Trung Quốc tập trận sau khi Mỹ đồng ý bán vũ khí trị giá 2,2 tỷ USD cho Đài Loan

Quân đội Trung Quốc gần đây đã tiến hành các cuộc tập trận hải quân và không quân dọc theo bờ biển Đông Nam.

Đây là tuyên bố ngày 14/7 của Bộ Quốc phòng Trung Quốc sau khi Bắc Kinh yêu cầu hủy bỏ thỏa thuận Mỹ bán các thiết bị quân sự trị giá 2,2 tỷ USD cho Đài Bắc. Trong một tuyên bố ngắn gọn, Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói rằng các cuộc tập trận này "là những hoạt động định kỳ theo đúng kế hoạch thường niên của lực lượng quân sự".

Tuyên bố chỉ nói rằng các cuộc tập trận đã được tổ chức "trong những ngày gần đây", không cho biết thời gian cụ thể và tọa độ chính xác nơi diễn ra các cuộc tập trận. Tuy nhiên giới quan sát đã gắn liền sự kiện trên với quyết định được thông báo ngày 8/7/2019 của Bộ Ngoại giao Mỹ, theo đó Washington sẽ bán cho Đài Loan 108 xe tăng Abrams và 250 tên lửa phòng không vác vai Stinger. Dụng ý răn đe Đài Loan đã được thể hiện qua khu vực được chọn để tập trận.

Bắc Kinh cho biết, các lực lượng không quân và hải quân của họ sẽ tổ chức một cuộc tập trận quân sự thường lệ gần eo biển Đài Loan trong những ngày tới. Ảnh: Chinamil.com.cn
Bắc Kinh cho biết, các lực lượng không quân và hải quân của họ sẽ tổ chức một cuộc tập trận quân sự thường lệ gần eo biển Đài Loan trong những ngày tới. Ảnh: Chinamil.com.cn

Theo hãng tin Reuters, vùng biển ngoài khơi các tỉnh Phúc Kiến, Chiết Giang ở miền Đông Nam Trung Quốc là một trong những khu vực nhạy cảm nhất vì nằm đối diện với đảo Đài Loan. Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một tỉnh mà Bắc Kinh nói sẽ sử dụng vũ lực để thống nhất nếu cần.

Ngày 12/7, Trung Quốc cho biết họ sẽ áp dụng chế tài nhắm vào các công ty Mỹ liên quan đến thỏa thuận bán xe tăng, tên lửa và thiết bị quân sự cho Đài Loan và tuyên bố rằng điều này “gây tổn hại đến chủ quyền và an ninh của Trung Quốc”. Ngay sau đó, Bộ Quốc phòng Đài Loan ngày 13/7 đã lên tiếng bảo vệ quyết định đặt mua 2,2 tỷ USD vũ khí của Mỹ.

Trong một bản thông cáo, Bộ Quốc phòng Đài Loan xác định rằng vũ khí của Mỹ chỉ nhằm mục tiêu tăng cường năng lực tự vệ của Đài Loan trước mối đe dọa quân sự đang gia tăng từ Trung Quốc. Bản thông cáo khẳng định rằng quân đội Đài Loan “sẽ tiếp tục tăng cường lực lượng phòng thủ chủ chốt, đảm bảo an ninh quốc gia, bảo vệ quê hương và đảm bảo rằng những thành quả của tự do và dân chủ sẽ không bị tấn công”.

Thông báo ngày 14/7 về các cuộc tập trận của Bộ Quốc phòng Trung Quốc được đưa ra khi Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đang thăm New York, nơi bà quá cảnh trong chuyến công du tới các đồng minh ngoại giao ở Caribbean. Chuyến đi cũng khiến Bắc Kinh tức giận, làm căng thẳng thêm mối quan hệ Trung-Mỹ vốn đang bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại. 

Theo South China Morning Post (Hong Kong), tại New York ngày 11/7, bà Thái Anh Văn đã đón tiếp các đại diện thường trực của Liên hợp quốc ở nơi được coi là đại sứ quán trên thực tế của Đài Loan tại New York. Cuộc gặp này, được công khai với giới truyền thông, là cuộc gặp đầu tiên như vậy bởi các nhà lãnh đạo Đài Loan trước đây thường bị cấm xuất hiện công khai khi quá cảnh tại Mỹ. 

Thông báo của Bắc Kinh về cuộc tập trận quân sự diễn ra chưa đầy một tuần sau khi Mỹ đồng ý thỏa thuận vũ khí trị giá hàng tỷ USD với Đài Loan. Ảnh: Chinamil.com.cn
Thông báo của Bắc Kinh về cuộc tập trận quân sự diễn ra chưa đầy một tuần sau khi Mỹ đồng ý thỏa thuận vũ khí trị giá hàng tỷ USD với Đài Loan. Ảnh: Chinamil.com.cn

Bà Thái Anh Văn đang mong muốn thúc đẩy sự ủng hộ ngoại giao của quốc tế đối với Đài Loan, đồng thời bà cũng tìm cách tăng cường các khả năng tự vệ trong bối cảnh căng thẳng ngày càng dâng cao trên eo biển phân tách Đài Loan với Trung Quốc đại lục. Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một tỉnh mà Bắc Kinh nói sẽ sử dụng vũ lực để thống nhất nếu cần. Bà Thái Anh Văn đã quá cảnh 2 ngày tại New York để tới Caribbean và thăm chính thức 4 đồng minh ngoại giao của Đài Loan là Haiti, Saint Kitts và Nevis, Saint Vincent và the Grenadines, và Saint Lucia.

