Thủ tướng yêu cầu TP. Đà Nẵng thực hiện giãn cách xã hội

Nhằm phòng chống lây nhiễm dịch bệnh COVID-19, từ chiều 27/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Đà Nẵng thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16.

Sáng ngày 27/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp trực tuyến về phòng, chống dịch COVID-19 với chính quyền Đà Nẵng , theo thông tin trên báo Vnexpress.

Tại cuộc họp, Thủ tướng nhận định số ca lây nhiễm đến nay chưa dừng lại, do đó phải tập trung khống chế được dịch, không để lây lan rộng hơn. Diễn biến những ngày qua cho thấy chủng virus mới xâm nhập cơ thể rất mạnh, các bệnh nhân phải thở máy ngay khi phát hiện.

"Chúng ta phải có thái độ dứt khoát, nếu không sẽ thất bại trong đợt chống dịch này", Thủ tướng nói và yêu cầu chính quyền Đà Nẵng thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố từ chiều 27/7, áp dụng theo chỉ thị 16.

"Những dịch vụ không thiết yếu phải dừng lại. Chúng ta chưa dùng từ phong toả TP. Đà Nẵng, nhưng phải có cấp độ cách ly xã hội", Thủ tướng nêu rõ.

Phun thuốc khử khuẩn tại khu vực gia đình bệnh nhân N trong sáng 26/7. Ảnh: báo Nhân Dân.
Phun thuốc khử khuẩn tại khu vực gia đình bệnh nhân N trong sáng 26/7. Ảnh: báo Nhân Dân.

Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay chiều qua Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã trao đổi qua điện thoại về biện pháp cách ly toàn xã hội trên địa bàn. "Bộ Y tế thống nhất với địa phương. Trong đó ba Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C và Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng Đà Nẵng phải được phong toả toàn bộ khu vực", ông Long nói.

Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ nói, tình hình dịch bệnh của thành phố đang rất phức tạp. Tại bệnh viện có tình trạng lây nhiễm cho bác sĩ; chưa tìm được mối liên hệ nào giữa ba ca bệnh.

Đồng thời ông Tho cũng khuyến nghị áp dụng cách ly xã hội theo chỉ thị 16 là cần thiết với Đà Nẵng lúc này.

Người dân thành phố sẽ ở nhà, chỉ ra đường khi mua các nhu yếu phẩm cần thiết, không được tập trung ngoài cộng đồng quá 20 người. Đây là những biện pháp cần để tránh lây lan trong cộng đồng, vì chưa biết nguồn lây, trong khi địa bàn các bệnh nhân lây nhiễm ở nhiều khu vực cách xa nhau.

Đà Nẵng đang có khoảng 10.000 ca cần lấy mẫu xét nghiệm. Khu vực cách ly tại ba bệnh viện sẽ được mở rộng ra toàn bộ các tuyến đường xung quanh, khu dân cư trong các kiệt hẻm.

Theo lãnh đạo Bộ Y tế, do nguồn lây ở Đà Nẵng chưa được xác định nên không chỉ cần xét nghiệm diện rộng trên địa bàn, mà phải truy tìm những người đã đến Đà Nẵng trong vòng một tuần qua, yêu cầu cách ly tại nhà; trường hợp sốt, ho phải được xét nghiệm.

Theo Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Bộ Y tế hiện chưa rõ nguồn lây nhiễm dịch COVID-19 tại Đà Nẵng. Chủng virus các bệnh nhân bị lây nhiễm là chủng mới so với các chủng đã tồn tại ở Việt Nam, và là chủng xuất phát từ bên ngoài, chưa khẳng định được từ nước nào. Bộ Y tế đã đưa lên ngân hàng gen thế giới để so sánh. "Ổ dịch lớn nhất là ở ba bệnh viện nằm gần nhau, các ca xuất hiện ở ba bệnh viện này tương tự như ở bệnh viện Bạch Mai", ông Long nói.

Trước đó, ngày 26/7, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đã có công văn đề nghị Thủ tướng chỉ đạo triển khai một số biện pháp phòng chống dịch tại Đà Nẵng sau khi ghi nhận ca lây nhiễm từ cộng đồng thứ 2.

Trong ba ngày qua ngành y tế ghi nhận 4 ca nhiễm COVID-19 cộng đồng, chấm dứt 99 ngày không lây nhiễm cộng đồng, trong đó, Đà Nẵng có 3 ca nhiễm, Quảng Ngãi một ca.

Tính đến thời điểm này, Việt Nam ghi nhận 420 ca nhiễm, trong đó 365 người đã khỏi. 55 bệnh nhân đang điều trị, 5 người âm tính lần một, ba người âm tính lần hai. Còn 47 người dương tính.

Chỉ thị 16 được Thủ tướng ban hành cuối tháng 3/2020, trong đó yêu cầu mọi người dân ở nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa hoặc dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác.

Người dân thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2 m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.

Người đứng đầu doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu trách nhiệm áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ sở mình, bảo đảm sức khỏe, an toàn cho người lao động.

PV (t/h)

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương