"Trong cuộc chiến chống covid-19, chúng tôi không có nhiều thời gian để nghĩ vẩn vơ"

Không kể lể nhiều về những gian khó, những hy sinh nhưng câu chuyện của BS Trần Thị Hải Ninh trong cuộc chiến chống Covid-19 lại khiến cả khán phòng xúc động. Bởi chuyện chị kể ngời sáng lên tình yêu thương giữa người với người, ngời sáng lên tinh thần vượt mọi gian khó của đội ngũ y bác sĩ bệnh viện Nhiệt đới.

Thạc sĩ, bác sĩ Trần Thị Hải Ninh – Trưởng khoa Nội tổng hợp, bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, là một trong những bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch Covid-19. Hàng ngày chị phải theo dõi và điều trị cho hàng trăm bệnh nhân trong điều kiện vô cùng khó khăn, nguy cơ lây nhiễm tới 80 – 90%.

Trong câu chuyện chị chia sẻ tại Hội thảo “Phụ nữ và ngày quốc tế phòng chống dịch bệnh ngày 27/12” không kể nhiều về những gian khó, những hy sinh của bản thân, gia đình và đồng nghiệp trong công cuộc phòng chống Covid-19, nhưng lại khiến cả khán phòng xúc động. Bởi chuyện chị kể ngời sáng lên tình yêu thương giữa người với người, ngời sáng lên tinh thần vượt mọi gian khó của đội ngũ y bác sĩ bệnh viện Nhiệt đới.

ThS. BS Trần Thị Hải Ninh là Trưởng khoa Nội tổng hợp, bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, là một trong những bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch Covid-19.
ThS. BS Trần Thị Hải Ninh là Trưởng khoa Nội tổng hợp, bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, là một trong những bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch Covid-19.

Là thế hệ được sinh ra và lớn lên trong hòa bình, dù được học, được đọc rất nhiều câu chuyện về tinh thần đoàn kết, chiến đấu, hy sinh hết mình vì dân tộc của thế hệ cha anh, Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Thị Hải Ninh chia sẻ bản thân vẫn không thể cảm nhận hết được ý nghĩa lớn lao của những từ ngữ đó. Cho đến khi Covid-19 bùng phát và lan rộng trên toàn thế giới, khi trực tiếp tham gia vào công tác phòng chống dịch bệnh cho người dân, ở nơi sinh tử cận kề, thì chị và các đồng nghiệp mới cảm được, hiểu được nghĩa của hai tiếng thân thương “đồng bào”, “đoàn kết” có sức mạnh đến nhường nào.

Chị kể:

Hồi tháng 2/2020, khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ và có những diễn biến cực kỳ xấu, chính phủ đã quyết định tổ chức một chuyến bay giải cứu cứu công dân Việt Nam từ Vũ Hán (Trung Quốc) về nước. Tại thời điểm đó, bên phía Vietnam Airlines, tổng công ty Hàng không Việt Nam và bên phía bệnh viện có rất nhiều người xung phong tình nguyện tham gia chuyến bay dù biết đi vào vùng dịch là nguy cơ lây nhiễm có thể lên tới trên 80 – 90%, không biết có thể trở về một cách "an toàn" hay không. Và có thể gọi các bác sĩ, các chiến sĩ, tiếp viên, phi công trên chuyến bay đấy là những "chiến sĩ cảm tử".

Khi máy bay vừa hạ cánh thì toàn bộ hơn 350 công dân Việt Nam tại Vũ Hán đang đứng vẫy cờ và ôm nhau khóc. Lúc đấy, cả phi hành đoàn chưa xuống máy bay mà chỉ đứng ở trên thôi, nhưng hình ảnh đó đã khiến cả đoàn vô cùng xúc động. Mặc dù không trực tiếp tham gia giải cứu, nhưng nhìn những hình ảnh các bạn chụp và gửi về, chúng tôi vẫn cảm nhận được sự cảm động của người dân và đúng là người ta đã hiểu được thế nào là nghĩa đồng bào, thế nào là chính phủ không bỏ rơi công dân.

Khi đoàn công dân từ Vũ Hán về đến bệnh viện, rất may mắn là xét nghiệm không có anh chị nào dương tính nhưng họ vẫn phải cách ly tại bệnh viện và thời gian cách ly lúc đó kéo dài 21 ngày. Bên cạnh điều trị cho nhóm bệnh nhân cách ly thì chúng tôi cũng đang điều trị cho rất nhiều bệnh nhân dương tính. Giai đoạn đó, thực sự chúng tôi rất căng thẳng, vì lúc đó dịch bệnh mới bùng phát và hầu như chúng tôi không có bất cứ một phương pháp điều trị nào cụ thể, luôn là thử nghiệm rồi theo dõi và thử nghiệm. Chính các anh đang cách ly trong đoàn Vũ Hán đã tìm rất nhiều cách để động viên y bác sĩ. Vì các anh lúc đó rất rảnh rỗi, trong ngày chỉ có thể ngồi và nhìn các y bác sĩ làm việc nên các anh bắt đầu hát, các anh ấy sáng tác nhạc. Bệnh viện có hệ thống loa, và ngày nào các anh cũng đánh đàn cho toàn bộ các cán bộ y tế nghe. Thực sự chúng tôi rất trân trọng những khoảnh khắc đó bởi vì đối với chúng tôi đó là nguồn động viên vô cùng lớn.

ThS. BS Trần Thị Hải Ninh chia sẻ câu chuyện của mình trong quá trình tham gia phòng chống dịch Covid-19 tại Hội thảo
ThS. BS Trần Thị Hải Ninh chia sẻ câu chuyện của mình trong quá trình tham gia phòng chống dịch Covid-19 tại Hội thảo "Phụ nữ và ngày quốc tế phòng chống dịch bệnh"

Thực sự là để bệnh viện có thể điều trị bệnh nhân thành công là nhờ rất nhiều sự hỗ trợ của hệ thống y tế dự phòng, bộ đội, công an - những người tạo nên "lá chắn" để lượng bệnh nhân không quá đông, bệnh viện không bị quá tải. Tại bệnh viện không chỉ có những bác sỹ, điều dưỡng mà còn có các bác bảo vệ, cô chú làm vệ sinh cũng góp phần quan trọng vào sự thành công trong quá trình chống dịch. Thực ra, bên cạnh những khó khăn thì cá nhân chúng tôi còn có những trải nghiệm rất ít chia sẻ trên truyền thông, đó là khó khăn giúp chúng tôi trưởng thành hơn, sáng tạo hơn. Như khi có hai nhân viên y tế của bệnh viện Nhiệt đới trung ương bị nhiễm bệnh, thực sự bầu không khí tại viện lúc đó cực kỳ căng thẳng.

Như chúng ta biết, trước đó tại Trung Quốc, đã có hàng nghìn cán bộ y tế nhiễm bệnh và có rất nhiều cán bộ y tế tử vong vì Covid. Lúc đó chúng tôi thực sự lo lắng và tinh thần suy sụp hẳn, không biết quy trình làm việc đã sai sót ở đâu, không biết phải làm như thế nào. Ban lãnh đạo bệnh viện cũng rất trăn trở vì nếu tinh thần của hơn 300 cán bộ công nhân viên bị ảnh hưởng thì việc chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân sẽ ra sao? Nhưng rồi, chúng tôi cũng nghĩ nếu mình cứ đắm chìm trong những đau khổ, thất bại đó thì không thể đứng lên được. Bệnh viện cũng họp rất nhiều cuộc, xem xét lại tình hình, kiểm tra lại quy trình đã sai sót ở đâu, những điểm nào cần khắc phục, có thể làm gì tốt hơn để không xảy ra tình trạng như vậy nữa. Nhờ đó, chúng tôi mới có được ngày hôm nay.

Chúng tôi biết là trong quá trình làm việc thì các trang thiết bị phòng hộ không thể đảm bảo cho chúng ta 100% không lây nhiễm. Nếu 1 loại trang thiết bị phòng hộ không được, thì chúng ta có thể tạo ra 1 loại, 2 loại, thậm chí là 3 loại để bảo vệ được tốt hơn. Khi đó, chúng tôi bèn nảy ra những sáng kiến nhỏ, ví dụ như khoa cấp cứu nơi BS Cấp công tác có chế tạo ra một loại mũ để trùm ra ngoài đầu, và mũ đó có nối dây ô xi để đảm bảo khi đội không bị kín hơi và có thể nhìn rõ khi làm thủ thuật.