Trong thông cáo phát đi ngày 14/7, Văn phòng Tổng thống Đài Loan cho biết, trong khi ở New York, bà Thái Anh Văn đã điện đàm với Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cũng như gặp một số thượng nghị sĩ và thành viên khác của Quốc hội Mỹ. Bà Thái Anh Văn ngỏ lời cảm ơn Mỹ vì “coi trọng việc đảm bảo an ninh cho eo biển Đài Loan" và việc chấp thuận thỏa thuận bán vũ khí mới đây nhất cho Đài Loan.

South China Morning Post trích lời ông Yue Gang - một nhà bình luận quân sự Trung Quốc - nói rằng thời gian diễn ra các cuộc tập trận của Trung Quốc là sự đáp trả rõ ràng đối với chuyến công du của bà Thái Anh Văn và thỏa thuận mua bán vũ khí giữa Mỹ và hòn đảo này. Ông nói: "Các cuộc tập trận có ý nghĩa rằng nếu Đài Loan tiếp tục chống lại việc thống nhất, thì con đường của Đài Loan sẽ đi tới ngõ cụt".

Bắc Kinh đã nhiều lần kêu gọi Mỹ chấm dứt những trao đổi quân sự với Đài Loan. Mặc dù Washington không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Bắc, song Mỹ duy trì quan hệ không chính thức với Đài Loan và có nghĩa vụ ràng buộc phải bảo vệ hòn đảo này nếu người dân Đài Loan bị thế lực bên ngoài đe dọa. Trong khi đó, Bắc Kinh thường xuyên tập trận tại vùng biển và vùng trời gần Đài Loan. Đài Loan tăng cường quan hệ ngoại giao.

Theo hãng tin Al Jazeera, bà Thái Anh Văn đã có chuyến thăm ngắn tới Haiti trong một nỗ lực nhằm tranh thủ các đồng minh ngày càng ít đi của Đài Bắc ở vùng Caribbean khi đối mặt với cuộc cạnh tranh ngoại giao với Trung Quốc.

PLA tổ chức các cuộc tập trận quân sự thường xuyên ở vùng biển và bầu trời quanh Đài Loan. Ảnh: Reuters
PLA tổ chức các cuộc tập trận quân sự thường xuyên ở vùng biển và bầu trời quanh Đài Loan. Ảnh: Reuters

Kể từ khi bà Thái Anh Văn trở thành Tổng thống Đài Loan, Bắc Kinh đã "lấy đi" 5 trong số các đồng minh của Đài Loan, trong đó có nước láng giềng của Haiti là Cộng hòa Dominicana - quốc gia đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan hồi năm ngoái.

Chuyến thăm Port-au-Prince, thủ đô của Haiti, là chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công du vùng Caribbean dài 12 ngày của bà Thái Anh Văn. Haiti hiện là 1 trong số 17 quốc gia trên thế giới chính thức công nhận Đài Loan. Đài Bắc đã dành một khoản ngân sách trị giá 150 triệu USD để đầu tư vào Haiti nhằm giúp ngành điện của quốc gia này, tuy nhiên ngân sách này vẫn chưa được trao cho Haiti vì chúng cần được quốc hội Haiti phê chuẩn.

Các đồng minh của Đài Loan ở Caribbean và Trung Mỹ đã giảm xuống trong những năm gần đây. Năm 2017, Panama đã cắt quan hệ với Đài Loan để thiết lập quan hệ với Trung Quốc. El Salvador và Cộng hòa Dominicana sau đó đã làm điều tương tự, và Honduras đã báo hiệu nước này sẽ làm như vậy trong thời gian tới.

Các quan chức Mỹ cảnh báo El Salvador không được làm điều đó và cần thận trọng trước một Trung Quốc chuyên "bóc lột". Đài Loan đã tự trị trong 70 năm qua, nhưng phần lớn các quốc gia trên thế giới không công nhận Đài Loan, trong đó có Mỹ - quốc gia đã dừng quan hệ chính thức với Đài Bắc để công nhận Bắc Kinh năm 1979.

Tuy nhiên, Washington vẫn là đồng minh không chính thức mạnh mẽ nhất và là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của Đài Loan, đồng thời gần đây đã gây sức ép nhằm buộc Haiti duy trì quan hệ với Đài Bắc.

CHẤN HƯNG (t/h)

theo Tin 24h