Triệu Đại và “bản anh hùng ca bằng ảnh về Điện Biên Phủ”

Triển lãm ảnh “Nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại - Bản anh hùng ca bằng ảnh về Điện Biên Phủ” đã được khai mạc tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, đã có nhiều phóng viên góp mặt theo sát các cánh quân tới các ngả mặt trận. Trong số đó có Triệu Đại - người mà vào năm trước đó đã được Bộ Quốc phòng và Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp điều động tham gia chiến dịch lịch sử này. Khi đó, ông là phóng viên ảnh quân đội tại Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị - Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại sinh năm 1920 tại Hà Nội, học nghề nhiếp ảnh từ năm 1941. Ông thuộc thế hệ những nhà nhiếp ảnh cách mạng đầu tiên của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Phóng viên chiến trường Triệu Đại, năm 1954
Phóng viên chiến trường Triệu Đại, năm 1954

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Triệu Đại tham gia Thanh niên Cứu quốc thành Hà Nội. Khi Pháp trở lại chiếm Hà Nội (1946), ông cùng các đồng chí của mình sơ tán về vùng Vân Đình (Hà Tây). Ông mở hiệu ảnh "Triệu Đại ảnh quán" và đây cũng là Trụ sở nghiên cứu Chủ nghĩa Mác -Lê nin và ông là Bí thư Đảng bộ đầu tiên ở Đô thị Vân Đình lúc bấy giờ.

Tới năm 1947, Triệu Đại được điều động vào quân đội, làm phóng viên mặt trận. Ông đã có mặt tại các chiến dịch Biên giới 1950, chiến dịch Hòa Bình năm 1951, chiến dịch Tây Bắc năm 1952...chụp được nhiều bức ảnh có giá trị lịch sử. Tiếp đó, năm 1953, Triệu Đại được điều động tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ và rồi, sau khi chiến dịch kết thúc, ông là phóng viên duy nhất có một bộ ảnh hoàn chỉnh từ lúc mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ cho đến lúc chiến dịch toàn thắng.

Khi đó, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã có nhận xét rất chân xác: "Tôi đánh giá cao về anh Triệu Đại, những bức ảnh về Điện Biên Phủ của anh rất tốt. Triệu Đại ra mặt trận không trực tiếp cầm súng như các chiến sĩ, mà vũ khí là máy ảnh. Các bức ảnh là chiến công của Triệu Đại...".

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại và Đại tướng Võ Nguyên Giáp xem bản hùng ca bằng ảnh về Điện Biên Phủ
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại và Đại tướng Võ Nguyên Giáp xem bản hùng ca bằng ảnh về Điện Biên Phủ

Khi nhận lệnh tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, hành trang “vũ khí” ra chiến trường của Triệu Đại chỉ là một chiếc máy ảnh Leika với ống kính trung bình cùng vài chục cuộn phim chiến lợi phẩm gói chung với gạo rang chống ẩm. Thế nên, tại triển lãm này, hẳn nhiều người sẽ ngạc nhiên khi thấy một số bức ảnh của Triệu Đại có chiều ngang, hoặc chiều dọc, khá rộng về không gian, bởi ông đã sử dụng cách chụp bằng kỹ thuật chắp nhiều kiểu liền nhau rất tài tình.

Khi chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn, ông đã chụp được cảnh khẩu lựu pháo của ta trong hầm khai hỏa phát súng đầu tiên, mở màn chiến dịch. Phóng viên chiến trường Triệu Đại đã được biên chế vào đơn vị chủ công và vì thế, ông có cơ hội theo sát các mũi xung kích mặt trận để ghi lại trong khuôn hình những khoảnh khắc hình ảnh vô cùng chân thực, sống động trong chiến dịch Điện Biên Phủ 1954 đầy bi hùng và nhiều gian nan.

“Bộ Chính trị họp bàn Kế hoạch Chiến dịch Điện Biên Phủ”. Ảnh: Triệu Đại
“Bộ Chính trị họp bàn Kế hoạch Chiến dịch Điện Biên Phủ”. Ảnh: Triệu Đại
“Toàn cảnh Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của Pháp bị quân ta tiêu diệt”. Ảnh: Triệu Đại (chụp bằng kỹ thuật chắp 7 kiểu liền nhau)
“Toàn cảnh Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của Pháp bị quân ta tiêu diệt”. Ảnh: Triệu Đại (chụp bằng kỹ thuật chắp 7 kiểu liền nhau)

Trong bộ ảnh phong phú và quý hiếm về chiến dịch Điện Biên Phủ của nghệ sĩ/chiến sĩ Triệu Đại có nhiều bức ảnh gây ấn tượng mạnh với người dân trong nước và dư luận quốc tế, trong đó có nhiều bức ảnh lần đầu tiên được ra mắt công chúng. Trong đó có bức ảnh “Phất cờ trên nóc hầm De Castries”, chụp vào chiều ngày 7.5.1954, đã trở thành một hình ảnh biểu tượng đầy kiêu hãnh và tự hào về chiến thắng trong chiến tranh bảo vệ tổ quốc, một biểu tượng chiến thắng chủ nghĩa thực dân của nhân dân Việt Nam và của phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. “Kho tàng ảnh chống ngoại xâm vô giá về chiến thắng Điện Biên Phủ của Triệu Đại dư tầm vóc sánh ngang vai với bất cứ nhà nhiếp ảnh chiến tranh vĩ đại nào trên thế giới cùng thời với ông” - nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành chia sẻ.

