Thủ tướng: Cuộc chiến chống COVID-19 đã bắt đầu thời kỳ cao điểm

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ Y tế điều phối, hỗ trợ kịp thời phương tiện, năng lực xét nghiệm; không để thiếu sinh phẩm, vật tư y tế cho các địa phương có dịch. Nếu thiếu tiền thì phải xuất ngân sách dự phòng hoặc báo cáo gấp Trung ương xử lý.

Bộ Y tế: Tốc độ lây lan COVID-19 đợt này nhanh hơn

Báo cáo của Bộ Y tế tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống COVID-19 diễn ra sáng 7/8, cho biết tính đến 6h cùng ngày, cả nước ghi nhận 750 trường hợp mắc COVID-19 (trong đó có 346 trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài vào Việt Nam). Đã có 10 trường hợp tử vong.

Từ ngày 23/7 đến nay đã ghi nhận 335 trường hợp, trong đó có 37 trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài và 298 trường hợp lây nhiễm trong nước tại 13 tỉnh, thành phố. Các trường hợp mới được phát hiện này đều có yếu tố dịch tễ liên quan ổ dịch tại Đà Nẵng.

Từ ngày 23/7 đến nay đã ghi nhận 335 trường hợp nhiễm COVID-19, trong đó 298 trường hợp lây nhiễm trong nước, đều liên quan Đà Nẵng. Ảnh: TTO.
Từ ngày 23/7 đến nay đã ghi nhận 335 trường hợp nhiễm COVID-19, trong đó 298 trường hợp lây nhiễm trong nước, đều liên quan Đà Nẵng. Ảnh: TTO.

Theo Bộ Y tế, kết quả phân tích các trường hợp dương tính theo ngày khởi phát cho thấy chu kỳ lây nhiễm ước tính trung bình 5-7 ngày. So sánh về tốc độ lây giữa 2 bệnh viện là Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng và Bệnh viện Bạch Mai, cho thấy có thể tốc độ lây lan của chủng virus lần này tại Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng nhanh và phát tán rộng hơn nhiều lần.

Nhiều điểm lây nhiễm đáng lo ngại như bến xe, trường học, công ty, cơ sở y tế

Bộ Y tế cũng cho biết các trường hợp lây nhiễm tại Đà Nẵng trong đợt dịch này khá đa dạng với nhiều hình thức lây nhiễm khác nhau, phổ biến nhất là lây nhiễm trong gia đình, người quen và lây qua các sự kiện như đám ma, đám giỗ, đám cưới.

Đợt dịch này còn xuất hiện nhiều điểm lây nhiễm đáng lo ngại khác, như bến xe, trường học, công ty và các cơ sở y tế...

Cập nhật thêm về tình hình dịch bệnh, Bộ cho hay tính đến nay, dịch bắt nguồn từ Đà Nẵng và đã lan ra 12 tỉnh, thành phố. Thời gian qua, những người đi từ tâm dịch Đà Nẵng đã được các tỉnh, thành phố tiến hành rà soát và xét nghiệm. 

Tại Hà Nội, với số lượng người trở về từ Đà Nẵng từ ngày 1/7 đến nay gần 100.000 người, trong số đó, nhiều người di chuyển qua các địa điểm của Đà Nẵng có nguy cơ lây nhiễm cao, nên khả năng phát hiện các trường hợp mắc bệnh tại Hà Nội là rất cao.

Thủ tướng: Không được nói vì thiếu tiền mà thiếu sinh phẩm, vật tư y tế

Thủ tướng: Không được nói vì thiếu tiền mà thiếu sinh phẩm, vật tư y tế. Ảnh: VGP.
Thủ tướng: Không được nói vì thiếu tiền mà thiếu sinh phẩm, vật tư y tế. Ảnh: VGP.

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định nguy cơ lây nhiễm cộng đồng hiện rất cao, đòi hỏi quyết tâm cao hơn nữa, trách nhiệm hơn nữa của hệ thống chính trị nhất là trong ít nhất hai tuần tới, đặc biệt là những địa bàn trọng điểm. 

Thủ tướng nêu rõ, dịch COVID-19 lây lan nhanh ở mức cao, bùng phát mạnh ở nhiều quốc gia, khu vực. Cuộc chiến chống COVID-19 ở Việt Nam đã bắt đầu sang thời kỳ cao điểm. Hoan nghênh Bộ Y tế, các địa phương đã hỗ trợ tích cực cho các trung tâm dịch, đặc biệt là Đà Nẵng, Quảng Nam thời gian qua với tinh thần trách nhiệm, tình đồng chí, nghĩa đồng bào.

“Hình ảnh bác sĩ từ Hải Phòng lên đường, tạm biệt gia đình, vợ con hết sức cảm động và nhiều tấm gương khác, nhiều nhà hảo tâm đã đóng góp máy thở, phương tiện, vật tư y tế, tiền bạc cho công cuộc này”.

Thủ tướng giao Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố căn cứ tình hình thực tiễn của mình, có những giải pháp cụ thể trong tổ chức thực hiện. Cơ sở y tế được yêu cầu phải có biện pháp, không được chủ quan để bùng phát dịch từ các bệnh viện.

Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế điều phối, hỗ trợ kịp thời cả phương tiện, năng lực xét nghiệm, vật tư, nhân lực, chuyên môn cho các địa phương. Phải bảo đảm đủ thiết bị, vật tư y tế cho các địa phương có dịch, không để thiếu sinh phẩm, vật tư y tế, làm nhanh nhưng không để xảy ra tham nhũng. 

“Không được nói là vì tôi thiếu tiền, thiếu tiền thì phải xuất ngân sách dự phòng hoặc báo cáo gấp Trung ương để xử lý vấn đề này”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế điều phối, hỗ trợ kịp thời vật tư, nhân lực, đảm bảo đủ thiết bị, vật tư y tế cho các địa phương có dịch. Ảnh: Zing 
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế điều phối, hỗ trợ kịp thời vật tư, nhân lực, đảm bảo đủ thiết bị, vật tư y tế cho các địa phương có dịch. Ảnh: Zing 

Chống dịch chặt chẽ nhưng không được ngăn sông cấm chợ 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục nêu quan điểm phải chống dịch hiệu quả đồng thời duy trì sự liên tục của các hoạt động kinh tế. Không thể dừng các hoạt động kinh tế, nhưng không phải vì kinh tế mà ảnh hưởng phòng chống dịch bệnh. 

Thủ tướng yêu cầu phòng dịch chặt chẽ và không để xảy ra tình trạng ngăn sông cấm chợ.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố căn cứ diễn biến dịch, quyết định mức độ nguy cơ và áp dụng các biện pháp chống dịch phù hợp, đồng thời hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến hoạt động kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh, đời sống người dân.

Thủ tướng lưu ý, không để đình trệ công việc, đặc biệt công việc có thời hạn, những hợp đồng xuất khẩu, các dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Ông nhấn mạnh đeo khẩu trang là một yêu cầu hiện nay, trước hết đối với nơi công cộng, các thành phố lớn, nơi có dịch và cứ thể mở rộng ra nhiều địa phương trong thời gian tới. Các địa phương phải vận động cũng như có hình thức cung cấp, mua bán khẩu trang phù hợp.

Bộ Công Thương cho biết, hiện nay có 100 doanh nghiệp sản xuất khẩu trang y tế, có thể sản xuất 100 triệu khẩu trang mỗi tháng. Nguồn cung nguyên liệu cho sản xuất khẩu trang y tế được bảo đảm. Cả khẩu trang y tế và khẩu trang vải không thiếu.

Học sinh Đà Nẵng, TP Buôn Ma Thuột, 6 địa phương của Quảng Nam cùng 93 học sinh các tỉnh khác diện F1, F2 sẽ thi tốt nghiệp THPT đợt 2 

Báo cáo về kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, hiện công tác chuẩn bị ở các địa phương đã sẵn sàng. TP. Đà Nẵng và 6 huyện, thành phố, thị xã của tỉnh Quảng Nam cùng thành phố Buôn Ma Thuột đã có đề nghị cho phép thi đợt sau, vì đang thực hiện giãn cách xã hội.

Tính đến 6h sáng nay, Bộ cũng nhận được báo cáo của 3 tỉnh, thành phố (Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Lạng Sơn) cho biết có 93 học sinh thuộc diện F1, F2 sẽ thi đợt sau.

Bộ đã có công văn đề nghị các trường đại học điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh để bảo đảm quyền lợi cho các thí sinh.

KHOA MINH

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương