họ đã chọn dịch vụ mang thai hộ tại Ukraine. Trong 2 tuần, Cyril đã không nhận được thông tin từ công ty mang thai hộ. Cuối cùng anh nhận được liên lạc của người mang thai hộ tên là Tatiana. Cô nhờ anh giúp cô rời khỏi Kharkiv. 

Cuộc hành trình đến Paris kéo dài 1 tuần. Cyril đã cẩn thận để đảm bảo rằng cô ấy sẽ không quá mệt mỏi và đứa bé sẽ được an toàn. Tatiana hiện ở Paris. Cô ấy đang lo lắng vì gia đình của cô ấy vẫn còn ở Ukraine. Cyril đã thuê một luật sư để đảm bảo rằng nếu đứa trẻ được sinh ra trên đất Pháp, nó sẽ không phải là con của Tatiana mà là của anh. Đây là lĩnh vực pháp lý hoàn toàn mới. Cyril nói: "Tất cả chúng tôi đều đang mò mẫm trong bóng tối để tìm ra giải pháp hợp lý".

Nguồn: qz.com, indianexpress.com, DW