Tại sao botulinum được dùng trong làm đẹp lại không gây ngộ độc?

Botulinum toxin trong thẩm mỹ khác với loại botulinum gây ngộ độc cho nhiều bệnh nhân ở TP.HCM.

Sáng 26-5, bên lề Hội nghị da liễu thẩm mỹ toàn quốc lần thứ 6 tổ chức tại Nghệ An, tiến sĩ - bác sĩ Vũ Thái Hà, Trưởng Khoa Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc, Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho biết tiêm botulinum toxin (botox) là một ứng dụng trong thẩm mỹ da liễu.

Tại sao botulinum được dùng trong làm đẹp lại không gây ngộ độc?  - Ảnh 1.

Tiến sỹ Vũ Thái Hà - Trưởng khoa Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ tế bào gốc, Bệnh viện Da liễu Trung ương.

Đây là một độc tố của vi khuẩn Clostridium botulinum. Ðộc tố này ngăn chặn luồng thần kinh đến cơ, do đó làm liệt vận động cơ. Tác dụng làm liệt cơ này đã được áp dụng rộng rãi trong y học để chữa các bệnh co cơ ngoài ý muốn.

Chia sẻ bên lề Hội nghị Da liễu thẩm mỹ toàn quốc lần thứ 6 diễn ra từ ngày 25-27/5, theo Tiến sỹ Hà, có 7 loại botulinum (A, B, C, D, E, F và G), tuy nhiên chỉ hai loại A và B được ứng dụng trong y học. Cơ chế gây độc của từng loại khác nhau.

Tại sao botulinum được dùng trong làm đẹp lại không gây ngộ độc?  - Ảnh 2.

Botulinum toxin được sử phổ biến trong thẩm mỹ

Theo bác sĩ Hà, botulinum trong thẩm mỹ thường được dùng thuộc nhóm A, giúp làm giảm đáng kể các nếp nhăn vùng trán, mắt và cổ, làm thon gọn góc hàm, tạo hình đường nét cơ thể... Ngoài ra, có thể ứng dụng trong điều trị tăng tiết mồ hôi, tăng tiết da dầu, thu nhỏ lỗ chân lông.

Trong khi đó, độc tố botulinum gây ngộ độc cho nhiều bệnh nhân ở TP HCM thuộc type B, type này dễ dẫn đến liệt tất cả các cơ, thậm chí tử vong. Còn thuốc tiêm làm đẹp botulinum type A (botox) chỉ gây yếu cơ nơi tiêm. 

Chất Botulinum toxin A khi được tiêm trực tiếp xuống vùng cần điều trị sẽ giúp làm giảm hoặc vô hiệu hóa hoạt động của cơ, từ đó làm giãn lỏng và xóa mờ các nếp nhăn do cử động ở trên mặt và tạo hình khuôn mặt (làm thon gọn góc hàm), tạo hình đường nét cơ thể... Ngoài ra, có thể ứng dụng trong điều trị tăng tiết mồ hôi, tăng tiết da dầu, thu nhỏ lỗ chân lông…

Bác sỹ Hà phân tích, Botox được ứng dụng trong làm đẹp được tiêm với liều cực nhỏ, không đủ gây độc, liều lượng tiêm vào không đủ để gây phản ứng toàn thân như Botunilum loại B. Thông thường, một lọ botox thành phẩm là 100 đơn vị (UI). Với một người nặng khoảng 70kg, liều gây tử vong trung bình của botox là 2.000 - 3.000 UI.

Liều sử dụng trong điều trị thẩm mỹ các vùng cơ lớn trung bình 60 đến 400 UI. Ở vùng thẩm nhỏ hơn như xóa nhăn vùng mắt chỉ cần 10-15 UI, vùng trán 20-30 UI, không đủ mức gây ngộ độc. Sau từ 4-6 tháng, tác dụng của botox dần biến mất hoàn toàn, vùng tiêm trở về như cũ.

"Botulinum A hiện được cấp phép sử dụng trong ngành thẩm mỹ trên thế giới. Dù khá an toàn nhưng không được lạm dụng tiêm botox liên tục, dùng quá liều khuyến cáo và cần lựa chọn cơ sở uy tín để thực hiện thủ thuật" - bác sĩ Hà giải thích.

Đặc biệt, người dân cần lựa chọn cơ sở uy tín để thực hiện thủ thuật, lựa chọn sản phẩm rõ tên và nguồn gốc xuất xứ, tránh trường hợp sản phẩm hàng giả, pha trộn kém chất lượng.

Một số biến chứng nhỏ hay gặp khi tiêm botox thẩm mỹ có thể gặp như vết bầm tím, phù nề hoặc đau tại chỗ tiêm, áp xe, mắt mờ, đau đầu, buồn nôn... Các biến chứng nguy hiểm song ít gặp hơn, bao gồm sa mí mắt và chân mày, có thể kéo dài từ 2 - 3 tháng, hay ngộ độc lan sang các cơ quan lân cận khu vực thẩm mỹ.

(Nguồn: Tổng hợp)

THANH TRÚC