Thêm 1,8 triệu liều vaccine COVID-19 cho TP.HCM và Hà Nội

Bộ Y tế vừa quyết định phân bổ thêm hơn 1 ,8triệu liều vaccine phòng COVID-19 cho Hà Nội và TP.HCM.

TP.HCM, Hà Nội nhận thêm vaccine

Theo Bộ Y tế, Việt Nam vừa tiếp nhận thêm 1.074.380 liều vaccine COVID-19 AstraZeneca (AZ), trong đó 659.500 liều mua từ AZ thông qua VNVC được phân bổ cho TP.HCM và 414.880 liều do Chính phủ Vương quốc Anh & Bắc Ai-len viện trợ, được phân bổ cho TP Hà Nội.

Cùng ngày, Bộ Y tế điều chỉnh việc phân bổ vaccine phòng COVID-19 đợt 16 thêm cho TP.HCM (tăng 319.000 liều) và TP Hà Nội (tăng 284.000 liều). Như vậy, TP.HCM và Hà Nội sẽ được phân bổ thêm lần lượt 978.000 và 698.880 liều.

Tổng cộng, trong 3 đợt phân bổ vaccine gần nhất (đợt 16, 17, 18), TP.HCM được cấp 1.148.500 liều và Hà Nội được cấp 868.880 liều. Ngoài ra, các viện, bệnh viện, đơn vị trung ương tại TP.HCM và Hà Nội được cấp lần lượt 40.000 liều và 74.500 liều trong các đợt này để tiêm cho người dân trên địa bàn.

Tính đến nay, TP.HCM là địa phương được phân bổ nhiều nhất với 4.075.270 liều (bao gồm cả số lượng vaccine phân bổ cho các viện, bệnh viện, đơn vị trung ương trên địa bàn); tỷ lệ phân bổ vaccine trên dân số từ 18 tuổi trở lên đạt 29%.

Tiếp theo là Hà Nội đã được phân bổ 2.943.770 liều (bao gồm cả số lượng vaccine phân bổ cho các viện, bệnh viện, đơn vị trung ương trên địa bàn); tỷ lệ phân bổ vaccine trên dân số từ 18 tuổi trở lên đạt 26%.

9999.jpg

Hướng dẫn tiêm 2 liều vaccine phòng COVID-19

Bộ Y tế vừa có công văn gửi Dự án Tiêm chủng mở rộng Quốc gia hướng dẫn tiêm 2 liều vaccine phòng COVID-19.

Theo Bộ Y tế, Việt Nam tiếp nhận nhiều loại vaccine có công nghệ sản xuất khác nhau như AstraZeneca, Pfizer/BioNtech, Moderna, Sinopharm, Sputnik V... 

Qua nghiên cứu bước đầu tại một số quốc gia, đến nay, cơ quan y tế đã có bằng chứng về việc tiêm phối hợp mũi 1 là vaccine AstraZeneca và mũi 2 là vaccine Pfizer đáp ứng miễn dịch tốt. Tuy nhiên, việc tiêm trộn này có thể tăng nhẹ phản ứng thông thường sau tiêm chủng, theo TTXVN.

Để việc triển khai tiêm chủng an toàn, tăng diện bao phủ và đạt hiệu quả sử dụng tối đa vaccine từ các nguồn khác nhau, theo kinh nghiệm sử dụng vaccine của một số quốc gia, khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, Bộ Y tế hướng dẫn những người đã tiêm mũi 1 vaccine nào thì tốt nhất tiêm mũi 2 bằng loại đó.

Trong trường hợp nguồn vaccine hạn chế, có thể phối hợp bằng cách tiêm mũi 2 vaccine Pfizer/BioNtech cho người đã tiêm mũi 1 bằng vaccine AstraZeneca, nếu người được tiêm chủng đồng ý (khoảng cách giữa 2 mũi tiêm là 8-12 tuần).

Bộ Y tế cũng yêu cầu không sử dụng vaccine do Moderna sản xuất hoặc các vaccine khác để tiêm mũi 2 cho người đã tiêm mũi 1 vaccine AstraZeneca.

Đồng thời Bộ Y  tế nêu rõ, những người đã tiêm vaccine do Sinopharm, Pfizer, Moderna sản xuất mũi thứ 1 thì mũi thứ 2 chỉ tiêm vaccine cùng loại. Khoảng cách giữa 2 mũi tiêm theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Dự án Tiêm chủng mở rộng Quốc gia - Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xây dựng hướng dẫn tiêm chủng đối với từng loại vaccine; tổ chức tập huấn, hướng dẫn thực hành tiêm chủng và giám sát sự cố bất lợi sau tiêm chủng khi triển khai tiêm chủng. 

HẢI MY