Tonga bị cô lập với thế giới sau khi núi lửa dưới đáy biển phun trào

Hiện vẫn chưa có báo cáo chính thức về số người bị thương hoặc tử vong ở Tonga do đường dây liên lạc bị gián đoạn.

Reuters đưa tin, Australia và New Zealand đã điều động các máy bay do thám để đánh giá thiệt hại ở Tonga, nơi đang bị cô lập với phần còn lại của thế giới sau khi núi lửa dưới đáy biển phun trào ngày 15/1. Thủ tướng Australia Scott Morrison cam kết hỗ trợ Tonga sớm nhất có thể nhưng tro bụi dày đặc từ núi lửa đang gây khó khăn cho việc này. 

Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ ghi nhận vụ phun trào hôm 15/1 tương đương với động đất 5,8 độ ở độ sâu bằng không, theo AFP.

Bộ trưởng phụ trách khu vực Thái Bình Dương của Australia Zed Seselja cho biết các báo cáo ban đầu cho thấy không có thương vong hàng loạt và sân bay "có vẻ trong tình trạng tương đối tốt" nhưng vụ phun trào đã dẫn đến “thiệt hại đáng kể" về cầu đường tại Tonga.

          Hình ảnh núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha'apai phun trào ngày 15/1. Ảnh: AFP.

Hình ảnh núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha'apai phun trào ngày 15/1. Ảnh: AFP.

Ông Seselja cho biết Australia đang liên lạc với Mỹ, New Zealand, Pháp và các quốc gia khác để phối hợp đối phó.

New Zealand cũng ngay lập tức đưa ra lời đề nghị hỗ trợ, bên cạnh việc cử máy bay do thám đến Tonga, hải quân New Zealand cũng đã chuẩn bị lên đường. Hội Chữ thập đỏ cho biết họ đang huy động mạng lưới khu vực để ứng phó.

“Hội Chữ thập đỏ hiện có đủ hàng cứu trợ để hỗ trợ 1.200 hộ gia đình các vật dụng thiết yếu như bạt, chăn, bếp và bộ dụng cụ vệ sinh”, Katie Greenwood, Trưởng đoàn Hiệp hội Chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ khu vực Thái Bình Dương, nói. Tuy nhiên họ lo rằng nhiều người có thể không có nước uống vì ngập mặn và ô nhiễm từ tro bụi. 

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho biết trên Twitter rằng các văn phòng của cơ quan này ở Thái Bình Dương đang sẵn sàng hỗ trợ. Hình ảnh vệ tinh cho thấy một số hòn đảo xa xôi đã bị chìm trong nước sau khi vụ phun trào núi lửa gây ra các trận sóng thần.

Vụ núi lửa phun trào ở Tonga đã kích hoạt sóng thần xung quanh Thái Bình Dương, gây ra "thiệt hại đáng kể" nhưng mức độ tàn phá chưa được công bố. Vụ phun trào đã rung chuyển tới tận Alaska, gây ra sóng thần tràn vào các bờ biển Thái Bình Dương từ Nhật Bản đến Mỹ.

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern nói: “Sóng thần đã gây ảnh hưởng đáng kể đến vùng bờ biển phía bắc Nuku'alofa, khiến tàu thuyền và những tảng đá lớn dạt vào bờ. Nuku'alofa bị bao trùm trong một lớp màng bụi núi lửa dày đặc nhưng các điều kiện khác đã có phần ổn định". 

New Zealand đã cử một máy bay trinh sát của lực lượng không quân vào đầu ngày 17/1 "để hỗ trợ đánh giá tác động ban đầu đối với khu vực và các đảo trũng". 

Văn phòng đối ngoại Australia cho biết Tonga cũng đã chấp nhận đề nghị từ Canberra, gửi chuyến bay giám sát tới, đồng thời cho biết Canberra cũng chuẩn bị sẵn sàng để cung cấp "nguồn trợ giúp nhân đạo quan trọng".

Mỹ và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cam kết hỗ trợ, trong khi UNICEF cho biết đang chuẩn bị các vật dụng khẩn cấp để bay đến Tonga.

Đợt sóng cao 1,2 m tràn vào bờ biển ở thủ đô Tonga khiến nhiều người dân đã chạy trốn lên vùng đất cao hơn, để lại những ngôi nhà bị nước nhấn chìm, một số bị hư hỏng cấu trúc, do những viên đá nhỏ và tro bụi rơi từ trên trời xuống.

Vua Tonga Tupou VI đã được một đoàn xe gồm cảnh sát và quân đội sơ tán khỏi cung điện ở Nuku'alofa và tới một khu biệt thự cách xa bờ biển.

Theo AFP, núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha'apai phun trào khói bụi vào không trung, kèm theo một tiếng gầm như sấm sét có thể nghe thấy ở cách xa 10.000 km tại Alaska. Vụ phun trào gây ra sóng thần trên khắp Thái Bình Dương với những đợt sóng cao 1,74 m đo được ở Chanaral, Chile, cách đó hơn 10.000 km. Những đợt sóng nhỏ hơn được ghi nhận dọc bờ biển Thái Bình Dương từ Alaska đến Mexico.

Tại California, thành phố Santa Cruz đã bị ngập lụt vì triều cường do sóng thần gây ra, trong khi những đợt sóng cao khoảng 1,2 m tràn vào bờ biển Thái Bình Dương của Nhật Bản.

Thanh Mai