Vào năm 2001, với bộ ảnh lịch sử Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 (gồm 5 bức ảnh: “Phất cờ trên nóc hầm De Castries”, “Bộ đội vượt cầu Mường Thanh chiếm chỉ huy sở của De Castries”, “Dẫn giải tù binh Pháp qua đường Mường Phăng - Điện Biên Phủ”, “Bác Hồ tặng huy hiệu cho chiến sĩ Hoàng Đăng Vinh - một trong những chiến sĩ đã bắt sống tướng De Castries ở Điện Biên Phủ”, “Kéo pháo vào trận địa”), nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại đã được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật. 

Bức ảnh lịch sử “Cờ Quyết chiến Quyết thắng - giải  thưởng của Hồ Chủ tịch - tung bay trên nóc hầm chỉ huy của Pháp ở Điện Biên Phủ (hầm De Castries), quân ta toàn thắng” được phóng viên chiến trường Triệu Đại chụp ở chiều ngày 7.5.1954
Bức ảnh lịch sử “Cờ Quyết chiến Quyết thắng - giải  thưởng của Hồ Chủ tịch - tung bay trên nóc hầm chỉ huy của Pháp ở Điện Biên Phủ (hầm De Castries), quân ta toàn thắng” được phóng viên chiến trường Triệu Đại chụp ở chiều ngày 7.5.1954
“Tướng De Castries cùng Bộ tham mưu quân Pháp ở Điện Biên Phủ bị quân ta bắt sống”. Ảnh: Triệu Đại
“Tướng De Castries cùng Bộ tham mưu quân Pháp ở Điện Biên Phủ bị quân ta bắt sống”. Ảnh: Triệu Đại
“Tù binh Pháp ở Điện Biên Phủ”. Ảnh: Triệu Đại
“Tù binh Pháp ở Điện Biên Phủ”. Ảnh: Triệu Đại

Sau 1954, nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại về công tác tại Báo Quân đội Nhân dân, tiếp tục là phóng viên chiến trường và đã có mặt tại các chiến trường Vĩnh Linh, Quảng Bình 1965, Quảng Trị 1967, Khe Sanh 1968. Tại Khe Sanh, ông chụp được bức ảnh bộ đội đang xung phong vượt qua khói bom rất xuất sắc với tựa đề "Tiến lên giành toàn thắng" và đã giành được giải Nhất trong triển lãm ảnh “Anh bộ đội” năm 1969. Hiện nay, nhiều bức ảnh của nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại (1920 - 1992) được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam và Thông tấn xã Việt Nam.

“Kéo pháo vào trận địa”. Ảnh: Triệu Đại
“Kéo pháo vào trận địa”. Ảnh: Triệu Đại
“Trạm quân y mặt trận Điện Biên Phủ”. Ảnh: Triệu Đại
“Trạm quân y mặt trận Điện Biên Phủ”. Ảnh: Triệu Đại

Để tri ân những đóng góp của cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại (1920 - 1992), nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gia đình cố nghệ sĩ phối hợp với Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam và Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức Triển lãm ảnh “Nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại - Bản anh hùng ca bằng ảnh về Điện Biên Phủ”. Triển lãm trưng bày 70 bức ảnh - tương ứng với 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - là những khoảnh khắc quý giá trong Chiến dịch Điện Biên Phủ được người phóng viên chiến trường Triệu Đại ghi lại.

  Triển lãm “Nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại - Bản anh hùng ca bằng ảnh về Điện Biên Phủ” đã thu hút người thăm quan ngay từ phút khai mạc. Ảnh: L.Q.V 

Triển lãm “Nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại - Bản anh hùng ca bằng ảnh về Điện Biên Phủ” đã thu hút người thăm quan ngay từ phút khai mạc. Ảnh: L.Q.V 

  Đại diện gia đình cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại tặng ảnh cho Bảo tàng Phụ nữ VN. Ảnh: L.Q.V 

Đại diện gia đình cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại tặng ảnh cho Bảo tàng Phụ nữ VN. Ảnh: L.Q.V 

Triển lãm ảnh “Nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại - Bản anh hùng ca bằng ảnh về Điện Biên Phủ” diễn ra tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (36 Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), kéo dài đến hết ngày 12.5.2024.

LÊ QUANG VINH

Địa điểm triển lãm nơi Han SoHee và Ryu Jun Yeol trúng “tiếng sét ái tình” đang cực hot, hội mê nghệ thuật phải lưu ngay vì 'thú vị thật'

Địa điểm triển lãm nơi Han SoHee và Ryu Jun Yeol trúng “tiếng sét ái tình” đang cực hot, hội mê nghệ thuật phải lưu ngay vì "thú vị thật"

Không chỉ có đảo Hawaii mà địa điểm gặp mặt Ryu Jun Yeol “lần đầu tiên” được Han SoHee tiết lộ trong tâm thư cũng khiến CĐM rần rần tìm kiếm.