TP.HCM đã cách ly tất cả F1 của 30 bệnh nhân COVID-19, đang xét nghiệm sàng lọc tại nhiều khu dân cư

Hiện TP.HCM có 30 bệnh nhân COVID-19 tại 7 quận huyện. Ngành y tế đã chuẩn bị kịch bản ứng phó với tình huống dịch bệnh ở mức độ khẩn cấp.

Báo cáo của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) tối 8/2 cho biết qua phân tích chuỗi lây nhiễm ở các bệnh nhân 1979, 2002, 2003, 2004, 2005, ngành y tế nhận định 25 trường hợp nhiễm COVID-19 mới là tiếp xúc gần (F1) của các bệnh nhân này, cũng như tiếp xúc gần (người nhà sống chung) với các trường hợp cùng làm việc trong nhóm bốc dỡ hành lý và hàng hóa với 5 bệnh nhân tại sân bay Tân Sơn Nhất.

HCDC thông tin đây là ổ lây nhiễm đã có từ trước của các công nhân ở công ty này.

tansonnhat-2.jpg
TP.HCM đã kích hoạt toàn bộ hệ thống dự phòng, điều trị và chuẩn bị kịch bản ứng phó với tình huống dịch  ở mức độ khẩn cấp. Ảnh: Báo Tin tức

Cũng theo HCDC, hiện TP.HCM có 30 ca nhiễm trong cộng đồng tại 7 quận/huyện (quận 1, Bình Thạnh, Tân Bình, quận 12, quận 9, quận 11, Gò Vấp). Mặc dù chưa phát hiện lây nhiễm ở các nhân viên trong sân bay có tiếp xúc với hành khách, nhưng đây được xem là diễn biến ổ dịch khá phức tạp, vì chưa xác định được nguồn lây nhiễm, cũng như thời điểm khởi đầu. Do đó có thể còn lây nhiễm ra cộng đồng trong thời gian tới.

Do vậy, ngành y tế TP.HCM đã kích hoạt toàn bộ hệ thống dự phòng và điều trị, thực hiện phòng chống dịch với phương châm thần tốc, quyết liệt, chủ động. Nâng cao hơn mức độ cảnh báo trong phòng, chống dịch.

Thông tin từ HCDC, tất cả các trường hợp F1 của các bệnh nhân đã cách ly tập trung, F2 cách ly nghiêm ngặt tại nơi cư trú. Thành phố cũng hoàn thành xét nghiệm lại lần 2 cho toàn bộ 1.600 nhân viên làm việc tại công ty bốc xếp vào tối 8/2.

Tại các ổ dịch đã khoanh vùng, phong tỏa tạm thời. Tất cả các ca tiếp xúc gần F1 đã lấy mẫu đơn, với hộ gia đình ở trong khu vực lay nhiễm được lấy mẫu gộp. Toàn bộ nhân viên, cán bộ công nhân viên của Bệnh viện 175 cũng đã được xét nghiệm.

Sở Y tế chuẩn bị kịch bản ứng phó với tình huống dịch bệnh ở mức độ khẩn cấp. Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ cơ sở, thuốc men, trang thiết bị bảo hộ để điều trị tốt cho tất cả bệnh nhân.

Về xét nghiệm, thành phố dự trữ đầy đủ các test kit xét nghiệm, phối hợp với các cơ quan Y tế Trung ương đảm bảo năng lực xét nghiệm từ 30.000 đến 40.000 mẫu trong 24 giờ.

Ngoài ra, để an toàn mức độ cao cho toàn bộ hành khách đi và đến sân bay Tân Sơn Nhất, thành phố đã xét nghiệm lần 2 các nhân viên làm việc trong nhà ga có tiếp xúc với hành khách. Việc xét nghiệm thực hiện trước 1 ngày khi vào ca làm việc. Các ca có kết quả âm tính mới thực hiện nhiệm vụ trong ngày hôm sau.

tp.hcm-lay-mau-xet-nghiem-tai-go-vap.png
Chiều 8/2, cư dân chung cư Felix Homes phường 6, quận Gò Vấp cũng được lấy mẫu xét nghiệm. Ảnh: TTBC TP.HCM

Liên quan đến bệnh nhân 2005 (quận 1), chiều 8/1, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, Trung tâm y tế quận 1 cùng phường Nguyễn Cư Trinh đã gấp rút phong tỏa khu Mả Lạng để lấy mẫu xét nghiệm giám sát tất cả người dân sống trong khu vực.

Đây là lần đầu tiên thành phố áp dụng lấy mẫu gộp đối với hộ gia đình theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Khu Mả Lạng có khoảng 1.900 nhân khẩu. Mặc dù bệnh nhân được xác định không có tiếp xúc nhiều người, nhưng do người này sống trong khu vực có lối đi nhỏ hẹp, nên cơ quan y tế nhận định nguy cơ lây nhiễm khá cao.

Sở Y tế TP.HCM đã huy động tối đa lực lượng phục vụ công tác lấy mẫu. Mẫu xét nghiệm được lấy khẩn cấp và hoàn tất ngay trong ngày.

tp.hcm.jpg
Lần đầu tiên TP.HCM áp dụng lấy mẫu gộp đối với hộ gia đình tại khu Mả Lạng, với khoảng 1.900 cư dân. Ảnh: TTBC TP.HCM.

Tại quận Gò Vấp cũng đã lấy mẫu xét nghiệm cho 1.030 dân cư chung cư Felix Homes phường 6, cùng 108 mẫu xét nghiệm tại hẻm 251 phường 10. Cùng với đó, 45 mẫu trẻ dưới 5 tuổi tại trường Mầm non Hoa Phượng Đỏ đóng tại phường 6 cũng đã được lấy mẫu xét nghiệm. 

Tại TP.Thủ Đức, trong chiều ngày 8/2 đã lấy mẫu xét nghiệm cho 270 người dân tại 65 hộ gia đình trong khu vực phong tỏa, liên quan đến bệnh nhân 2038.

Trong cuộc họp với TP.HCM về phòng chống dịch COVID-19 ngày 8/2, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết Bộ Y tế nhận định tình dịch của TP.HCM khá phức tạp, vì ổ dịch trải qua các chu kỳ lây nhiễm. Hiện nay chưa xác định được điểm khởi đầu của đợt dịch này, cho nên có thể có thêm các trường hợp mắc COVID-19 trong thời gian tới, hoặc là các ca đã khỏi.

Bộ Y tế đã thiết lập bộ phận thường trực đặc biệt tại 51 Phạm Ngọc Thạch (quận 3), do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn phụ trách. Bộ Y tế cũng huy động toàn bộ lực lượng y tế của Trung ương đóng trên địa bàn cùng hỗ trợ TP.HCM triển khai các biện pháp chống dịch, xử lý chuỗi lây nhiễm ở sân bay cũng như trong cộng đồng.

Ngay chiều 8/2, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đã vào TP. HCM. Bộ phận Thường trực do Thứ trưởng Nguyễn trường Sơn phụ trách sẽ phối hợp cùng thành phố đánh giá lại tình hình, triển khai các biện pháp phòng chống COVID-19 thời gian tới.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn là người đã nhận nhiệm vụ Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt phòng chống COVID-19 của Bộ Y tế tại TP Đà Nẵng trong đợt dịch bùng phát hồi cuối tháng 7/2020.

13 khu vực liên quan đến các bệnh nhân đang được phong tỏa trên địa bàn TP.HCM:

 Khu phố 4, phường Trung Mỹ Tây, quận 12

 Thạnh Lộc 48, phường Thạnh Lộc, quận 12

 Thạnh Lộc 04, phường Thạnh Lộc, quận 12

 Khu phố 7, phường Hiệp Thành, quận 12

 Khu phố 5, Nguyễn Văn Cự, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân

 Đường Nguyễn Thị Tú, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân

 Hẻm 480, đường Bình Quới, phường 28, quận Bình Thạnh

 Đường Xô viết nghệ tĩnh, phường 21, quận Bình Thạnh

 Chung cư Felix 44 Nguyễn Văn Dung, phường 6, quận Gò Vấp

 Trường Mầm non Hoa Phượng Đỏ, phường 6, quận Gò Vấp

 Đường Nguyễn Phúc Chu, phường 15, quận Tân Bình

 Đường Nguyễn Trãi, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1

 Hẻm 441, đường Lê Văn Việt, phường Tăng Nhơn Phú A, TP. Thủ Đức.

Q.HUY