TPHCM triển khai thiết lập các vùng đệm để tập kết hàng hóa

Cả 3 chợ đầu mối đóng cửa, TPHCM phải lập các vùng đệm làm trạm trung chuyển hàng hóa từ các tỉnh vào TPHCM trong thời gian cách ly.

Ngày 8/7, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng đã yêu cầu thực hiện phương án điều tiết hàng hóa thông qua việc chuyển đổi phương thức vận chuyển, giao và nhận hàng hóa để đảm bảo hàng hóa lưu thông thông suốt đến với người tiêu dùng trên địa bàn TPHCM.

Đối với việc các địa phương lân cận áp dụng biện pháp cách ly người đến từ TPHCM,triển khai thiết lập các vùng đệm để tập kết hàng hóa, tổ chức khử khuẩn phương tiện, thay đổi tài xế, bàn giao phương tiện để tiếp tục vận chuyển, lưu thông hàng hóa…

TPHCM triển khai thiết lập các vùng đệm để tập kết hàng hóa

Thí điểm bố trí một vùng đệm có diện tích khoảng 1 ha tại huyện Củ Chi, giáp ranh huyện Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh), sau đó sẽ nhân rộng ra các khu vực Thủ Đức và Bình Chánh để tiếp nhận nguồn hàng từ các tỉnh Đông, Tây Nam Bộ về TPHCM.

Theo lãnh đạo UBND TPHCM, hiện nay, thành phố có 2.833 điểm cung ứng lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn (không bao gồm hệ thống cửa hàng tạp hóa), trong đó có 106 siêu thị (có kinh doanh thực phẩm), 2.616 cửa hàng tiện lợi, 111 chợ truyền thống đang hoạt động. Ngoài ra, TPHCM còn có hệ thống các cửa hàng tạp hóa trên địa bàn quận, huyện, phường, xã, thị trấn.

TPHCM thông tin đến Sở Công Thương các tỉnh, thành (bằng văn bản và qua đường dây nóng) về việc tạm dừng hoạt động của các chợ đầu mối trên địa bàn. Đề nghị các địa phương hỗ trợ thông tin đến các thương lái địa phương đang kinh doanh hàng hóa với các chợ đầu mối tại TPHCM tạm ngưng vận chuyển hàng hóa đến chợ, thực hiện giao dịch trực tuyến và tổ chức đưa hàng hóa trực tiếp từ vùng nguyên liệu đến chợ truyền thông, các điểm bán lẻ trên địa bàn Thành phố.

TPHCM khuyến khích thương nhân đang kinh doanh tại chợ chủ động thay đổi phương thức vận chuyển, giao và nhận hàng theo hình thức điều phối trực tuyến từ vùng nguyên liệu, giao hàng tận nơi cho khách hàng, không thực hiện thông qua các chợ đầu mối để đảm bảo hàng hóa lưu thông thông suốt đến với người tiêu dùng.

UBND TPHCM yêu cầu TP Thủ Đức và các quận, huyện rà soát, tìm kiếm các vị trí đất trống gần chợ đầu mối để tổ chức địa điểm tập kết và trung chuyển hàng hóa tạm thời, triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn, phòng, chống dịch tại địa điểm nêu trên.

Các đơn vị quản lý chợ đầu mối tổ chức, thông tin và triển khai đăng ký, tạo điều kiện cho thương nhân chủ động giao dịch, mua bán.

Triển khai đến các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp bình ổn thị trường, hệ thống phân phối hiện đại... thực hiện phương án đảm bảo nguồn hàng trong tình hình dịch bệnh (tăng nguồn hàng dự trữ, triển khai nhiều hình thức cung ứng đa dạng: trực tuyến, bán hàng đồng giá, bán hàng đăng ký trước...). Bố trí tăng cường nhân sự, đội ngũ vận chuyển hỗ trợ giao hàng nhanh, miễn phí tận nhà cho người dân.

TP Thủ Đức và các quận huyện giao trách nhiệm đơn vị, cá nhân phụ trách, thực hiện bổ sung nguồn nhân lực từ các đoàn thể như Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên hoặc tiểu thương tại các chợ truyền thống đang tạm ngưng hoạt động để phối hợp tổ chức tiếp nhận và phân phối nguồn hàng của các nhà cung cấp lớn theo phương thức bán hàng đăng ký trước, bán hàng đồng giá.

Saigon Co.op, Satra, Bách Hóa Xanh..., các doanh nghiệp bình ổn thị trường chủ lực khác cung cấp thông tin về mặt hàng, giá cả, quy cách đóng gói, phương thức giao nhận....

Đơn vị, cá nhân đầu mối phụ trách thông tin đến người dân trong khu vực hoặc địa bàn phụ trách để đăng ký nhu cầu, phối hợp các đơn vị cung ứng để chuẩn bị đơn hàng và tổ chức giao hàng đến từng hộ gia đình.

Thanh Mai

Nữ sinh khóc như mưa vì không làm tốt bài thi vào lớp 10

Nữ sinh khóc như mưa vì không làm tốt bài thi vào lớp 10

Đoạn clip về 1 nữ sinh thi tốt nghiệp THPT tại điểm trường THPT Marie Curie (Hà Nội) ôm bố khóc vì không làm được bài và những lời động viên của người bố khiến dân mạng nghẹn ngào.