Rồi luồng gió trong bệnh viện cũng được suy xét và điều chỉnh để hạn chế tình trạng lây nhiễm. Nếu thi công những bức tường chắn gió hoặc sử dụng những quạt công nghiệp lớn để tạo ra luồng gió thì không thể triển khai được ngay trong ngày một ngày hai. Và tại thời điểm đó chắc cũng không có một thợ xây nào có thể vào bệnh viện để hỗ trợ bệnh viện xây tường hoặc là phân luồng gió. Chúng tôi tự đưa ra những giải pháp ví dụ như là kê tủ hoặc dựng lên những tấm chắn để phân luồng gió, đặt nó theo những hướng luồng gió thổi để không khí trong phòng có thể đi theo một chiều. Kể ra thì sẽ còn rất nhiều sáng kiến. Nhưng lấy một vài ví dụ trên là để minh chứng rằng những khó khăn trong quá trình chiến đấu với Covid đã giúp thế hệ trẻ chúng tôi trưởng thành hơn. Thay vì cứ ngồi nghĩ về khó khăn, về sai lầm, thì chúng tôi tìm cách khắc phục nó, vượt qua nó.

Ngoài ra, chúng tôi cũng trải qua rất nhiều những kỷ niệm vui, có thể kể đến như khi những tôi nhìn thấy các bé được ra đời tại khu cách ly. Đó là sự kiện khiến chúng tôi rất xúc động. Chuyên ngành của bọn tôi là chuyên ngành truyền nhiễm nên khoa sản của bệnh viện chỉ là một đơn vị rất nhỏ. Khi khoa sản gửi tới những hình ảnh các em bé chào đời trong khu cách ly từ các bà mẹ dương tính thì gần như cả Ban giám đốc và tất cả nhân viên đều vỡ òa và các bạn điều dưỡng đã khóc như con mình được sinh ra.

Có những em bé đã được sinh ra khỏe mạnh an toàn tại khu cách ly (Ảnh sưu tầm)
Có những em bé đã được sinh ra khỏe mạnh an toàn tại khu cách ly (Ảnh sưu tầm)

Nếu nói hành động của chúng tôi lúc đó là những hành động anh hùng hay những điều gì to tát thì chúng tôi không dám nhận. Giống như anh Giang (Đại tá, TS. Nguyễn Vân Giang – Phó Cục trưởng Cục Quân Y) đã nói: khi mình đã lựa chọn nghề y là nghề nghiệp của mình thì đó là việc chúng tôi nên làm. Khi các anh bộ đội các anh nằm đất để nhường chỗ cho người dân, tôi cho là các anh không nghĩ phải làm vì thành tích gì mà chỉ nghĩ là làm vì mình đã lựa chọn sự nghiệp đó. Chúng tôi chỉ nghĩ là những đóng góp nhỏ bé của mình, rất may mắn là đã được toàn thể nhân dân ghi nhận.

Khi được hỏi, trong thời gian gần một tháng sống và chiến đấu với dịch Covid-19, chị Hải Ninh trăn trở điều gì nhất? Nhiều người cho rằng chị sẽ nhắn gửi điều gì đó tới con nhỏ, cho người thân và gia đình, nhưng thay vào đó lại là những lời tâm huyết của một bác sĩ luôn đặt trọng trách cứu người lên hàng đầu:

Chia sẻ rất thật rằng, trong công cuộc chữa trị cho bệnh nhân covid-19, chúng tôi không có nhiều thời gian để nghĩ vẩn vơ, vì cả ngày đã phải theo sát bệnh nhân, đến buổi tối thì chúng tôi sẽ dành thời gian để đọc các tài liệu cập nhật, mà đến lúc được đi ngủ thì cũng thường là 1 – 2 giờ sáng rồi. Không có quá nhiều thời gian để nghĩ. Lúc ấy, đối với các sĩ điều trị như chúng tôi thì điều trăn trở nhất là liệu có một loại thuốc nào hoặc biện pháp đặc hiệu nào để có thể điều trị cho bệnh nhân không. Do đó chúng tôi cũng tiến hành một đề tài nghiên cứu cấp nhà nước là “Đánh giá hiệu quả và tính an toàn của thuốc Lopinavir/retonavir (LPV/r) phối hợp trong điều trị người bệnh nhiễm virus corona mới (2019-nCov). Chúng tôi đặt rất nhiều kỳ vọng rằng sau này đó có thể là thuốc điều trị cho bệnh nhân. Hiện tại thì nghiên cứu cũng đang trong quá trình tổng hợp và phân tích kết quả.

Trong lời kể và ánh mắt chị lấp lánh một niềm vui giản dị: mình đã hoàn thành tốt công việc được giao.

Diệu Thuần

Vinh danh gương nữ trí thức vì hòa bình và thịnh vượng

Vinh danh gương nữ trí thức vì hòa bình và thịnh vượng

Các diễn giả tham gia hội thảo "Phụ nữ trí thức vì hòa bình và thịnh vượng" đã góp phần lan tỏa tinh thần sống có trách nhiệm với cộng đồng.