Từ 1/12, vi phạm trong lĩnh vực báo chí và xuất bản có thể bị phạt đến 200 triệu đồng

Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Nghị định số 119/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản.

Nghị định bao gồm 5 chương, 44 điều, quy định hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí , hoạt động xuất bản.

Đối tượng áp dụng

  • Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí , hoạt động xuất bản trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
  • Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính;
  • Cá nhân, tổ chức có liên quan;
  • Tổ chức quy định tại khoản 1 điều này…
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả

1. Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền.

2. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm còn có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:

  • Tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn từ 01 đến 12 tháng, bao gồm: Giấy phép hoạt động báo in, tạp chí in, báo nói, báo hình, báo điện tử, tạp chí điện tử, giấy phép xuất bản thêm ấn phẩm, phụ trương, giấy phép xuất bản chuyên trang, giấy phép cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền, giấy chứng nhận đăng ký thu tín hiệu truyền hình nước ngoài trực tiếp từ vệ tinh giấy phép sản xuất kênh chương trình, giấy phép nhập khẩu báo in, tạp chí in, giấy chứng nhận đăng ký cung cấp kênh chương trình nước ngoài trên dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền, giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, giấy phép xuất bản bản tin, giấy phép xuất bản đặc san, giấy phép thành lập nhà xuất bản, giấy phép thành lập văn phòng đại diện của nhà xuất bản nước ngoài hoặc tổ chức phát hành xuất bản phẩm nước ngoài tại Việt Nam, giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm, giấy phép hoạt động kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm;
  • Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;
  • Đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 đến 12 tháng.

Ngoài các hình thức xử phạt quy định tại khoản 1 và khoản 2 điều này, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc một số biện pháp khắc phục hậu quả như buộc cải chính, xin lỗi; buộc thu hồi sản phẩm báo chí, sản phẩm thông tin có tính chất báo chí, chương trình phát thanh, truyền hình, xuất bản phẩm vi phạm các quy định của pháp luật; buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật…

Mức phạt tiền và thẩm quyền xử phạt

1. Mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản là 200.000.000 đồng đối với tổ chức và 100.000.000 đồng đối với cá nhân.

2. Mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại các Chương II và Chương III Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với tổ chức, trừ các hành vi vi phạm quy định tại Điều 6 Nghị định này là mức phạt tiền đối với cá nhân.Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.

3. Thẩm quyền phạt tiền của các chức danh quy định tại Chương IV Nghị định này là thẩm quyền áp dụng đối với một hành vi vi phạm hành chính của tổ chức, thẩm quyền phạt tiền đối với một hành vi vi phạm hành chính của cá nhân bằng 1/2 thẩm quyền phạt tiền đối với tổ chức.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/12/2020./.

HOÀNG GIA

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương